3 lỗi thường gặp khi chữa bệnh viêm da dầu cho trẻ nhỏ
Sau 1 tháng chăm sóc con, mẹ 9x đã rút ra một vài kinh nghiệm khi con bị viêm da dầu.
Làn da của trẻ nhỏ rất mong manh, non nớt, các mẹ có con bị mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa, nấm da, viêm da dầu... đều phải trải qua một hành trình khá gian truân để giữ gìn làn da cho con. Chị Kiều Linh, sống tại Hà Nội cũng đã từng như vậy.
Sau khoảng 1 tháng chăm sóc em bé bị viêm da dầu, chị Linh đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hi vọng sẽ có ích đối với các mẹ có em bé chẳng may cũng gặp phải tình trạng tương tự như vậy.
Các bước chăm sóc em bé bị viêm da
1. Hãy cho bé đi khám chuyên khoa da liễu
Bước này để được bác sĩ chẩn đoán đúng và có hướng điều trị phù hợp. Như bạn nhà mình phát hiện từ rất sớm, thấy bất thường mình đã cho con đi khám ngay, bác sĩ kết luận viêm da dầu và làm xét nghiệm thì còn có nấm ở trên đầu chứ không chỉ đơn giản là viêm da.
2. Kiên trì
Kiên trì dưỡng ẩm cho con và bất cứ khi nào sờ da con thấy khô là lập tức dưỡng ẩm ngay. Mình gần một tháng chỉ ăn và dưỡng ẩm cho con.
- Nếu dưỡng ẩm đều mà vẫn không thấy có cải thiện thì nên đổi loại dưỡng ẩm mới.
Em bé nhà chị Linh lúc bị viêm da dầu.
- Nếu da em bé đóng vảy nhiều thì trước khi tắm khoảng 30 phút hãy bôi một lớp kem dưỡng ẩm thật dày để làm mềm lớp vảy đó, sau khi tắm gội lớp vảy sẽ bong bớt hoặc hết (tuỳ theo độ sừng của lớp vảy).
- Kiên nhẫn đồng hành cùng con vì thực sự viêm da biến hoá khôn lường. Nhiều lúc tưởng đỡ rồi vì da sạch đến 80% nhưng đến sáng hôm sau ngủ dậy làn da ấy lại như chưa hề có sự chuyển biến.
Những sai lầm các mẹ hay gặp khi chữa bệnh viêm da cho con
1. Dùng lá hay bột tắm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Theo chị Linh, các mẹ có con bị vấn đề liên quan tới da nên dùng sữa tắm không xà phòng, và nếu bị nấm thì nên quan tâm đến độ pH phù hợp (khi đi khám bác sĩ sẽ kê sữa tắm phù hợp với da bé).
Nhờ mẹ kiên trì mà da con đã lành lặn, đỡ hẳn viêm da dầu.
2. Không sử dụng các loại dầu tuỳ tiện
Chị Linh có bôi dầu dừa kèm theo massage những vùng da bị vảy vì có thông tin là sẽ giúp làm bong lớp sừng đó ra. Nhưng thực tế vùng tổn thương đó còn bị nặng hơn, thậm chí chảy dịch vàng rất nhiều.
3. Nghe thông tin ở nhiều nơi, không theo bác sĩ chuyên môn
Nhiều mẹ nghe ai mách gì là làm đó, tuy nhiên da con rất nhạy cảm, không nên tuỳ tiện cho bé dùng thuốc, tắm lá... hay bất cứ thứ gì mà không có ý kiến của bác sĩ.
"May mắn là mình đang ở nhà full-time để chăm sóc con. Chỉ có ăn và để ý rồi bôi thuốc cho bé thôi đó. Bôi dưỡng ẩm, kiểm tra da con liên tục, phải sát sao thực sự. Con mình hiện tại tới bây giờ chưa bị tái lại nhưng mình nghĩ là bé đã ổn rồi. Hồi con bị vậy nhìn thương lắm mà cũng sốt ruột nữa. Nhưng mình đã kiên trì theo hướng dẫn của bác sĩ nên giờ con đã đỡ nhiều rồi", chị Linh chia sẻ thêm.
Cách chăm sóc da mặt cho trẻ
- Tránh việc cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích da: Chọn quần áo cho trẻ là các loại vải mềm; Chú ý tránh cọ xát, kể cả cọ xát nhẹ trên da bé vì có thể gây tổn thương làn da của trẻ; Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại xà phòng thô bởi các sản phẩm này thường có độ kiềm cao, dễ làm kích thích da của bé.
- Giữ da bé có độ ẩm thích hợp: Nếu thời tiết khô hanh hoặc tắm rửa nhiều thì da của trẻ sơ sinh có thể bị mất nước. Người chăm sóc trẻ sơ sinh nên thoa kem dưỡng da sơ sinh cho bé ở những vùng da bị khô, thiếu nước; Việc không thay tã thường xuyên cộng với thời tiết nóng ẩm có thể gây nhiễm nấm, nhiễm trùng ở trẻ. Vì vậy, cần thường xuyên rửa sạch khu vực mang tã của trẻ bằng các chất làm sạch có thành phần dịu nhẹ, không gây kích ứng.
- Tránh các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới mắt của trẻ. Vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt hay bài tiết nước mắt khi gặp các tác nhân gây kích ứng nên cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý: Giữ bé tránh xa khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm; Tránh các sản phẩm làm sạch có chứa xà phòng hoặc cồn; Dùng các sản phẩm chăm sóc tóc và da có thành phần dịu nhẹ, không gây cay mắt.