Thấy con hay ói sau bú, người quen bảo do sữa mẹ không tốt, không ngờ em bé mắc bệnh hiếm gặp
Các mẹ cần đặc biệt cảnh giác với việc nôn trớ ở trẻ sơ sinh kéo dài bởi nó có thể là biểu hiện bệnh lý ít ai ngờ tới.
Khoa Hồi sức phẫu thuật, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa tiếp nhận phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nhi bị dị tật lòng ruột đoạn D2 tá tràng có một màng ngăn dày 2mm có lỗ thông bít hết lòng ruột.
Đó là trường hợp bệnh nhân nhi D.T.M.T. (ở Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), sinh ngày 23/04/2020, cân nặng lúc sinh 3100g, khóc to sau sinh, các chỉ số APGAR bình thường. Sau sinh bú sữa mẹ tiêu hóa được, tiêu phân su vài ngày rồi tiêu phân vàng. Đến ngày thứ 3, bé nôn ói 1 - 2 lần sau bú.
Theo mẹ bệnh nhân nhi chia sẻ, thấy con hay ói sau bú, mẹ đã lo lắng hỏi bạn bè và người quen thì được giải thích do bé bị thay đổi tư thế từ thế nằm trong bào thai, nay ra đời thành tư thế đứng nên bé bị ói, sau này quen dần sẽ hết ói, nhưng mấy ngày bé vẫn không đỡ. Có người còn nói bé ói là do sữa mẹ không tốt. Thấy vậy, mẹ bé đi tìm một bà mẹ khác có tiếng tốt sữa đang nuôi con nhỏ để xin sữa cho con bú. Mặc dù mẹ bé D.T.M.T. đã đổi sữa, bé bú nhiều hơn nhưng cũng vẫn ói, có chiều hướng tăng ói.
Mẹ bé D.T.M.T cho bé đi bác sĩ tư khám và uống thuốc thì bớt nhưng gần 2 tháng mà bé vẫn ói, tăng cân rất chậm (200g), nguy cơ suy dinh dưỡng.
Đến 7 tuần tuổi bé khóc dữ dội và ói nhiều hơn, ói liền sau khi bú, ói ra sữa vừa mới bú vào, gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Sau khi vào viện được các bác sĩ khám làm các xét nghiệm và phẫu thuật. Sau 2 tiếng phẫu thuật hoàn tất, bác sĩ phát hiện bên trong lòng ruột đoạn D2 tá tràng có một màng ngăn dày 2 mm có lỗ thông bít hết lòng ruột. Đây là nguyên nhân gây nên những triệu chứng của bé suốt 2 tháng nay, làm cho bé bắt đầu bước vào giai đoạn suy kiệt.
Sau phẫu thuật, bé qua cơn nguy hiểm. Đến nay bé đã bú được 30 - 40ml sữa/1 cữ, lượng sữa bú tăng dần đáp ứng nhu cầu phát riển của cơ thể, không còn ói nữa, cân nặng tăng thêm 100g.
Theo các bác sĩ, dị tật màng ngăn tá tràng có lỗ thông có xuất độ thấp 1/10000 trẻ. Vì màng ngăn có lỗ nên mọi triệu chứng và dấu hiệu tắc ruột trên X-quang và siêu âm trong giai đoạn đầu bị mất hết, bé vẫn có thể ăn và tiêu hóa bình thường với lượng sữa ít nên khó chuẩn đoán sớm. Khi nhu cầu bú sữa của bé tăng lên, cộng với hiện tượng viêm nhiễm do sữa ứ đọng làm cho lỗ thông nảy hẹp hơn hoặc bị tắc hẳn thì các triệu chứng và dấu hiệu tắc ruột lộ ra, từ đó mới chẩn đoán được và phẫu thuật như trường hợp bé D.T.M.T. này. Sau khi xử lý dị tật bằng phẫu thuật, bé sẽ phát triển như bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ nuôi con chú ý không có bệnh lý ói do thay đổi tư thế ở trẻ sơ sinh và sữa mẹ luôn là thức ăn bổ dưỡng cho mọi đứa trẻ. Cần cảnh giác và thận trọng với các bé sơ sinh ói kéo dài quá 1 tuần lễ.