Thông điệp từ người mẹ vừa mất con thức tỉnh thói quen nhiều cha mẹ Việt đang mắc phải
Bạn có nhận thấy không, rất nhiều bố mẹ Việt đang hàng ngày đẩy dần các con ra xa mình hơn bằng những việc mà chính họ nghĩ rằng tốt nhất cho con!
Có thể hàng ngày, bạn rời nhà từ sáng sớm rồi trở về khi bản thân đã mệt nhoài lúc trời đã tối và các con đã đến giờ đi ngủ, chỉ để an tâm rằng, mình đang nỗ lực hết sức để mang đến cho con những điều tốt nhất, để bảo vệ con trong nhưng giới hạn an toàn mà bạn đang có. Nhưng thực tế, bất cứ lúc nào cuộc sống cũng có thể mang đến cho bạn một cú sốc hoàn toàn ngược lại, một trong số đó là những điều bạn đang làm thực ra chẳng có ý nghĩa gì với con cả!
Bởi vì, những điều con cần, những điều khiến con hạnh phúc, những điều có thể bảo vệ con có khi không hề to tát như bạn nghĩ.
Mới đây, câu chuyện của một bà mẹ Mỹ mất con sau một tai nạn đã khiến nhiều cha mẹ rơi nước mắt, nhưng tôi tin, là mỗi bố mẹ Việt sẽ còn thấm thía và được cảnh tỉnh nhiều điều.
Ashley Grimm, một bà mẹ Mỹ 31 tuổi, gặp một tai nạn xe hơi thảm khốc khi đi cùng 5 đứa con nhỏ. Điều tồi tệ nhất xảy ra là cậu con trai bé bỏng 4 tuổi Titus của chị đã tử vong ngay trên xe. Trải qua những ngày tồi tệ đắm chìm trong nỗi đau đớn mất con, mới đây, Grimm đã chia sẻ câu chuyện của mình trên trang cá nhân cùng một thông điệp nhắn gửi các bà mẹ khác, lời đầu tiên, bà mẹ này thừa nhận là hôm xảy ra tai nạn, cô đã không cài dây an toàn cho bé Titus.
Tôi nhớ đến những điều mình nhìn thấy hàng ngày, là những em bé loi nhoi trên ô tô, chúng nô đùa, đứng lên ngồi xuống, thậm chí còn được ngồi vào lòng bố mẹ đang lái xe… đó là điều mà nhiều bố mẹ Việt vẫn cho là bình thường với suy nghĩ – làm sao bắt bọn trẻ con hiếu động cài dây an toàn khi ngồi trên xe được, chúng làm sao chịu nổi. Chính suy nghĩ đó là một việc làm vô tình đẩy con ra xa mình – bởi bạn đâu biết tai nạn có thể xảy ra lúc nào? Bởi bạn đâu biết rằng, có những thói quen nếu không được rèn luyện từ nhỏ thì cả đời sẽ không bao giờ làm được, và những đứa trẻ không được bố mẹ rèn luyện thói quen bảo vệ tính mạng để nó trở thành một bản năng này khi lớn lên liệu có ý thức được ý nghĩa to lớn của một việc làm nhỏ bé là cài dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô không?
Quay trở lại câu chuyện của bà mẹ Ashley Grimm, cậu bé Titus hiếu động luôn tìm mọi cách để thoát ra khỏi dây an toàn khi đang ngồi trên xe và Grimm đã tìm mọi cách để con chấp nhận việc ngồi trên xe với dây an toàn thắt chặt bằng các loại ghế có đai an toàn khác nhau hay việc thường phải kéo dây an toàn lại 3-4 lần để vị trí ngồi của bé chắc chắn. Tuy nhiên, vào một tình huống không lường trước, khi Grimm không biết rằng, bé Titus đã đổi chỗ ngồi với anh trai 8 tuổi và không cài lại dây an toàn, tai nạn đã xảy ra và con trai bé bỏng của chị đã mãi mãi ra đi. Khi những thông tin về vụ tai nạn được đăng tải trên báo và các trang mạng xã hội, Ashley Grimm đã vô cùng suy sụp khi phải đối diện với nỗi đau mất con cùng những lời chỉ trích nặng nề rằng chị là một và mẹ tồi tệ.
Ashley Grimm gửi thông điệp "Hãy giữ các con thật chặt" tới tất cả các bà mẹ trên thế giới cùng những lời nhắn nhủ cảm động:
- Hãy bước vào thế giới của con. Chơi với con trò chơi mà chúng yêu thích. Hãy phiêu lưu cùng trí tưởng tượng của con để con được tin rằng mình là một siêu anh hùng hay nữ hoàng Elsa.
- Hãy hào phóng với mỗi cái ôm và nụ hôn của con, cho dù chúng có làm như vậy hàng chục lần chỉ để tìm cách ra khỏi giường ngủ vào ban đêm.
- Hãy lái xe thật chậm, thật chậm thôi các mẹ!
- Hãy luôn nhìn vào mắt con để nói rằng bạn yêu con như thế nào và con có thể làm bất cứ điều gì bé muốn.
- Bất cứ lúc nào, hãy ôm con, hít hà mùi hương trên cơ thể chúng, ngắm nhìn đôi mắt lấp lánh và trong veo vì bạn không thể biết chúng sẽ mất đi vào một ngày nào đó.
- Đặt điện thoại của bạn xuống và ngắm con bằng chính đôi mắt của mình, chứ không phải qua ống kính camera hay máy ảnh.
- Hãy lưu giữ thật kĩ những cảm xúc tuyệt vời khi nhấc bổng con lên vai, nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của con trong tay bạn, khi con thơm lên má bạn... Hay đơn giản là luôn dành thêm 5 phút nữa để lắng nghe các con hào hứng nói về Chiến tranh giữa các vì sao hay các nàng công chúa Disney...".
Bạn thấy đấy, có những điều nhỏ bé mà chỉ khi mãi mãi mất đi rồi, chúng ta mới nhận thấy nó có ý nghĩa lớn lao đến thế nào.
Chúng ta quát con hoặc thờ ơ với chúng khi chúng hào hứng khoe với chúng ta bộ sticker công chúa chỉ bởi vì chúng ta đang tranh thủ check mail trên điện thoại, việc mà chúng ta chỉ mất vài phút để làm.
Chúng ta bắt con chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, thậm chí “vô thời hạn” khi chúng muốn nhào đến ôm lấy chân bố mẹ, rúc vào lòng bố mẹ… chỉ vì “Bố mẹ đang bận, con ra kia chơi đi!”.
Chúng ta chụp cho con hàng nghìn bức ảnh, nhưng được bao nhiêu lần nhìn vào mắt con để nói “Bố/mẹ yêu bé cưng của bố/mẹ biết bao!”
Chúng ta chơi với con như thế nào? Với ánh mắt thờ ơ và đôi tay mải miết kéo màn hình điện thoại?
Chúng ta vội vã đi làm sau khi sinh con để “hòa nhập” và đảm bảo tài chính gia đình, lạnh lùng trao con cho người giúp việc, cho ông bà vào đúng thời điểm và giai đoạn mà con cần chúng ta nhất trong cuộc đời của chúng.
Chúng ta bỏ lỡ những cột mốc đầu tiên của con để cố gắng làm những điều cuối cùng chúng ta phải làm trước khi quá muộn.
Chúng ta có thể cố gắng tươi cười với đồng nghiệp nhưng có thể cáu kỉnh, quát mắng và nhăn nhó với con chỉ vì “con thật là phiền toái” khi nũng nịu để được ở bên bố mẹ nhiều hơn.
Chúng ta để mặc con không cài dây an toàn khi ngồi ô tô, để con leo trèo nghịch ngợm chỉ vì không muốn mất thời gian kiên nhẫn rèn cho con hoặc đơn giản là vì chính chúng ta cũng không thể làm điều đó để trở thành tấm gương cho con.
Chúng ta dễ dãi cho con ăn kẹo, bim bim, uống nước ngọt... chỉ vì chúng ta có thể lấy những đồ ăn rác đó làm "mồi nhử" để con nghe lời, con ngoan ngoãn mỗi khi chúng ta cần thỏa hiệp với các con.
Chúng ta còn làm gì nữa để mỗi ngày lại đẩy các con ra xa mình một chút như vậy, những khoảng cách có thể không nhận ra trong một ngày, một tháng nhưng có thể ập đến trong một tích tắc định mệnh nào đó hay trở thành một hố sâu giữa bố mẹ và con mà khi bạn nhận ra thì đã quá muộn?
Liệu bố mẹ chúng ta có đủ mạnh mẽ để thay đổi vị trí ưu tiên của cuộc đời mình từ những khao khát chinh phục và sự nghiệp rạng rỡ thành những phút giây giản dị bên con, chia sẻ với chúng những niềm vui nhỏ bé li ti mỗi ngày với niềm hạnh phúc giản đơn là không bỏ lỡ bất cứ giây phút nào được ngắm nhìn chúng lớn lên.
Tôi tin là tất cả bố mẹ chúng ta đều mong muốn, và thật buồn là không nhiều trong số chúng ta đủ mạnh mẽ để đặt con lên vị trí ưu tiên số 1 của cuộc đời mình theo cách như vậy.