Tâm sự của những bà mẹ có con lười ăn: Dẫu biết "khỏe mạnh là được" nhưng đôi khi vẫn tủi thân vì con bị chê "còi dí"

Thảo Hương,
Chia sẻ

Điều quan trọng nhất với một em bé là khoẻ mạnh, hạnh phúc chứ không phải chỉ ở vẻ bề ngoài.

Khi nuôi con, ai cũng mong con mình được khoẻ mạnh, phát triển tốt theo lứa tuổi. Tuy nhiên, mỗi em bé có cơ địa khác nhau, việc hấp thu dinh dưỡng vì thế cũng khác biệt qua mỗi giai đoạn. Việc chê một em bé nào đó là "còi dí" hay "béo ú" không chỉ vô tình làm tổn thương em bé mà còn cả những người làm cha, làm mẹ. 

Mới đây, trên một diễn đàn về nuôi dạy con, một người mẹ chia sẻ câu chuyện của bản thân nhận được nhiều sự quan tâm của hội mẹ bỉm: "Tự nhiên thấy buồn và thương con quá. Nó cứ lười ăn và trông còi dí. 3 tuổi rưỡi tức là 3 năm rưỡi mình rất tôn trọng việc ăn uống của con. Các mẹ có câu an ủi quốc dân là "không sao, cứ vui vẻ hoạt bát là được", câu đó bác sĩ cũng nói. Mình tin chứ, tin nên lâu lâu đến tận bây giờ tự nhiên có một ngày nghĩ tủi thân, và thương nó".

Dưới phần bình luận, rất nhiều người mẹ cùng an ủi, chia sẻ vì con mình cũng rơi vào tình trạng y hệt "nuôi mãi mà chẳng lớn". Nhiều mẹ thương con, xót xa vì thấy con bé xíu, hay bị chê, nhưng cũng có những mẹ luôn đứng lên bảo vệ, tôn trọng sự phát triển của con mình. 

Nhiều người mẹ đưa ra lời tâm sự, chia sẻ chuyện con "còi dí", "nuôi mãi không lớn"

Điều quan trọng là em bé khoẻ mạnh, hạnh phúc chứ không phải chỉ ở vẻ bề ngoài

Đó là quan điểm của chị Lê Thị Hà Phương (28 tuổi, sống ở Hải Phòng) khi con bị chê bai ngoại hình.

"Ôi cái thằng còi!. Hôm qua, một người hàng xóm ghé chơi, giơ tay tính bế rồi vừa cười vừa trêu Tiền như vậy. Mình nói lại luôn: "Cháu không còi, cháu bình thường, bà đừng nói thế cháu buồn đấy!", cùng lúc đó Tiền cũng gạt tay bà ra không cho bà chạm vào người con nữa.

Từ khi có con, mình đã trở thành một người mẹ khó ưa, đanh đá với những câu nói mang danh "đùa thôi có gì mà ghê vậy".

Con mình có thể không bụ bẫm như những em bé cùng tháng nhưng con vẫn phát triển hết sức bình thường so với biểu đồ tăng trưởng của riêng con. Thậm chí con có những chỉ số còn vượt trội hơn như phát triển nhận thức hay phát triển xã hội và cảm xúc. Không phải nhìn vào vẻ bề ngoài để đánh giá đứa trẻ đó có phát triển tốt hay không, có khoẻ mạnh hay không, như đại đa số mọi người vẫn thường chỉ trỏ và đánh giá", chị Phương khẳng định.

Chị Phương và con trai.

Ám thị bằng ngôn từ tạo ra sức mạnh. Trẻ em lớn lên trong ngôn từ của chúng ta. Ngôn từ đúng có thể kiến tạo nên một con người. Ngôn từ sai có thể huỷ hoại một con người. Đối với trẻ nhỏ chưa có khả năng miễn nhiễm với ám thị ngôn từ sẽ vô thức tiếp nhận dù tích cực hay tiêu cực. Người lớn gắn cho trẻ cái mác như thế nào trẻ sẽ xây dựng hình ảnh bản thân theo đúng như cái mác đó. Hãy cẩn thận với lời mình nói ra với những đứa trẻ. Đừng coi thường đời sống tâm lí của trẻ, thiếu sự tôn trọng và cho rằng trẻ không cảm nhận bị xúc phạm với những ngôn ngữ thô bạo kia.

Nghịch lý nuôi con của một số các ông bố bà mẹ 

Theo chị Phương, nghịch lý của một số các ông bố bà mẹ Việt Nam là lúc bé thì mong muốn con mập, nhưng lớn lên lại thích con thông minh. Thời điểm mà con có thể phát triển được trí não thì chỉ mong muốn con mập mạp, còn thời điểm con phát triển thể lực thì lại thích con mình giỏi. Đối với bà mẹ trẻ, nuôi con thì không nên để ý quá về vấn đề cân nặng mà cần quan tâm đến phát triển trí não cho bé.

"Mình quan tâm con mình có khoẻ mạnh không, có nhanh nhẹn không, có hoạt bát không, trí tuệ phát triển có đầy đủ không, mỗi bữa ăn trôi qua với con có vui vẻ không. Không phải cứ nhìn con mình nhỏ con hơn bé nhà hàng xóm là nghĩ con mình suy dinh dưỡng. Vì mỗi đứa bé sinh ra đã khác nhau cả về cân nặng, chiều cao,... Cũng như người lớn có người gầy người béo vậy. Mọi sự so sánh đều vô lí và vô duyên đối với những đứa trẻ. Nhất là những câu đùa tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra lại đang làm tổn thương chính những đứa bé trong vô thức. 

Đối với trẻ nhỏ chưa có khả năng miễn nhiễm với ám thị ngôn từ sẽ vô thức tiếp nhận dù tích cực hay tiêu cực. Người lớn gắn cho trẻ cái mác như thế nào trẻ sẽ xây dựng hình ảnh bản thân theo đúng như cái mác đó. Hãy cẩn thận với lời mình nói ra với những đứa trẻ. Đừng coi thường đời sống tâm lí của trẻ và thiếu sự tôn trọng và cho rằng trẻ không cảm nhận bị xúc phạm với những ngôn ngữ thô bạo kia.

Là một người mẹ hiện đại, chúng ta đừng ngần ngại và im lặng trước những câu đùa kia mà hãy thẳng thắn và nghiêm túc nói lên suy nghĩ của mình như một cách để bảo vệ con. Để lần tới con mình sẽ không còn phải nghe những câu "đùa thôi có gì mà ghê vậy" ấy nữa", chị Phương nhận định.

Chia sẻ