Xót xa bé 8 tháng bị bỏng da phồng rộp đau đớn do đắp tỏi chữa bệnh

Minh Nhật,
Chia sẻ

Cứ nghĩ rằng đắp tỏi vào gan bàn chân sẽ giúp bé 8 tháng tuổi không còn bị ốm sốt, sổ mũi. Nhưng ai ngờ chân em bé bị bỏng da phồng rộp đầy đau đớn.

Tỏi không chỉ là gia vị giúp món ăn thêm đậm đà, thơm ngon mà còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên. Theo nghiên cứu, trong tỏi chứa nhiều chất kháng sinh allicin và các vitamin A, B, C, D… có công dụng diệt khuẩn, chống viêm nhiễm, giảm cholesterol… Nhiều mẹ thường mách nhau đắp tỏi để chữa và phòng bệnh. Tuy nhiên với da trẻ nhỏ còn mỏng manh và nhạy cảm, việc đắp tỏi có thể gây ra những nguy hiểm nhất định. Đặc biệt là nó có thể khiến trẻ bị bỏng phồng rộp da.

Mới đây, chị Lê Thanh Bình (32 tuổi, Hà Nội) đã chia sẻ bài viết cảnh tỉnh các mẹ có ý định dùng tỏi đắp trên da nhằm chữa bệnh cho trẻ.

Xót xa bé 8 tháng bị bỏng da phồng rộp đau đớn do đắp tỏi chữa bệnh - Ảnh 1.

Chân con gái chị Bình bị bỏng phồng rộp do bảo mẫu dùng tỏi đắp lên da.

Chị Bình chia sẻ: "Đây là hình ảnh bé nhà mình hồi mới được 8 tháng. Do nhà neo người nên mình có đem con gửi cho một bà bảo mẫu gần nhà. Chiều hôm ấy mình đi làm về rồi đón con thì thấy bé được mặc bộ body suit trùm kín chân. Bình thường bà hay tắm cho con buổi trưa để không bị lạnh nên mình không để ý lắm.

Đêm ấy con cứ quấy khóc oằn oại, rất bám mẹ. Mình mới kiểm tra xem con bị gì không thì phát hiện chân con đã bỏng phồng rộp. Từ lúc đó con quấy khóc đến sáng. Cuối cùng mình phải đưa con đi bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra và yêu cầu nhập viện ngay vì sợ con bị bội nhiễm. Khi mình gọi điện cho bảo mẫu thì bà bảo rằng, do con húng hắng ho mấy ngày không khỏi, nên bà có đắp 1 ít tỏi lúc sáng và gỡ ra luôn. Nhưng mình nghĩ là bà đã đắp khá nhiều và lâu nên con mới bị bỏng rộng và sâu như vậy".

Tại bệnh viện, chị Bình xin điều trị ngoại trú cho con nhưng bác sĩ không đồng ý. Do vết bỏng của con rất sâu, phải điều trị và theo dõi kỹ kẻo ảnh hưởng đến vấn đề tập đi lại sau này của con.

"Những ngày tiếp theo, con được bác sĩ vệ sinh, bôi thuốc và thay băng hàng ngày. Bé phải uống kháng sinh để chống viêm nhiễm. Con bị sốt vì quá đau đớn. Mình nhìn con như vậy rất thương và stress. Vì vậy mình muốn viết bài này để cảnh tỉnh những ai có ý định dùng tỏi đắp lên da chữa bệnh cho con trẻ" - chị Bình cho hay.

Xót xa em bé 8 tháng bị bỏng da phồng rộp đầy đau đớn do đắp tỏi chữa bệnh - Ảnh 2.

Sau 15 ngày điều trị chân con mới lành lặn nhưng vết sẹo phải hơn 1 năm sau mới mờ.

Hơn 10 ngày sau bé mới được xuất viện. Chi phí chữa trị tốn 10 triệu đồng. Mẹ trẻ cho hay, số tiền đó không phải quá to nhưng cũng không hề nhỏ với gia đình đang nuôi 2 đứa trẻ như nhà chị. Gia đình chị cũng không bắt đền bà bảo mẫu. Nhưng điều khiến mẹ trẻ xót xa nhất là em bé đáng lẽ không bị vết bỏng đau đớn và nguy hiểm đến tính mạng như vậy.

"Sau khi xuất viện, con mình bị ám ảnh tâm lý vì mỗi lần thay băng rất đau đớn, chỉ nghe tiếng kim loại dụng cụ y tế va vào nhau đã co rúm người lại, bây giờ nghe tiếng 2 cái thìa va vào nhau lách cách con cũng sợ. Và đặc biệt là con chậm đi so với các bạn khác do ảnh hưởng của vụ bỏng này, các cơ dưới lòng bàn chân đều bị ảnh hưởng. Đến hơn 1 năm sau vết sẹo bỏng mới mờ dần đi" - mẹ trẻ cho biết.

Xót xa bé 8 tháng bị bỏng da phồng rộp đau đớn do đắp tỏi chữa bệnh - Ảnh 3.

Thật may, mẹ bé đã phát hiện kịp thời rồi đưa con đến bệnh viện chữa trị nên em bé đã khoẻ khoắn và đi lại bình thường như thời hiện tại.

Dùng tỏi đắp lên da có thể gây bỏng phồng rộp đau đớn

Theo ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn – Bệnh viện 108, không nên lạm dụng tỏi dù loại rau gia vị này rất tốt. Một người bình thường chỉ nên 1-2 tép tỏi nhỏ là đủ. Nếu ăn khoảng 10g tỏi là hoàn toàn vô hại sẽ không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể ngoại trừ việc tạo ra mùi khó chịu của hơi thở và mồ hôi.

Còn nếu ăn quá nhiều nhất là vào lúc đói có thể gây cảm giác khó chịu, đầy chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy và rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.

Còn đối với việc dùng tỏi tươi đập dập, hoặc nướng tỏi đắp lên da để chữa bệnh rất nguy hiểm. Vì đắp trực tiếp lên da, đắp thời gian lâu, số lượng tỏi nhiều,… có thể gây rát bỏng, viêm da và nổi bọng nước. Đặc biệt là đối với trẻ con có làn da mỏng manh và dễ tổn thương hơn người lớn. Vì thế các bậc phụ huynh cẩn thận không tự ý đắp tỏi lên da để trị bệnh cho trẻ, tránh gây thêm tổn thương bỏng rộp da lâu lành.

Chia sẻ