Sinh mổ lần 4 gặp biến chứng, mẹ 8x chia sẻ điều cần chú ý cho chị em đẻ mổ nhiều lần

Thảo Hương,
Chia sẻ

Lần sinh mổ thứ 4 sẽ nguy hiểm và dễ gặp biến chứng hơn những lần trước.

Chị Trần Thanh Huyền (38 tuổi, sống tại Hà Nội) đang làm mẹ của 4 em bé Sóc (12 tuổi), Bon (10 tuổi), Chen (5 tuổi) và Chúc (4 tuổi). Các con đều ra đời bằng phương pháp sinh mổ, quá trình sinh nở cũng gặp nhiều khó khăn. 

Ở lần mang thai thứ 4, cả gia đình đều lo lắng cho sức khỏe của chị Huyền, phần vì mẹ nhiều tuổi, phần vì chị đã sinh mổ 3 lần rồi. 

"4 lần mang thai là 4 lần chế độ chăm sóc và ăn uống khác nhau, nếu như bé đầu tiên mình ăn uống thoải mái, tinh thần cũng vậy nên mình tăng cân hơi quá, tăng 20 kg so với lúc chưa bầu, các bé tiếp theo thì mình không dám ăn uống thoải mái nữa vì sợ ảnh hưởng tới vết mổ. 

Tổ ấm nhỏ của bà mẹ trẻ. 

Nhất là bé thứ 4 mình hạn chế tinh bột, đồ béo, sữa bầu, mà chỉ ăn chất đạm, sữa không đường, rau củ quả, bé thứ 4 mình tăng hơn chục kg thôi. Khi phát hiện ra có em bé thứ 4 quả thực mình cũng lo lắng, luôn đồng hành cùng bác sĩ để giữ em bé này", chị Huyền chia sẻ. 

Theo bà mẹ 4 con, trong cả 4 lần thì lần thứ 4 là đau và lâu hồi phục nhất. 3 lần đầu gây tê, lần thứ 4 chị Huyền bị nhau cài răng lược nên phải gây mê. Do bầu quá sát bé thứ 3 nên rất dễ có biến chứng xảy ra, may mắn là quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi. Sau khi sinh, chị Huyền sử dụng phương pháp truyền giảm đau của bệnh viện. 

4 em bé đều chào đời bằng phương pháp sinh mổ. 

"Sau khoảng 1 tháng mình mới thấy hồi phục dần. Vết mổ trông khá xấu do mình cơ địa sẹo lồi nhưng hy sinh vì con thì mọi thứ đều xứng đáng. Mình thấy hạnh phúc và không có gì phải xấu hổ vì vết mổ đó cả", bà mẹ 4 con tâm sự. 

Dưới đây là những lưu ý cho các chị em đẻ mổ nhiều lần:.

Mất nhiều thời gian để hồi phục hơn

Trái với lúc mổ lấy thai, chỉ mất 20-30 phút là mẹ đã có thể thấy mặt con, thời gian phục hồi sau sinh mổ thường lâu hơn rất nhiều so với sinh qua ngả âm đạo.

Thông thường, nếu đẻ mổ lần đầu, mẹ sẽ phải mất từ 4-5 ngày nằm viện để theo dõi và 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi sức khỏe bình ổn trở lại. Nhưng với trường hợp sinh mổ lần 4 thời gian phục hồi sẽ kéo dài hơn do cơ thể lúc này đã yếu lại phải chịu đựng cơn đau do vết mổ. Chưa kể, quá trình phẫu thuật có thể phạm phải vết sẹo mổ lấy thai cũ.

Những nguy cơ có thể xảy ra khi sinh mổ lần 4

- Nguy cơ tổn thương, vỡ tử cung: Những vết mổ đẻ cũ có thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng tới vùng tử cung của người phụ nữ trong quá trình mang thai ở lần tiếp theo. Vì vậy, có nhiều mẹ bầu do không có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ thường xuyên mà gặp phải tình trạng vỡ, nứt tử cung, dẫn tới xuất huyết âm đạo, nhiễm trùng...

- Nguy cơ nhiễm khuẩn cao: Sau những lần sinh mổ, sản phụ cần phải chú ý và đặc biệt cẩn thận trong quá trình chăm sóc, tránh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Vết mổ đẻ cũ có nguy cơ nhiễm trùng cao. Nếu không giữ gìn cẩn thận, nguy cơ viêm nhiễm, biến chứng tại các cơ quan sinh sản sau sinh là rất lớn.

- Nhau thai bất thường:

Nhau tiền đạo: Là tình trạng nhau thai bám vào đoạn dưới của tử cung, cổ tử cung. Tình trạng này dễ khiến thai phụ bị thiếu máu, băng huyết, sinh non, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Nhau bong non: Rau bong non gây ra tình trạng xuất huyết ồ ạt, co cứng tử cung của thai phụ, dẫn đến triệu chứng sốc, rối loạn đông máu, khiến thai nhi bị sinh non, thai lưu. Thậm chí, nhau bong non còn gây ra các biến chứng như suy thận, suy tuyến thượng thận, suy gan cấp, huyết áp cao,… sau sinh.

Nhau cài răng lược: Khi một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bám chặt vào các cơ tử cung, không bong khỏi thành tử cung, xâm lấn sang cả các cơ quan lân cận sẽ dẫn đến nhiễm trùng hậu phẫu, băng huyết sau sinh.

Tăng nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của bàng quang: Trong quá trình sinh mổ, hoạt động của bàng quang cũng bị ảnh hưởng do một vài thủ thuật, đặc biệt là sau quá trình gây tê tủy sống. Bởi vậy, nhiều sản phụ bị bí tiểu sau sinh. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ mang tính tạm thời và có thể khắc phục được.

Sinh mổ lần 4 mẹ phải chú ý gì?

- Tuân thủ những mốc khám thai định kỳ nhằm sớm phát hiện ra những bất thường ở thai nhi để có giải pháp xử lý kịp thời.  

- Mang thai lần 4, bạn cần được nghỉ ngơi, giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, lao lực quá sức dễ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.

- Theo dõi mọi diễn biến xảy ra với cơ thể suốt thai kỳ, nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ (đau bụng, ra máu, khó chịu…) hãy lập tức đến bệnh viện để kiểm tra ngay.

- Mẹ nên thường xuyên chia sẻ cùng người thân, nhất là chồng nếu rơi vào tình trạng căng thẳng khi mang thai hay có áp lực tâm lý.

- Ngoài ra, bạn cũng nên chọn bệnh viện tuyến chuyên khoa uy tín để sinh. 

Chia sẻ