Tại sao những đứa trẻ “quá nghe lời” lại có vấn đề và đáng lo ngại hơn cả “không nghe lời”?

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Bố mẹ nào cũng muốn có một đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng họ không ngờ được, tính cách này có thể khiến đứa trẻ chịu nhiều vấn đề về tâm lý.

Có câu nói "con hơn cha là nhà có phúc", bố mẹ nào cũng hi vọng con cái có thể thành công hơn mình, làm rạng danh gia đình. Thế nhưng, để có được điều này là cả một quá trình dạy dỗ đúng đắn của bố mẹ và sự nhận thức của đứa trẻ.

Đặc biệt, trong quá trình con cái phát triển, đến một giai đoạn trẻ sẽ bắt đầu nảy sinh ý thức tự giác, muốn được tự lập. Giống như "gà con tách mẹ", đó là một quá trình tất yếu phải xảy ra. Nếu bố mẹ lúc nào cũng chỉ muốn con cái bên cạnh mình, dạy dỗ chúng phải biết nghe lời răm rắp, chắc chắn rằng đứa trẻ đó rất khó thành công trong tương lai.

Tại sao những đứa trẻ “quá nghe lời” lại có vấn đề đáng lo ngại hơn cả “không nghe lời”? - Ảnh 1.

Trẻ quá nghe lời hoàn toàn không phải là cách dạy dỗ khoa học. (Ảnh minh họa)

Khi có con rồi, có lẽ bạn sẽ thường xuyên nghe những phụ huynh khác phàn nàn kiểu như "con tôi khó quản lý quá", "con cái lớn rồi không biết nghe lời bố mẹ gì cả", "con tôi đang tuổi dậy thì, tôi nói gì nó cũng làm trái ngược", "thằng con nhà tôi nghịch ngợm quá"…

Thế nhưng, bạn hãy nhìn từ một góc độ khác, những đứa trẻ không biết nghe lời như thế này không hẳn đã xấu. Chúng chỉ đang bước vào giai đoạn giống như "gà con tách mẹ". Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy đó là một phần thiết yếu trong quá trình trưởng thành của con cái. Vấn đề ở đây là bố mẹ cần phải giáo dục như thế nào để trẻ hiểu được vấn đề, tiếp thu và thay đổi, thay vì chống đối lại bố mẹ một cách quá cực đoan.

Trong seri phim truyền hình Mỹ ăn khách có tên "13 Reasons Why" (tạm dịch: 13 lý do tại sao), kể về một cô bé 16 tuổi tên Hannah. Hannah là một nạn nhân của bạo lực học đường. Cô bé bị cô lập trong lớp học, bất lực trước những đòn tấn công từ bạn bè, cuối cùng lựa chọn cách tự tử để giải thoát khỏi những chuỗi ngày đau khổ. Bố mẹ của Hannah rất sốc trước cái chết của con gái mình. Trong mắt họ, Hannah là một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, về nhà đúng giờ, biết phụ giúp gia đình… Chính vì những biểu hiện "con vẫn ổn" như thế này mà bố mẹ cô bé không chú ý tới những thay đổi tâm lý của con gái, cuối cùng dẫn tới bi kịch.

Tại sao những đứa trẻ “quá nghe lời” lại có vấn đề đáng lo ngại hơn cả “không nghe lời”? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Dưới góc nhìn của nền giáo dục hiện đại, lấy mục tiêu "biết vâng lời" để dạy dỗ trẻ là một sự sai lầm. Cách giáo dục này không có lợi cho sự phát triển nhân cách, ức chế tiềm năng phát triển của một đứa trẻ. Theo một nghĩa nào đó, một đứa trẻ quá nghe lời có thể là một "đứa trẻ có vấn đề".

Tại sao những đứa trẻ ngoan ngoãn, quá nghe lời bố mẹ lại là "trẻ có vấn đề"? Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, những đứa trẻ này thường có đặc điểm như nhút nhát, kém tự tin, hiếm khi đưa ra ý kiến của bản thân, hay sợ hãi trước những lời nói to tiếng của người khác.

Mặc dù không đưa ra ý kiến của bản thân nhưng không có nghĩa là trẻ không biết có ý kiến, chỉ có điều chúng nghĩ rằng tốt hơn nên kìm nén lại, dù có những khúc mắc trong lòng cũng không nhất thiết phải nói ra, không nên tranh cãi với người khác.

Một số đứa trẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn và nề nếp ở trường, ít khi chống đối lại bố mẹ khi ở nhà, quen với những lời khen ngợi của mọi người, chúng lại chính là người dễ bị tổn thương nhất về mặt tâm lý. Bố mẹ cần chú ý điều này ở con mình để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn: QQ

Tại sao những đứa trẻ “quá nghe lời” lại có vấn đề và đáng lo ngại hơn cả “không nghe lời”? - Ảnh 3.

Chia sẻ