Cai sữa mãi không được, mẹ gửi con sang nhà bà ngoại, 7 ngày sau gặp lại phản ứng của em bé khiến mẹ ôm mặt khóc nức nở
Hành động của bé gái khiến cả mẹ và bà ngoại đều vô cùng ngạc nhiên xen lẫn hụt hẫng.
Mỗi người mẹ sẽ quyết định thời gian
khác nhau cho con. Tuy nhiên, đây là điều không hề dễ dàng vì bé vốn rất ''nghiện'' sữa mẹ, có bé chỉ mất 3-4 ngày, nhưng cũng có đứa bé mất cả mấy tuần vẫn chưa thể cai.Mới đây, một người mẹ đã chia sẻ câu chuyện của bản thân, chị cai sữa mãi cho con không được, mỗi lần thấy bé khóc là mẹ lại thương, vội vàng cho bé bú ngay, vì thế mà chỉ quyết tâm được 1-2 ngày rồi ''đâu lại vào đấy''. Thấy khó quá, bà mẹ này quyết định gửi em bé sang nhà bà ngoại, không gặp con suốt 1 tuần để cai sữa dứt điểm.
7 ngày sau, người mẹ đến đón con mình. Trái ngược với suy nghĩ bé sẽ oà khóc, chạy đến ôm lấy mẹ... thì phản ứng của em bé lại hoàn toàn khác. Cô bé nhìn mẹ mình một cách xa lạ và thờ ơ như người không hề quen biết.
Thấy thái độ dửng dưng của con gái, người mẹ liền vẫy gọi và hỏi thăm con. Bé gái lập tức xoay người bỏ chạy vào nhà trong sự buồn bã của mẹ. Lúc này, chị cảm thấy trống trải, sụp đổ, ôm mặt oà khóc nức nở vì nghĩ con đã không còn yêu thương, tìm kiếm mẹ như xưa nữa. Dĩ nhiên, em bé đã cai sữa thành công nhưng thái độ đã hoàn toàn thay đổi.
Có lẽ em bé đã quá quen với việc không có mẹ trong suốt 1 tuần qua, hoặc đã bị sốc khi bất ngờ thiếu vắng tình yêu của mẹ. Câu chuyện trên khiến nhiều người mẹ suy nghĩ, đắn đo trong việc tìm cách cai sữa cho con, phải làm sao để bé không quấy khóc, cả mẹ và con đều cảm thấy nhẹ nhàng. Dưới đây là một số chia sẻ về việc cai sữa cho bé, hy vọng sẽ giúp các mẹ cảm thấy yên tâm hơn.
Thời điểm vàng nên cai sữa cho bé
- Thời điểm thứ nhất: Đây là thời điểm mà bé gần 1 tuổi và có thể tự ngồi thẳng, hệ thần kinh cũng như hệ vận động đang phát triển và dần trở nên cứng cáp hơn. Như vậy có thể thấy, nếu "cách ly" khỏi sữa mẹ thì bé vẫn tự trang bị được sức đề kháng tốt để chống lại các tác nhân bên ngoài.
- Thời điểm thứ hai: Đây là giai đoạn mà hệ thần kinh não bộ của bé phát triển mạnh mẽ, bé đang bập bẹ nói và các giác quan như vị giác, thính giác, thị giác cũng hoàn thiện và phát triển hơn. Ở giai đoạn này, bạn cần bổ sung cho bé nhiều loại thực phẩm và tăng mức sữa ngoài lên khoảng từ 500 - 600 ml.
- Thời điểm thứ ba: Đây là thời điểm mà bé đang ở 1,5 - 2 tuổi, hệ tiêu hóa đang hoàn thiện và phát triển mạnh, đồng thời đã có thể ăn được cháo hoặc cơm nhão. Lúc này, bạn có thể cho bé sử dụng ghế ngồi ăn dặm và thắt chặt tình cảm bằng cách cho bé tham gia bữa ăn chung với gia đình.
- Thời điểm thứ tư: Đây là giai đoạn mà nhận thức của bé phát triển mạnh và bé đã có thể phân biệt được màu sắc. Lúc này, bạn có thể thay đổi màu sắc núm vú để khiến cho bé không còn nhận ra núm vú của mẹ, từ đó bé sẽ dần cảm thấy màu sắc cũng như hình dáng của bầu vú mẹ không còn quen thuộc và sẽ ngưng bú.
- Thời điểm thứ năm: Đây là giai đoạn mà bé đang ở mức gần 2 tuổi hoặc 2 tuổi rưỡi, cơ thể đã cứng cáp và tham gia được nhiều hoạt động như đi, chạy, leo hay bò lên cầu thang.
Lưu ý: Nếu người mẹ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, bệnh phải sử dụng thuốc kháng sinh, bệnh liên quan đến bầu ngực hoặc đầu ngực thì cần cai sữa ngay để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Những lưu ý khi cai sữa để không làm bé ''tổn thương''
Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng
Chắc chắn khi cai sữa, cả mẹ và bé sẽ đối mặt với sự thay đổi không nhỏ, cần sự hợp tác của cả 2. Có những em bé rất dễ dàng, nhưng cũng có em bé trở nên cáu bẳn, thậm chí là thay đổi tính cách sau khi thôi bú mẹ. Chính vì vậy, mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho mọi sự thay đổi từ con của mình. Hãy chấp nhận và thoải mái với mọi chuyện có thể xảy ra để tránh gây ra stress hay mệt mỏi.
Cai sữa từ từ
Đừng đột ngột cai sữa bằng cách biến mất hoàn toàn trước mặt bé. Khi bạn ''mất tích'' như vậy, bé sẽ bị sốc, thậm chí là có xu hướng tiêu cực sau khi gặp lại bạn. Chính vì thế, mẹ cần lựa chọn thời điểm phù hợp để cai sữa cho con, đặc biệt hãy để giai đoạn này diễn ra từ từ để bé dần làm quen nhé.
Đối với mẹ:
- Nếu bạn thường xuyên hút sữa, hãy giảm số lần hút sữa mỗi ngày và ngưng hoàn toàn trong 1 tháng.
- Việc tiêu thụ nhiều tỏi sẽ khiến hơi thở và dòng sữa mẹ có mùi khó chịu. Khi bú mẹ, trẻ sẽ cảm nhận có sự thay đổi và không muốn đòi ti nữa.
- Bạn có thể dùng son, màu nghệ hoặc bất kỳ thứ gì để hóa trang bầu ngực. Khi phát hiện ngực mẹ có sự thay đổi, trẻ sẽ thôi đòi bú ngay.
- Mẹ có thể tập cho bé ngậm ti giả từ 3 tháng tuổi, điều này sẽ giúp bé làm quen dễ hơn khi rời xa bầu sữa mẹ. Tuy nhiên, cách này có một nhược điểm là bạn sẽ phải tập cho bé cai ti giả.
Không từ chối khi bé muốn bú
Khi cai sữa, bạn sẽ có xu hướng không muốn cho bé bú khi bé muốn. Tuy nhiên, đừng làm như vậy bởi trẻ nhỏ thường có xu hướng làm ngược lại những gì bạn không muốn bé làm. Vì vậy, sự từ chối của bạn chỉ khiến bé càng muốn bú thêm. Nếu bé muốn bú, bạn cứ tiếp tục cho bé bú nhưng hãy cố làm bé phân tâm bằng các trò chơi, các món ăn hoặc sự ôm ấp của bạn. Nên cai bắt đầu từ ban đêm rồi mới đến ban ngày, một em bé có thể làm quen trong khoảng 1 tuần trước khi chính thức cai sữa.
Đảm bảo dinh dưỡng cho bé
Khi cho con bú mẹ, bạn hoàn toàn có thể yên tâm bé đang nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Tuy nhiên, nếu không bú mẹ, trẻ sẽ phải hấp thu dinh dưỡng từ nguồn khác, có thể là sữa công thức hoặc đồ ăn dặm... Việc lựa chọn phương pháp nào cho bé ăn là tuỳ thuộc vào quyết định của mẹ và sự hợp tác của bé.
Trao đổi với bác sĩ
Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa trước khi ngừng cho bé bú sữa mẹ. Dù cai sữa là sự lựa chọn cá nhân nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho bé. Một số mẹ có bệnh thường sẽ cai sữa sớm hơn dự kiến, ngược lại với một số bé sinh non hoặc gặp vấn đề nào đó, có thể kéo dài việc cho bú mẹ.
Dành thời gian cho bản thân
Nếu bạn dự định ngừng cho con bú, hãy nghỉ ngơi vài ngày. Việc cai sữa có thể khiến bạn khó chịu, ngực bạn cứng như đá và đau đớn. Bạn cần phải nghỉ ngơi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khi ngưng cho con bú, các hormone trong cơ thể sẽ có sự thay đổi, làm ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Do đó, hãy chú ý theo dõi cảm xúc của bạn và cố gắng điều chỉnh cho phù hợp nhé.
Nhờ sự giúp đỡ từ người thân
Hãy nhờ chồng hoặc ông bà giúp đỡ trong quá trình cai sữa. Nếu bạn đang muốn cai sữa cho bé, nhờ mọi người trông giúp sẽ giúp bé phân tâm và làm tăng tình cảm giữa cha con, ông bà với cháu. Bạn cũng có thể thử nhờ chồng (hoặc những người thân) cho bé bú để mỗi khi đói, bé không phải chỉ nghĩ đến bạn.
Chuẩn bị tinh thần cho những cơn cáu giận của bé
Khi không được mẹ cho bú, con sẽ tức tối và cáu giận. Nhưng đây là điều bé phải đối mặt, bạn có thể tìm cách xoa dịu con bằng việc bế, hát ru, ôm ấp con, nghe những bài hát, câu chuyện con thích... cho đến khi bé đi vào giấc ngủ. Đừng bỏ con một mình nhưng cũng phải thật kiên nhẫn, kiên quyết, nếu không việc cai sữa của bạn sẽ khó mà có kết quả.
''Bù đắp'' cho con bằng nhiều điều khác
Hãy dành thời gian đưa bé đi chơi, cho con cảm giác vui vẻ và hạnh phúc dù không được bú mẹ nữa. Dần dần trẻ cũng sẽ quen với việc không bú mẹ mà cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến tình cảm mẹ con. Nếu như bỏ mặc bé với ông bà ngoại trong suốt thời gian dài, chắc chắn con sẽ cảm thấy tổn thương vì thiếu tình yêu từ mẹ.
Dù rất khó khăn nhưng giai đoạn này con cần mẹ đồng hành, kiên nhẫn. Các mẽ hãy cố gắng quyết tâm, cùng con vượt qua nhé!
Theo Sohu