Thay vì được quẳng cho chiếc ipad, mỗi cuối tuần trẻ con Hà Lan lại đi chơi với... heo
Khi được thả xuống các trang trại heo, trẻ con Hà Lan túa ra, trông rất ư là hớn hở, có đứa cứ vậy nằm lăn ra cỏ...
Hôm 8/4 vừa qua là ngày đặc biệt ở Hà Lan mang tên ‘Kom in de kas - Làm ơn bước vào nhà lưới’. Hà Lan nổi tiếng với nền công nghiệp hoa, và ‘Kom in de kas’ là ngày mà nhà lưới trồng hoa được mở cho mọi người vào tham quan, dĩ nhiên đông nhất là trẻ con được ba mẹ đưa tới đây cho biết.
Tàn đông, vào xuân rồi, trời ấm dần, hoa bắt đầu nở, đàn gia súc được thả ra đồng. Và điều khác lạ ở đây là, con nít cũng được đưa tới chơi với đàn gia súc. Dĩ nhiên, điều tiên quyết phải là trang trại nuôi gia súc hữu cơ, sạch, an toàn.
Trang trại heo ở Hà Lan mỗi cuối tuần rất khác bên nhà mình, đầy ắp tiếng cười nói, trẻ con và bố mẹ chúng. Đa số tới bằng xe đạp, chở nhau yên trước yên sau, vài xe đạp có cả thùng phía trước, chở ba bốn đứa nhỏ. Tụi con nít khi được thả xuống sân trang trại, nơi đang thả bầy heo con, thì túa ra, nhiều đứa đứng không cao hơn con heo bao nhiêu và cả bọn trông rất ư là hớn hở, có đứa cứ vậy nằm lăn ra cỏ. Tôi bất giác nghĩ có khi khó tránh mấy phế phẩm mà gia súc thải ra nhưng xem chừng tụi nhỏ không bận tâm, mà ba mẹ tụi nó cũng không luôn! Có đứa còn bé, chắc lần đầu thấy gia súc, ngồi trong xe nôi chúng cứ tròn mắt lên, reo lên rồi cười khúc khích, đưa tay ra rờ rờ như tìm hiểu...
Trẻ con Hà Lan vui chơi trong nhà lưới trồng hoa hay trại heo cuối tuần.
Những trại heo cuối tuần đầy ắp tiếng cười của trẻ nhỏ.
Ngang khu ngoài trời dành cho heo đi dạo, tôi thấy quá chừng là xe đẩy và trẻ con. Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, đi thăm trại heo Piggy’s Palace Buitenvarken, anh trại chủ khoe với chúng tôi mấy trò heo đá banh, nhảy tưng trên nệm, trong số đó tôi ấn tượng và chụp nhiều ảnh nhất là chiếc cầu tuột nước. Mùa xuân nào trang trại anh ấy cũng đón con nít vô hội hè chơi đùa cùng với heo, thấy vui lắm. Nhiều đứa còn xin nhận nuôi heo con như kiểu người ta nhận con nuôi ấy.
Tôi bất giác nghĩ tới mấy bức ảnh trên tường nhà anh Cường, giám đốc nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu ở Mỹ Luông, An Giang. Trong ảnh, anh và cả đám con nít rồng rắn lội mương, qua cầu khỉ, vác đất. Đứa nào đứa nấy hí hửng như đi trẩy hội. Tôi hỏi ảnh, làm gì vậy ông thần, ảnh kêu, mùa hè, chơi với con nít thôi.
Hồi xưa, chắc ông Nguyễn Hiến Lê hay nói tới việc dạy trẻ con bằng phương pháp trực quan sinh động, là nói tới cách dạy trẻ học - chơi thế này đây. Một ngày đi chơi kiểu này với tụi nhỏ bằng bao nhiêu thời gian tụng kinh, học vẹt?
Một hình ảnh đẹp ở nhà máy chế biến nông sản của CT Antesco ở Mỹ Luông, An Giang, anh quản lý đang chơi với trẻ con trong sân nhà máy.
Mà học vẹt trả bài cho đến hết cấp 4 là chuyện bình thường rồi?
Nửa đêm có việc là tôi chat với cô bạn đang đi học về "tiêu chuẩn sản phẩm chăn nuôi" ở Hà Lan. Cô ấy hay kể chuyện về trẻ con. Tôi đoán vì bà mẹ trẻ này đi học xa nhớ cô con gái nhỏ. Nhưng hồi đi dự Hội chợ Nông nghiệp Pháp tháng qua, và nghe những gì cô kể, tôi thấy còn một lý do khác: trẻ con ở đó được chăm yêu rất đặc biệt. Những nước phát triển như Pháp, Hà Lan, việc cha mẹ dành toàn thời gian nghỉ cuối tuần đưa chúng đi chơi hòa mình vào thiên nhiên, làm bạn với lũ heo dê cừu là "liệu pháp" nhân văn và đầy ắp tình yêu trong nuôi dạy trẻ, thay vì "quăng" cho chúng cái iPad để khỏi bị chúng làm phiền...
Những nước phát triển như Pháp, Hà Lan, việc cha mẹ dành toàn thời gian nghỉ cuối tuần đưa chúng đi chơi hòa mình vào thiên nhiên, làm bạn với lũ heo dê cừu là "liệu pháp" nhân văn và đầy ắp tình yêu trong nuôi dạy trẻ.
Ở ta, phải sử dụng tới iPad là bình thường thôi? Không, gần đây, giáo dục của nhà trường thường xảy ra lắm chuyện nghe nổi da gà. Cô giáo câm, cô giáo cho uống nước giẻ lau bảng, thực ra là kiểu giáo dục gì? Bình thường thôi? Với người chịu trách nhiệm thì là bình thường còn với phụ huynh các cháu và chúng ta, là... bó tay. Nên chuyện trẻ con Hà Lan được đưa đến chơi ở trại heo cuối tuần cứ làm tôi phải nghĩ. Xứ mình nông nghiệp mà con nít thành phố không biết gì về lúa, heo, cây trái, chỉ có chơi iPad, thiệt tình chuyện nhỏ mà đâu có nhỏ?