Tại sao trẻ cứ đi học lại ốm?
Trả lời câu hỏi "Tại sao trẻ cứ đi học lại ốm?", các chuyên gia nhi khoa chỉ ra rằng, việc để trẻ ít vận động thể dục, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên và chỉ "ở nhà nằm điều hòa" chính là nguyên nhân.
Bệnh với trẻ em trong mùa Hè là “bệnh thời tiết”, đặc biệt nắng nóng khiến trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Năm nay, ngoài dịch chân tay miệng gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên (như BV Nhi T.Ư, BV Xanh Pôn), dịch cúm A bùng phát và COVID-19 vẫn còn lưu hành với tỷ lệ mắc trong cộng đồng vẫn còn và có nguy cơ khiến dịch chồng dịch.
TS Nhi khoa, Giám đốc BVĐK Hòe Nhai Phan Thị Thanh Bình cho biết, thời gian qua, trẻ đến viện khám và điều trị do cúm A kèm theo bội nhiễm viêm phổi rất nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ gặp vấn đề về nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc bệnh hô hấp là khá cao: “Virus, vi khuẩn luôn luôn đột biến và với tác động của môi trường nên đặc điểm theo dịch tế học “cúm vào mùa Đông” cũng thay đổi và năm nay cúm A đặc biệt xuất hiện vào mùa Hè, với triệu chứng thường nặng, sốt rất cao và nếu không xử lý kịp thời trẻ có thể gặp phải những biến chứng nặng nề. Do đó tiên lượng dịch cũng sẽ thay đổi dần, không chỉ có cúm vào mùa Đông”.
Theo TS Phan Thị Thanh Bình, hiện nay, nhiều trường học đã đón học sinh tựu trường do vậy để phòng, chống dịch bệnh, thì với cúm A đã có vaccine, cả trẻ em và người lớn cần tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là người già có bệnh mãn tính về hô hấp.
“Một số dịch bệnh như cúm A đã có vaccine, nhưng vaccine này không bền vững nên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm vaccine 6 tháng/lần cho cả trẻ em và người lớn. Những trường hợp bệnh lý khác như chân tay miệng, bệnh về bào hô hấp chưa có vaccine, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay và vệ sinh tại môi trường, cảnh quan trẻ tham gia học tập, tuyên truyền để trẻ duy trì đeo khẩu trang”, TS Phan Thị Thanh Bình nói.
Đánh giá về diễn biến bất thường của dịch cúm A, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng, ảnh hưởng sau thời gian dài giãn cách do COVID-19 là việc từ người lớn đến trẻ nhỏ phải ở trong nhà, gây tác động đến yếu tố miễn dịch. Điều này khiến sức miễn dịch của toàn xã hội kém và khiến các loại virus, bệnh dịch khác có thể tấn công cơ thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, để tăng cường miễn dịch, người dân phải duy trì hoạt động thể dục thể thao và có các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí để bồi dưỡng sức khỏe tinh thần.
“Chúng ta sẽ đợi đến sang năm, nếu dịch cúm A trở lại theo đúng chu kỳ vào mùa Đông Xuân từ tháng 9, tháng 10 thì những nhận định nêu trên sẽ được kiểm chứng. Có khoảng 200 con virus gây bệnh ở đường hô hấp, với các triệu chứng khác nhau. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn COVID-19 hay sốt xuất huyết”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, để phát hiện đúng và điều trị kịp thời bệnh hô hấp ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu về dịch bệnh để đưa con em đi khám, điều trị kịp thời. Nhất là khi, trẻ em đôi khi không biết mô tả đúng triệu chứng của mình.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, điều quan trọng nhất lúc này là các bậc phụ huynh lưu ý đến chế độ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe, sức đề kháng để tự bảo vệ mình trước các dịch bệnh: “Với dinh dưỡng, chúng ta cần lưu ý đến chế độ ăn, các loại thực phẩm. Đặc biệt, tôi khuyến cáo tăng cường ăn hoa quả và tập thể dục điều độ, thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Nhiều gia đình sợ con bị ốm nên suốt ngày để ở trong nhà, bật điều hòa, do vậy nhiều người gặp bác sĩ tư vấn tại sao trẻ con cứ đi học lại ốm”./.