Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Cứ gào lên đòi công bằng nhưng nhận lại là những ánh nhìn coi thường, cười khẩy

San San,
Chia sẻ

Nếu cứ im lặng mãi thì không biết sẽ còn bao nhiêu cô bé, cậu bé phải chịu bất hạnh trong chính gia đình của mình.

Những ngày gần đây, câu chuyện đau lòng về cô bé 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành trong chính ngôi nhà của mình khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Bé gái đã phải chịu những trận đòn roi, những lời mắng chửi, chịu đựng sự bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần trước khi vĩnh viễn ra đi. Và sự việc lần này chính là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả mọi người. 

Mới đây, bà mẹ bỉm sữa Hằng Túi đã có những chia sẻ về sự việc trên trang cá nhân về lý do tại sao những người xung quanh cô bé dù biết chuyện nhưng không thể can thiệp. 

''Tôi đã rất nhiều lần bị nhìn như 1 con điên, 1 bà điên vì nhiều chuyện. Thấy người ta quên chân chống, thấy ông bố 1 tay lái xe 1 tay ôm con, thấy em bé ngồi sau ngủ gật, thấy em bé hàng xóm 3 tuổi không ai trông đang đi trên sân thượng chưa có rào, thấy 1 bà giúp việc đang cáu chửi em bé nhỏ, thấy người ta đánh trẻ con, ra cấu thử xem những em bé nằm trên tay những người ăn xin có phải bị đánh thuốc mê không... 

Tôi cứ gào lên, mắng loạn lên như việc của mình, rồi nhận lại những ánh nhìn coi thường, thậm chí cười khẩy! Có những lúc vì viết bài đòi công bằng cho ai đó, tôi còn bị doạ đủ thứ nhưng không hiểu sao chẳng thể im lặng được! Ai cũng bảo tôi là điên, hâm, hám fame... ôi tôi mặc kệ, tôi chỉ biết ở thời điểm đó, nếu tôi im lặng sẽ có 1 sinh linh bất hạnh, oan ức. Khi họ nguy hiểm hay tuyệt vọng chỉ một câu nói cũng có thể thay đổi được sự việc thì sao?'', Hằng Túi chia sẻ. 

Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Cứ gào lên đòi công bằng nhưng nhận lại là những ánh nhìn coi thường, cười khẩy - Ảnh 1.

Cô bé 8 tuổi trong vụ việc đau lòng.

Đáng sợ thứ nhất là sự lạnh giá của lòng người

Đồng tình với bà mẹ 6 con, một người khác bình luận: ''Đọc những thông tin người ta biết rõ cháu bị đánh, bị hành hạ ngày đêm trong cả thời gian dài mà không làm gì giúp cháu, cứu cháu thì tôi thấy thật sự đáng sợ.

Đáng sợ thứ nhất bởi sự lạnh giá của lòng người. Người ta sợ va chạm, sợ ảnh hưởng đến sự bình yên của mình nên không dám, không thể có động thái hay có biện pháp gì để bảo vệ cháu.

Đáng sợ thứ 2 bởi sự vô tình, người có trách nhiệm ở nơi đó khi được báo tin nhiều lần cũng không báo cơ quan chức năng, bởi sợ phiền và quan trọng nhất chính là cho rằng sự tôn trọng gia đình khác là văn minh của nơi đó. 

Đáng sợ nữa là cháu sống cùng bố cháu, bố cháu không thể không biết con mình bị đánh, nhưng im lặng đồng loã cho đến khi cháu bị đánh chết, đây chính là điều đáng sợ hơn cả, bởi đấy hẳn không phải là một người xem cháu là máu mủ, máu mủ không ai nỡ nhìn con mình bị hành hạ bởi một người khác!

Cứ nghĩ đến những lời kể của hàng xóm, nghe tiếng đánh đập la khóc ngày đêm từ năm ngoái đến năm nay. Bé con ơi, nguyện cho con đến được nơi vui tươi và hạnh phúc quên đi những tháng ngày sầu khổ trên cõi nhân gian này''.

Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Cứ gào lên đòi công bằng nhưng nhận lại là những ánh nhìn coi thường, cười khẩy - Ảnh 2.

Những vết thương trên người bé gái khiến ai cũng căm phẫn.

Phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này xảy ra?

1. Nếu thấy có trường hợp bạo hành trẻ em nào, báo ngay cho ban quản lý tòa nhà và đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời, nếu đang sống trong chung cư, hãy liên tục cập nhật, theo dõi hoặc giám sát. Cách tốt nhất là báo lên group chung của chung cư, thậm chí có thể là mạng xã hội, thông tin trên mạng sẽ được lan truyền nhanh hơn. 

2. Theo dõi và cập nhật sự việc tới mọi người để xem tình trạng bạo hành của gia đình đó có được cải thiện hay không, đồng thời kêu gọi Ban quản trị, hàng xóm cùng những người có liên quan. Không để tình trạng bạo hành bị kéo dài. 

3. Bản thân cùng mọi người trong xã hội cần kiên quyết nói không với bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực trẻ em. Cố gắng khuyên can hoặc gián tiếp khuyên can những người mình biết đang có dấu hiệu của bạo hành hoặc tìm mọi cách giúp đỡ họ. Đừng thờ ơ, vô tâm bởi biết đâu bạn đang giúp người khác có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành: Cứ gào lên đòi công bằng nhưng nhận lại là những ánh nhìn coi thường, cười khẩy - Ảnh 3.

Chia sẻ