Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?

Minh Nhật,
Chia sẻ

Sự phát triển của thai nhi luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ. Dưới đây là quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ theo từng tháng.

Meta Content NỀN TẢNG HẠNH PHÚC là dự án đồng hành cùng các bậc cha mẹ Việt và toàn xã hội với mục đích tạo dựng môi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ, góp phần tạo nên một thế hệ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Một đứa trẻ nhận được đủ sự yêu thương và lớn lên trong môi trường hạnh phúc sẽ có khả năng xử lý cảm xúc, tư duy logic và đương đầu với khó khăn hơn là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm.

Với dự án này, chúng tôi mong muốn được lan tỏa thông điệp "Đứa trẻ hạnh phúc là hạt nhân của một xã hội bền vững". Đây không chỉ là nhiệm vụ trực tiếp của bố mẹ mà cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội.

Ai làm mẹ cũng sẽ có cảm giác hồi hộp, háo hức, mong ngóng hình hài lớn dần của con mình trong bụng. Những hình ảnh dưới đây sẽ minh hoạ rõ nhất sự phát triển của thai nhi theo từng tháng để mẹ dễ hình dung.

1. Sự phát triển của thai nhi ở tháng đầu tiên

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 1.

Sau khoảng 12-24 giờ khi tinh trùng xâm nhập vào tử cung, tế bào trứng sẽ được thụ tinh. Đây là nguyên lý sinh học đơn giản trước khi đến với những quá trình phức tạp hơn để hình thành sự sống của con người. Ở những ngày tiếp theo, trứng được thụ tinh sẽ bắt đầu phân chia thành nhiều tế bào trong khi dần di chuyển xuống ống dẫn trứng và đi sâu dần vào lớp niêm mạc tử cung.

Bước qua tuần thứ 4, phôi thai chỉ bằng 1 hạt mầm nho nhỏ, khoảng 0,35 – 0,6 mm. Tuy nhiên tốc độ phát triển của nó sẽ rất nhanh. Phôi sẽ bắt đầu sản sinh ra hormone thai kỳ HCG – hormone ngăn mẹ rụng trứng mỗi chu kỳ. Đồng thời nó sẽ phát triển thành các cơ quan nội tạng như phổi, dạ dày, gan (lớp bên trong), xương, cơ, thận, cơ quan sinh dục và tim (lớp giữa), hình thành cơ và các bộ phận khác như da, tóc, mắt và hệ thống thần kinh (lớp bên ngoài).

2. Sự phát triển của thai nhi ở tháng thứ 2

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 2.

Bước qua tháng thứ 2, phôi thai đã phát triển khá rõ rệt. Lúc này, phôi thai có hình dạng như một quả nho Mỹ khoảng 2,5cm to gấp 10.000 lần so với lúc vừa thụ tinh.

Đầu của bé ngày càng phát triển to hơn so với các bộ phận khác của cơ thể và như cúi gập vào ngực bé. Trên khuôn mặt thai nhi, mí mắt và đôi tai bắt đầu xuất hiện như một nếp gấp nhỏ. Đồng thời các ngón tay, ngón chân hay mắt cũng dần được hình thành. Hệ tiêu hóa, các cơ quan cảm giác hay ống thần kinh (não, tủy sống, mô thần kinh khác) đã bắt đầu có sự phát triển. Các tế bào trong não bộ của bé bắt đầu tập trung hình thành và phát triển với tốc độ 100 tế bào mỗi phút.  

Nếu mẹ đi khám thai vào tuần thứ 6 thì bác sĩ sẽ phát hiện được nhịp tim của bé. Đến cuối tuần thứ 8, em bé sẽ được gọi là thai nhi.

3. Quá trình phát triển của thai nhi trong tháng thứ 3

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 3.

Bước qua tam cá nguyệt thứ 1, thai nhi đã phát triển hoàn thiện hơn với kích thước dài từ đầu đến mông dài khoảng 8,7cm và nặng 25g. Thai nhi 12 tuần tuổi có kích thước bằng một quả chanh ta. Cơ thể của thai nhi đã dần hoàn thiện. Hầu hết các bộ phận chính như gan, thận, ruột, não sẽ phát triển hoàn chỉnh vào cuối tháng này. Bạn có thể nghe thấy nhịp tim của thai nhi bằng các dụng cụ đặc biệt. Các tế bào thần kinh trong não cũng đang tăng trưởng với một tốc độ đáng kinh ngạc.

4. Sự phát triển của thai nhi qua tháng thứ 4

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 4.

Đến cuối tháng thứ tư, thai nhi có kích thước dài khoảng 14,2cm và nặng từ 180 - 200g. Mẹ có thể hình dung lúc này con đã nặng bằng trái bơ trung bình. Bé cưng khá nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và rất hay bị nấc cụt. Mẹ không phải lo lắng nhiều về hiện tượng này nhé.

Trong tháng thứ tư của thai kỳ, cơ quan sinh dục của bé đã phát triển đầy đủ. Trên khuôn mặt đã được hình thành mí mắt, lông mày và tóc. Hệ thần kinh cũng đã đi vào hoạt động. Do đó, bé có thể mút ngón tay, ngáp,… Mắt bé đã có thể chớp và em bé có thể nhăn mặt hoặc nheo mắt. Khi mẹ chiếu đèn, tuy mắt con chưa mở nhưng bé có thể sẽ chuyển khỏi chỗ có chùm sáng đó. Vì con đã có thể cảm nhận được ánh sáng.

5. Sự phát triển của thai nhi qua tháng thứ 5

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 5.

Thai nhi 20 tuần tuổi bắt đầu nặng khoảng 300g - 400g và dài hơn 15cm. Mẹ có thể hình dung con đã nặng bằng một quả xoài to. Đây là một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của thai nhi với sự phát triển mạnh mẽ về cơ bắp. Lúc này, tay chân bé cũng linh hoạt hơn rất nhiều, bé đã có thể mút ngón tay, ngáp, duỗi và làm các khuôn mặt khác nhau. Xương của bé cứng cáp hơn, tai của bé ngày càng thành hình rõ ràng hơn.

Các giác quan của thai nhi như: khứu giác, thị giác, xúc giác, vị giác, thính giác đang phát triển và bé có thể nghe những gì bạn nói. Lúc này mẹ có thể áp dụng các phương pháp thai giáo để con cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, đồng thời giúp bé thông minh hơn.

6. Sự phát triển của thai nhi qua tháng thứ 6

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 6.

Thời điểm này bé nặng khoảng 1kg và thay đổi vị trí thường xuyên trong bụng mẹ. Lúc này, bé đã lớn bằng một quả bưởi rồi đấy. Trông em bé có vẻ khá dài và gầy nhưng con đang dần “có da có thịt” hơn.

Thai nhi trong tháng thứ 6 dường như đã phát triển hoàn thiện về chức năng. Bé có thể phản ứng với âm thanh khi bố mẹ nói chuyện hoặc cho bé nghe nhạc. Ở giai đoạn này, thai nhi thường đá hoặc đạp bụng mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ có thể cảm nhận được những chuyển động giật giật, đó là lúc bé đang bị nấc cụt.

7. Sự phát triển của thai nhi qua tháng thứ 7

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 7.

Ở giai đoạn khoảng 28 tuần - kết thúc tam cá nguyệt thứ 2, lịch trình ngủ và thức dậy của bé đã tương đối rõ ràng. Não đã phản xạ nhạy bén hơn. Thai nhi cũng có những chuyển động rõ ràng và cũng đã có phản ứng với sự thay đổi ánh sáng trong tử cung của mẹ bằng cách mở mắt, chớp mắt.

Bé có thể cảm nhận được cảm xúc và giọng nói của người mẹ. Trong tháng này, bé lớn nhanh như thổi, dài khoảng 40cm và nặng khoảng 1,1kg, tương đương với một quả bí xanh trung bình.

Ở giai đoạn này thì nước ối sẽ bắt đầu giảm. Vì vậy, mẹ nên bổ sung thêm nước dừa để tránh tình trạng cạn nước ối, ảnh hưởng tới thai nhi. Đồng thời, các mẹ cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, nhằm giảm thiểu nguy cơ sinh non.

8. Sự phát triển của thai nhi qua tháng thứ 8

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 8.

Ở tháng này, bộ não của thai nhi phát triển ngày càng nhanh chóng. Do phát triển muộn hơn nên phổi của bé vẫn đang phát triển, trong khi các cơ quan khác đã phát triển hoàn thiện. Đến cuối tháng thứ tám, bé nặng khoảng 2,3kg và dài 46cm. Bé 32 tuần tuổi có kích thước tương đương một quả bí đỏ trung bình và thường xuyên di chuyển xung quanh.

Một lớp chất béo bảo vệ cơ thể được hình thành dưới da và làm tay chân bé bụ bẫm hơn. Sang tuần 33, cân nặng thai nhi có sự thay đổi, mỗi tuần bạn có thể tăng khoảng 0,5kg và 1/2 trọng lượng đó là vào cơ thể bé để giúp bé đạt thêm 1/3 đến 1/2 trọng lượng cơ thể khi chào đời.

9. Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 9

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?  - Ảnh 9.

Đến tháng thứ 9, bé đã phát triển toàn diện và bắt đầu quay đầu xuống xương chậu mẹ để chuẩn bị ra ngoài. Bé cưng đã tròn trịa hơn trước rất nhiều và trong trạng thái sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Thông thường, một em bé ở giai đoạn này sẽ nặng khoảng 2,7 - 3,5kg và dài 50cm, tương đương 1 quả dưa hấu.

Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ thật diệu kỳ phải không? Từ một kích thước rất nhỏ như hạt mầm con phát triển lớn hơn đó rất nhiều. Mẹ có thể cảm nhận được sự thay đổi kỳ diệu của con và bản thân mỗi ngày. Chúc các mẹ có một thai kỳ hạnh phúc và khỏe mạnh. 

Sự phát triển của thai nhi theo từng tháng kỳ diệu thế nào?

 

Chia sẻ