Cách xử trí khi bé sơ sinh bị tắc tuyến lệ và những điều mẹ cần biết để tránh nhiễm trùng cho con
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng không phải hiếm, mẹ cần biết nguyên nhân và cách xử trí để không làm mắt con bị nhiễm trùng và mau chóng bình thường trở lại.
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là một dạng khuyết tật phổ biến của hệ tuyến lệ và có khoảng 5-10% trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng này ở cả một hoặc hai bên mắt. Nguyên nhân tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có thể do bẩm sinh hoặc do ống lệ đạo xuất hiện màng bít trong giai đoạn vài ngày đến vài tháng sau sinh, khiến cho những giọt nước mắt được tạo ra không thể thoát ra ngoài, mắt trẻ có ghèn, chất nhầy màu vàng, vón cục ở khóe mắt như mẹ vẫn thường thấy. Tuy nhiên, tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh còn có thể do tuyến lệ ở trẻ bị viêm nhiễm, mắt trẻ sẽ có dấu hiệu như hiện tượng nhiễm trùng, màng mắt bị dính.
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có thể do bẩm sinh hoặc do bị viêm nhiễm (Ảnh minh họa)
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ có thể tự thông khi bé được vài tháng tuổi. Nhưng nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ đề nghị thông tuyến lệ cho bé khi bé được 1 tuổi. Một số dấu hiệu khi bé bị tắc tuyến lệ bẩm sinh như sau:
- Có chất nhầy màu vàng hoặc trắng ở khóe mắt.
- Lớp nhầy này có thể trở nên giòn, dễ bong tróc, nhất là sau khi ngủ dậy.
- Mắt hơi đỏ hoặc viêm nhẹ xung quanh.
- Mắt bị chảy nước, ướt át.
Tuyến lệ có thể tự thông sau vài tuần hoặc vài tháng (Ảnh minh họa)
Nhưng cũng có những dấu hiệu cảnh báo khi tình trạng tắc tuyến lệ trở nên trầm trọng và mẹ cần lưu ý để kịp thời xử lý cho con như sau:
- Có hiện tượng đỏ mắt dẫn đến viêm hoặc nhiễm trùng.
- Ghèn mắt ngày càng nhiều, chuyển màu xanh hoặc vàng đặc.
- Mắt có hiện tượng sưng, đỏ hoặc kích ứng trong mắt.
- Mắt dính có thể phát triển thành viêm kết mạc trong một số trường hợp. Xem bé có dụi mắt nhiều không.
Mẹ cần lưu ý xử trí khi có con bị tắc tuyến lệ để không làm mắt của bé bị nhiễm trùng thêm (Ảnh minh họa)
Tình trạng mắt có nhử nhèm, ghèn mắt sẽ giảm dần sau khi tuyến lệ được thông, có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng ở trẻ sơ sinh. Mẹ lưu ý xử trí khi có con bị tắc tuyến lệ để không làm mắt của bé bị nhiễm trùng thêm bằng các cách sau:
- Sử dụng bông ẩm để vệ sinh nếu thấy ghèn nhiều quanh mắt.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần dùng ống dẫn cho bé.
- Mát xa bên ngoài sống mũi để kích thích tuyến lệ thông thoáng và phát triển hoàn chỉnh hơn.
- Tránh để bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Không đưa trẻ đến những nơi có nhiều khói bụi.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để kê thêm thuốc nhỏ mắt, kháng sinh nếu cần.
- Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc để tránh nguy cơ lây lan thêm cho bé.
Nguồn: Mom, Parenting