Sinh đôi: Luôn phải gồng mình lên

Theo TGPN,
Chia sẻ

Không có tiền thuê người giúp việc, anh chị phải huy động bà nội, bà ngoại, 2 cô để phụ giúp. 2 bé “khác trứng”, khác nhau từ hình dáng đến tính tình nhưng lại luôn ốm yếu cùng một lúc với cùng một loại bệnh.

20 năm trước, chị Nguyễn Thị Yến ở Hà Đông (Hà Nội) mang biệt danh “cái ghế dựa di động” từ lúc có thai được 5 tháng. Ở Hà Nội lúc đó duy nhất một phòng khám có máy siêu âm, bác sĩ siêu âm kết luận chị mang thai đôi. Ngày trở dạ, chị sốc khi biết mình mang thai tư, 1 bé đã mất khi còn trong bụng mẹ. 3 bé chào đời, 2 trai, 1 gái, đều rất yếu ớt. Sau khi sinh, chị như người mất hồn. Suốt 1 tuần liền khi 3 con nằm trong lồng kính, chị cũng nằm liệt. Ngày chị ngồi dậy được là lúc hay tin bé gái duy nhất đã ra đi.

Thời điểm ấy, lương giáo viên mầm non của chị được 120 ngàn đồng/tháng. Chồng chị chưa có việc làm ổn định. Mất một thời gian dài, kinh tế gia đình lao đao. Không có tiền thuê người giúp việc, anh chị phải huy động bà nội, bà ngoại, 2 cô để phụ giúp. 2 bé “khác trứng”, khác nhau từ hình dáng đến tính tình nhưng lại luôn ốm yếu cùng một lúc với cùng một loại bệnh. Lúc nào chị cũng kè kè cuốn sổ ghi chép với rất nhiều tên, địa chỉ, số điện thoại của các bác sĩ khoa nhi... Tiền lương giáo viên của chị chưa đủ lo sữa cho con. Về sau không trụ được, phải bán bớt một phần nhà đất... “Ban đầu, chúng tôi cũng buồn, khóc nhiều lắm. Về sau, phải cố gắng rất nhiều, chúng tôi mới học được cách gồng mình lên, bằng lòng, chấp nhận tất cả những gì các con còn hạn chế, thiếu sót và càng dành tình thương cho con nhiều hơn”, chị Yến tâm sự.
 
Hai bé sinh đôi con chị Quyên

Mong có thêm hai tay 

Gia đình anh chị Điệp - Phong lại là một câu chuyện dài khác. Họ đã phải chi gần 600 triệu đồng đi ra đi vào Hà Nội - TP HCM làm thụ tinh nhân tạo. Rồi chị Điệp biết mình mang thai đôi. Sinh xong chị phải thuê tới 2 người giúp việc. Lương của chị dùng để lo chi tiêu hằng ngày. Chồng chị kiếm tiền trả người giúp việc và nuôi con. Anh nhận làm cùng lúc 2 công ty, đi tối ngày để đạt mục tiêu mỗi tháng kiếm được ít nhất hai chục triệu trang trải chi phí. Mỗi buổi sáng, chị Điệp thường phải dậy từ 5 giờ sáng, tất bật lo đồ ăn, lo đi làm đúng giờ. Khi ở cơ quan, chị lo làm cho nhanh để hết giờ thì sẽ được đứng lên ngay.

Trước kia, chị nổi tiếng đi xe máy chậm chạp. Bây giờ, chị phóng rất nhanh, len lách đủ các ngóc ngách mong tránh tắc đường, về thật nhanh với 2 con. Tối tối, chị lại tất bật với việc tắm rửa, cho con ăn, chơi với con, dạy con hát và khi con ngủ, quay ra lo chăm sóc bản thân cũng đã là nửa đêm... “Chỉ cần nghĩ đến việc các con sinh đôi là đã bị thiệt thòi, cái gì chúng cũng phải san sẻ một nửa cho nhau là mình lại thấy xót ruột. Vì vậy, mọi thứ quanh mình cứ phải xoay tròn như chong chóng. Nhiều lúc vô cùng áp lực giữa công việc và gia đình. Khi ấy, mình chỉ mong có thể mọc thêm ra đôi tay nữa”, chị Điệp chia sẻ.

Lúc nào cũng phải lo toan

Hai cháu trai sinh đôi Vũ Văn Mạnh - Vũ Văn Kiên, con của anh chị Quyên - Thanh năm nay đã được 5 tuổi. Hồi biết mình mang thai đôi, chị Quyên rất sợ. Vợ chồng đều làm nông nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn. Số tiền tích cóp được bao năm đều dành cho việc đi lại, tiêu pha khi sinh nở. Chồng chị đã phải đi làm thuê ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Còn chị ở nhà, ngoài chăm con, làm việc nhà, chị còn nhận may túi thuê. Đêm đêm, mặc cho mắt mỏi, vai mỏi, lưng đau, mông ê ẩm... chị vẫn cặm cụi làm việc đến nửa đêm để cố gắng hoàn thành đủ 200 chiếc túi/ngày thì mới có thể kiếm được gần 100 ngàn đồng.

Vì không có điều kiện mua sữa bột ngoài, chị Quyên cố gắng ăn nhiều để có sữa cho 2 bé. Mỗi lần cho con bú, để có được lượng sữa công bằng, chị chia mỗi đứa một bên bầu, bú cùng lúc, đứa nằm úp trên bụng mẹ, đứa nằm nghiêng trên giường. Số tiền vợ chồng chị kiếm được trong cả tháng chừng 4 - 5 triệu đồng phải tiêu khéo mới vừa vặn. Chị Quyên đang lo, năm tới con vào lớp 1, vợ chồng phải tìm thêm nghề khác để có thêm thu nhập.

Bài cuối: Tận hưởng niềm hạnh phúc đặc biệt

Chia sẻ