Suýt sảy thai vì “cứng đầu”

Mẹ Dế,
Chia sẻ

Hồng mang thai, nhưng cả phòng Kế toán không ai là không trợn mắt khi thấy nếp sinh hoạt của chị.

Vốn tính tình cởi mở, thích giao lưu, thích ăn hàng quán, cho dù biết tin cái thai đã được gần 2 tháng nhưng Hồng vẫn không thể làm sao kìm hãm những sở thích đó của mình.

Sáng sáng, chị em vẫn thấy Hồng tay cốc cà phê, tay cốc nước lọc về chỗ ngồi. Các chị lớn tuổi hơn có kinh nghiệm khuyên Hồng đừng uống nhiều cà phê sẽ không tốt cho thai nhi thì Hồng gạt đi, cho rằng mỗi ngày có một, hai cốc thì ăn thua gì, hơn nữa, cô uống kèm nước lọc rồi thì độ đặc của cà phê cũng giảm đi rất nhiều.

Buổi trưa, Hồng cùng đồng nghiệp đi ăn và thế nào cũng phải tham gia “hội trà đặc” ở vỉa hè. “Hội trà đặc” không cố định là những ai, chỉ đơn giản là những người cùng công ty thích uống trà thì tụ tập lại mà thôi, nhưng không hôm nào thiếu vắng Hồng. Đồng nghiệp e dè sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng Hồng nên những lần sau đi uống trà họ cố tình không rủ, nhưng như một “con nghiện”, không rủ thì Hồng cũng tự mò xuống, Hồng bảo: “Uống quen rồi, không uống cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó”. Hồng cũng tự hứa khi nào bụng to một chút thì sẽ “cai” cả cà phê lẫn trà xanh.

Mặc cho những lời khuyên can, cảnh báo của nhiều người, Hồng vẫn khăng khăng: “Em đọc sách báo rồi, em uống như vậy là chấp nhận được, các chị cứ lo làm gì. Hơn nữa em khỏe mạnh chứ có vấn đề gì về sức khỏe đâu mà phải kiêng khem”. Hồng còn tỏ ra rất đáng thương cho những chị em khi có bầu phải “hoãn” mọi sở thích của mình lại chì vì “nghe mọi người nói là không tốt cho em bé”.

Nói chán, mọi người cũng mặc kệ Hồng, chẳng để ý hay nói qua nói lại thêm nữa. Khoảng 2 tháng sau, vào một buổi sáng, cả phòng Kế toán nhốn nháo vì cái tin Hồng phải nằm viện vì suýt bị sảy thai. Người thương cảm thì bảo “khổ thân”, người cay nghiệt hơn thì bảo “cho chừa cái tội coi thường sức khỏe cả mẹ cả con”. Hóa ra, Hồng bị thiếu máu trầm trọng. Những ngày gần đây Hồng thường xuyên cảm thấy ù tai, đau đầu, chóng mặt và mất ngủ. Cứ nghĩ đó là những biểu hiện của nghén nên Hồng chủ quan không đi khám và cũng không phải vì lý do ấy mà Hồng cắt giảm hai sở thích cà phê và trà đặc của mình. Chỉ đến sau khi ngủ dậy, lúc đứng lên loạng quạng thế nào mà Hồng lăn luôn ra đất ngất đi thì cô mới được người nhà đưa đến viện khám.

Phải nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe hai tuần ở nhà Hồng mới cảm thấy hối hận vì tính “cứng đầu” của mình. Hóa ra chính sở thích của Hồng đã làm hại mình. Bác sĩ đã mắng là Hồng có con mà không biết thương con, bầu bí mà ngày nào cũng 2 cốc cà phê và vài chén trà đặc thì bảo sao khó tránh nguy cơ sảy thai.

Phụ nữ mang thai không nên uống trà vì trong trà có chất fluoride rất cao. Nếu phụ nữ uống trà đặc trong thời kỳ mang thai, họ có thể dễ dàng bị thiếu máu, thiếu sắt và quy trình cung cấp dinh dưỡng cho bào thai có thể bị cản trở. Đồng thời, caffeine trong trà đặc có thể làm tăng nhịp tim của phụ nữ mang thai và làm trầm trọng thêm những gánh nặng cho tim và thận, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và bào thai.
 
Cà phê cũng rất giàu caffeine. Tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến kích thích hệ thần kinh trung ương dễ gây ra các triệu chứng như mất ngủ và ù tai. Các bào thai rất nhạy cảm với caffeine. Caffeine có thể đi vào nhau thai và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
 
Để bảo vệ bào thai, phụ nữ mang thai nên tránh uống cà phê và trà đặc, nếu không có thể gián tiếp gây ra nguy cơ sảy thai.
 
Sau lần suýt sảy thai, chị em cùng phòng thấy Hồng bỏ hẳn cà phê và trà đặc, có ai hỏi đến thì Hồng chỉ cười: “Thôi em sợ rồi ạ!”.
Chia sẻ