Tắc tuyến lệ ở trẻ điều trị muộn dễ bị biến chứng nguy hiểm
Có khoảng 50% trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ (tắc lệ đạo) với các triệu chứng như chảy nước mắt nhiều một cách vô cớ mà trẻ không quấy hay khóc lóc gì. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Lần đầu làm mẹ nên từ khi mang thai, vợ chồng chị Nguyễn Hoài Như ở quận Tây Hồ, Hà Nội xen lẫn cảm xúc vui mừng là hồi hộp, lo lắng. Anh chị tìm đọc thêm sách báo hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm của những anh chị đi trước cách chăm sóc thai và trẻ sơ sinh rất cẩn thận. Thế nhưng, khi sinh con ra, chị Như cũng không ngờ tới tình huống con bị tắc tuyến lệ đạo: “Từ lúc mới sinh ra con đã có rất nhiều gỉ mắt, gia đình nghĩ là do nước ối thế nào thì con mới bị nên chỉ nhỏ nước mắt bình thường thôi thì con không đỡ. Vợ chồng đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con bị tắc tuyến lệ rồi bơm rửa lệ đạo và hướng dẫn thường xuyên làm vệ sinh mắt cho con kết hợp với nhỏ nước muối sinh lý và kháng sinh. Sau đó một thời gian nhỏ kháng sinh ở nhà, hết thuốc rồi mà vẫn không đỡ. Lúc này con tôi đã được 5 tháng, tôi đưa con đi khám lần nữa, bác sĩ thông lệ đạo. Từ lúc đó, con không còn hiện tượng gỉ mắt nữa, rất dễ chịu và bình thường” – chị Như kể lại.
Theo TS-BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TƯ, có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị tắc tuyến lệ. Thứ nhất là do trẻ bị lây bệnh lậu, viêm kết mạc do phế cầu, vi khuẩn từ người lớn. Thứ hai là do trong quá trình mang thai, nước ối bị nhiễm trùng. Đối với hai trường hợp này, trẻ chỉ cần nhỏ kháng sinh, thường xuyên mát xa mắt, điều trị tích cực là khỏi. Nguyên nhân thứ ba là trẻ bị dị dạng hốc mũi, hẹp sụn thanh quản.
“Trong năm đầu, nguyên nhân chính của tắc lệ đạo là do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên đầu dưới của ống lệ mũi còn màng tắc, hoặc do biến dạng ống xương của ống lệ mũi. Polyp mũi hoặc bất kỳ một khối u nào có khả năng chèn ép đều có thể làm tắc nghẽn đường thoát nước mắt của ống lệ mũi gây ra tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Phải đến 80-85% sau lần bơm thăm dò hoặc thông bằng que bạc thì trẻ sẽ khỏi. 15% trường hợp trẻ tái phát lại sẽ được các bác sĩ phẫu thuật đặt ống thông lệ quản bằng silicon trong đường dẫn nước mắt, khoảng 2 tháng sau khi rút ống ra, đường mũi được nới rộng, thông là khỏi. Một số ít trường hợp có thể phải phẫu thuật nội soi, phương pháp này ít xâm lấn, an toàn cho trẻ”. – BS Hoàng Cương cho biết.
Để tránh cho mắt trẻ bị tái viêm , BS Hoàng Cương khuyến cáo cha mẹ nên thường xuyên mát xa vết mổ để ống dẫn nước mắt thông thoáng, có bao nhiêu cặn ở trong đó phải cho ra hết. Mũi cũng cần được làm vệ sinh, nếu để khoang mũi hẹp, bị bẩn thì nó sẽ tràn lên khiến cho mắt bị tái viêm.
Trẻ bị tắc tuyến lệ nếu điều trị muộn có thể dễ bị biến chứng như viêm áp xe tuyến lệ mủ, nang nhầy của túi lệ về sau có thể gây nhiễm trùng vùng mặt, nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như chảy nước mắt kéo dài mà không do quấy khóc thì nên đưa trẻ đi khám sớm.