Sao mẹ lạc hậu thế?

Bảo Châu,
Chia sẻ

Con gái chị Hương quan niệm chỉ cần học giỏi, kiếm thật nhiều tiền sau này thuê ôsin làm hộ, sợ va chạm với mẹ chồng chuyện nội trợ thì xin ra ở riêng.

1. Các cụ vẫn dạy: “Mẹ và con gái bánh đa bánh đúc”, nghĩa là lúc nào cũng thân mật, gần gũi nhau. Nhưng ở nhà chị Hương lại hoàn toàn trái ngược. Lúc nào chị cũng than vãn về đứa con gái ngỗ ngược. Chuyện chẳng có gì! Cũng chỉ bởi chị luôn cố gắng dạy con nấu cơm, làm món này món nọ, cắm hoa…. tề gia nội trợ để lấy chồng đỡ khổ.

Nhưng mỗi lần chị “lên lớp” là thế nào nó cũng cãi lại, nó phủ nhận hết, bảo là mẹ lạc hậu. Chị kể: “Mỗi lần thấy con gái vứt đi những bộ quần áo mà nó hầu như mới chỉ mặc có một hai lần chị thấy xót của và mắng con lãng phí. Vải còn tốt, đồ còn đẹp thì sao không dùng đến lúc nào hỏng thì hãy bỏ đi”. Ngày xưa, thế hệ của chị quần áo chẳng có mà mặc, may được bộ quần áo mới mặc mấy năm liền. Nếu quần có ngắn thì con phải đi kiếm vải về chắp nối lưng mà mặc đến khi rách bằng thôi.

Con gái chị Hương lại bảo thời nay chẳng ai mặc kiểu đó nữa. Thấy con gái không tiếp thu, chị cấm vận chuyện cho tiền mua quần áo. Nhưng nó không xin được mẹ thì quay sang xin bố, xin ông bà, cô chú… Chị muốn buổi sáng con dậy sớm ăn uống đàng hoàng rồi đi học. Còn con gái chị lại chỉ muốn ngủ, dậy muộn, vừa cầm cái bánh mỳ vừa lên xe bus đi học cũng vừa.

Chuyện bếp núc, chị muốn con gái phải thành thạo, đi học về phải biết vào bếp làm cho quen việc để sau này còn biết mà chăm sóc gia đình. Ngày xưa, thời chị về nhà chồng là bếp núc gọn gàng, cơm ngon canh ngọt, hầu hạ mẹ chồng chu đáo. Ngay lập tức nó “phản pháo” lại rằng, nó không sống dưới cái thời ngày xưa, thời của nó trước khi cưới chồng, nó đi học một khóa nấu ăn là xong. Nó chỉ cần học giỏi, kiếm thật nhiều tiền sau này thuê ôsin làm hộ, sợ va chạm với mẹ chồng chuyện nội trợ thì xin ra ở riêng. Vậy là chỉ có chuyện bếp núc, quần áo mà mẹ con chị suốt ngày tiếng bấc tiếng chì, dần dần con bé lạnh nhạt luôn với cả mẹ.

2. Không những chuyện dạy con gái mới đau đầu, mà ngay cả chuyện dạy con trai cũng chẳng kém phần. Theo anh Huy, con trai lớn phải cắt tóc gọn gàng, quần vải, áo sơ mi, đi học đi làm đều lịch sự. Thế nhưng con trai anh lại hoàn toàn khác.

Con anh để tóc ngang vai như con gái, tai còn xỏ lỗ đeo vòng. Dù đó chỉ là một chiếc vòng nhỏ xíu lấp lánh nhưng anh thấy chướng mắt. Anh bắt nó tháo bỏ, bảo ngày xưa bằng tuổi mày, bố quần áo lúc nào cũng sơ vin đâu ra đấy, chỉnh tề chứ không cái dài cái ngắn, cái thò cái thụt. Nó biện minh là thời trang nhưng anh không chấp nhận. Vậy là dẫn đến tình trạng một đứa con bất trị trong mắt ông bố và một người cha lạc hậu, bảo thủ trong mắt con trai.

3. Thực tế, còn rất nhiều câu chuyện bố mẹ dạy con mà bị con chê là lạc hậu, bảo thủ. Các bố mẹ đều đem những quy chuẩn tốt đẹp ngày xưa của mình ra dạy con, bắt con phải nhìn vào đó để học tập nhưng lại không thành công. Nguyên nhân chính dẫn tới mối bất hoà trong quan hệ gia đình là vì bố mẹ đang sống và nuôi dạy con cái theo những quy chuẩn ngày xưa mà mình được thừa hưởng. Trong khi đó con cái lại chỉ biết sống tiến lên theo thời của mình.

Làm thế nào để gia đình luôn được thuận hoà, con cái nghe lời bố mẹ, kính trên nhường dưới, còn cha mẹ cũng được vui lòng. Có lẽ, thế hệ bố mẹ cũng cần lắng nghe ý kiến trình bày của con về những lối sống mà con đang thực hiện. Bố mẹ cũng nên chọn lựa những điều gì hay, điều gì tốt để cho con học theo, chứ không phải là cấm con mọi điều, bắt con nhất nhất phải tuân theo mình. Nên phân tích cho con nghe điều hơn lẽ thiệt, nếu con làm điều này điều kia, con được gì và mất gì, tuỳ theo con lựa chọn.

Về phía các con, cũng không thể nhất nhất bảo vệ ý kiến của mình, điều gì cũng Tây hoá. Các con cũng phải tiếp nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp của những thế hệ trước tạo dựng nên thay vì lúc nào cũng sống ích kỷ theo thời của mình.

Mỗi thế hệ cần thích nghi dần dần và tìm ra điểm hoà hợp để chấp nhận nhau. Có như vậy, sự dạy bảo của cha mẹ đối với con cái hiện nay mới không trở nên lỗi thời như vẫn nghĩ.

Chia sẻ