"Săn" hàng hiệu "made in Vietnam" giá rẻ
Săn được hàng hiệu giá rẻ luôn là đam mê cháy bỏng của nhiều chị em. Nhưng để săn được đúng hàng xuất “xịn” thì không phải ai cũng làm được.
Hàng hiệu Made in Vietnam – mục tiêu săn đuổi của chị em công sở có hầu bao không cao nhưng nhu cầu làm đẹp cao vời vợi – là hàng hóa do các hãng ở nước ngoài thuê các công ty Việt nam may gia công, sau đó xuất khẩu đi và không được bán trực tiếp tại Việt Nam. Đó thường là các thương hiệu khá phổ biến như Zara, Gap, Old Navy, North Face, Topshop, Mango, Banana Repulic, Nike, Columbia, Tommy Hilfiger, Forever 21, H&M... Phần lớn các thương hiệu này đều có bán sản phẩm chính hãng tại Việt Nam nhưng thường made in… một nước khác. Bởi, nếu muốn bán hàng “made in Viet Nam” thì phải nhập khẩu lại từ nước ngoài với giá rất cao vì phải chịu hai lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế VAT, chi phí vận chuyển…
Cùng chúng tôi xâm nhập thế giới hàng hiệu “made in Vietnam” để chọn bộ trang phục hợp thời trang, bền mà giá lại rất… Việt Nam nhé!
1. Hàng mẫu
Đây là những sản phẩm đầu tiên được may để làm mẫu và gửi cho hãng kiểm tra. Nếu được duyệt, công ty gia công sẽ sản xuất hàng loạt. Vì không nằm trong đơn hàng nên những sản phẩm này được “tuồn” ra ngoài để bán. Trong đó, có sản phẩm vẫn còn nguyên các đường vẽ thiết kế ban đầu và bên trong có thể có chữ “Sample” hoặc “Not for sale”. Khi mua sản phẩm này, bạn phải chấp nhận nó chưa hoàn hảo. Thậm chí, đôi khi, nó không giống lắm so với sản phẩm chính hãng khi tung ra thị trường.
2. Hàng dư
Một số nhãn hàng có thể cho phép công ty gia công cắt dư hàng để bù vào đơn hàng khi hải quan kiểm hóa không trả lại hoặc thay thế sản phẩm lỗi. Tuy nhiên, số này rất ít, chỉ từ 1-3% đơn hàng.
Hàng dư giống 100% với hàng xuất chính hiệu về chất liệu, kiểu dáng và đầy đủ nhãn mác, nút dự phòng, có khi còn nguyên bao nilon đựng bên ngoài. Nhưng về nguyên tắc, hàng dư sẽ bị hủy. Thế nên, bên gia công thường phải xóa bỏ mã trên tem mác sản phẩm để tránh bị công ty chính hãng phát hiện.
3. Hàng trưng bày, hàng tồn kho, hàng hủy hợp đồng
Thường, sau khoảng trên 2 năm kể từ ngày sản xuất, những mặt hàng này sẽ được tặng cho nhân viên. Những sản phẩm này có thể bị ố vàng do không được bảo quản cẩn thận. Hàng trưng bày thì còn đủ nhãn mác nhưng số lượng thường không nhiều. Hàng tồn, hàng hủy hợp đồng có thể có rất nhiều nhưng không được gắn mác đầy đủ hoặc bị cắt. Quan trọng là vải vẫn đẹp và đường may khá cẩn thận.
4. Hàng lỗi
Có thể có hàng xuất khẩu bị lỗi nhưng rất ít, do tay nghề nhân công ngày càng cao, đồng thời công ty gia công cũng muốn giữ uy tín. Những hàng này có thể bị loại ra chỉ vì những lỗi rất nhỏ như vài chỗ dúm chỉ, cổ áo không đứng, cúc đơm không thẳng… Về nguyên tắc, đáng lẽ số hàng này phải bị tiêu hủy nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn được tiêu thụ.
5. Hàng lên
Với mỗi đơn hàng, công ty chính hãng sẽ căn cứ định mức để tính tổng số lượng nguyên phụ liệu mà họ cần cung cấp cho công ty gia công. Tuy nhiên, các nhà máy gia công Việt Nam thường tiết kiệm vải tối đa nên có thể dư ra một lượng vải nhất định. Các công ty này sẽ sử dụng đuôi vải dư, copy kiểu dáng mẫu mã và may thêm sản phẩm hoặc đặt các cơ sở khác may. Bởi vậy, dù cùng loại vải, cùng kiểu dáng nhưng chất lượng sản phẩm này sẽ không thể đạt chuẩn như hàng xuất khẩu chính hãng do sản phẩm thường chắp vá kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như thay đổi một chút về mác, nút, dây kéo (những phụ liệu này thường không thừa nhiều). Với những sản phẩm được may tại những cơ sở gia công thì đường may không sắc sảo, độ bền không cao.
6. Hàng nhái
Đây là hàng nhái hoàn toàn, từ kiểu dáng đến chất vải. Mới nhìn thì những sản phẩm này không khác nhiều so với hàng thật nhưng chất lượng vải không đúng với hàng original, dù màu sắc y chang. Tuy nhiên, các loại hàng “fake” cũng có các cấp độ khác nhau. Fake 1 được may từ loại vải khá tốt, đường may cẩn thận nên giá bán không hề rẻ (thường được bán trong shop). Còn những loại fake 2, 3 thì thường bán ở chợ, chất lượng vải và đường may rất tệ. Thế nên, cùng một mẫu mà, cũng là hàng nhái, nhưng giá cả của những sản phẩm này khác nhau một trời một vực.
Những mặt hàng này thường có mẫu mã đa dạng, nhiều màu sắc, có thể đặt hàng số lượng lớn, nhiều size. Ngoài những mặt hàng do các cơ sở may của Việt Nam làm thì còn có rất nhiều hàng Trung Quốc trà trộn được gắn mác Made in Vietnam.
“Tôi rất thích hàng Việt nam xuất khẩu vì mẫu mã, kiểu dáng đẹp, trang nhã, chất lượng vải thì miễn chê. Nhưng muốn săn được hàng này không hề dễ”, chị Xuân Mai, đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM cho hay.
Bí quyết mua hàng
Giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn, người mua phải tinh ý, sờ nắm, xem thử trực tiếp thì mới biết được có phải hàng xịn hay không.
- Chất vải, đường may, kiểu dáng: Điều quan trọng là phải dựa vào chất lượng vải (chất mềm, mịn), đường may phải sắc sảo.
- Màu sắc: Màu sắc của hàng Việt Nam xuất khẩu thường nhã nhặn và trầm hơn so với các mặt hàng cơ sở gia công hoặc hàng Trung Quốc.
- Size số: Những mặt hàng của trẻ em, size nước ngoài cũng giống Việt nam. Nhưng mặt hàng của người lớn, hàng VNXK xịn rất hiếm size S và thường to hơn của Việt Nam 1 size.