Sai lầm cha mẹ thường mắc khi dạy con khiến trẻ ích kỷ
Theo chuyên gia tâm lý, bản chất mỗi đứa trẻ đều bao dung, hào phóng, nhưng những cách nuôi dạy con sai lầm của cha mẹ có thể vô tình khiến trẻ trở nên nhỏ nhen, ích kỷ.
Hành vi ích kỷ của con - nỗi lo của cha mẹ
Chị Nguyễn Hà (Hải Phòng) có 4 cô con gái nhưng chị không hiểu sao 3 đứa bé thì rất rộng lượng, chỉ có đứa lớn là ngày càng ích kỷ. Khi được mẹ giao chia phần bánh kẹo hoặc đồ ăn, lúc nào cô bé cũng chia cho mình phần nhiều, phần ngon hơn các em. Được ai cho gì, cô bé thường dấm dúi ăn một mình. Chị cũng nhiều lần nghe mấy đứa bé mách: "Mẹ ơi, chị mua bim bim không cho con", "Mẹ ơi, chị có bánh, nhét vào cặp ăn một mình"…
Chị Hà bày tỏ nỗi băn khoăn: "Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính. Giờ em không biết phải làm thế nào để thay đổi tính xấu của con?".
Sau khi nghe chị Hà chia sẻ tâm tư, Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) đã hỏi "chị có hay bắt đứa lớn phải nhường các em không?", thì chị thừa nhận là có. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh giành đồ chơi giữa các con, câu cửa miệng của chị với đứa lớn thường là "con nhường các em đi, con là chị mà". Có đồ ăn ngon, chị cũng nói con gái lớn phải nhường em trước. Thậm chí có những lần, chị chia bánh kẹo cho các con, mấy đứa bé thì ăn hết luôn còn đứa lớn để dành. Nhưng đến khi đứa lớn lấy ra ăn, các em nhìn thấy lại đòi, chị cũng bảo con phải nhường, phải chia cho các em.
Trẻ có hành vi ích kỷ khiến cha mẹ lo lắng. (Ảnh minh họa)
Theo cô Lanh, không ít bậc cha mẹ Việt mắc phải sai lầm như chị Hà, đó là đối xử chưa công bằng giữa các con, thường yêu cầu đứa lớn nhường đứa bé. Điều này khiến đứa lớn cảm thấy bản thân lúc nào cũng thiệt thòi, dần dần sinh ra tính ích kỷ, luôn nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Cũng hỏi chuyên gia Nguyễn Thị Lanh để xin tư vấn, chị Lê Thủy (Hà Nội) lại có nỗi niềm khác. Vợ chồng chị chỉ có một cậu con trai năm nay học lớp 2. Cậu bé ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi nhưng có một điểm chị chưa hài lòng là cậu bé không hề biết chia sẻ. Từ bé cho đến giờ, cậu có thể thoải mái chơi đồ chơi của các bạn nhưng rất ít khi cho bạn nào đụng vào đồ chơi của mình. Cũng vì tính cách đó mà rất ít đứa trẻ muốn chơi cùng con chị.
Trò chuyện sâu hơn với người mẹ này, cô Lanh đã tìm ra nguyên nhân vấn đề là do gia đình chị quá chiều con. Cậu bé là "con đầu cháu sớm" của cả hai bên nội ngoại nên từ bé đã được cưng chiều. Mọi nhu cầu, mong muốn của cậu bé đều được ông bà, cha mẹ dễ dàng đáp ứng, cậu chưa từng phải chia sẻ bất kỳ điều gì với ai từ đồ chơi, đồ ăn…
Cô Lanh cho biết, những đứa trẻ được nuông chiều từ bé thường rất dễ hình thành tính ích kỷ. Bởi chúng lớn lên với cảm giác mình là trung tâm nên chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của bản thân, không quan tâm đến những người khác, không có sự đồng cảm, biết ơn, không biết cách chia sẻ.
Giúp con sửa tính ích kỷ thế nào?
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, một đứa trẻ được nuôi dưỡng tính ích kỷ từ bé, lớn lên thường sống vô cảm, chỉ biết toan tính cho lợi ích của bản thân, khó hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Do vậy, cha mẹ cần điều chỉnh một số cách nuôi dạy con chưa đúng để sửa tính ích kỷ của trẻ.
Trước tiên, cha mẹ hãy đối xử công bằng với trẻ. Nhường nhịn là một đức tính tốt nhưng không có đứa trẻ nào sinh ra đã hiểu được khái niệm nhường nhịn. Khi nghe bố mẹ nói: "Con lớn rồi, nhường cho em đi", trẻ không hiểu tại sao phải nhường và mang theo những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, ấm ức.
Thay vì ép con phải nhường nhịn, hãy để trẻ làm điều đó một cách tự nguyện. Ví dụ khi các con tranh giành đồ chơi, không nên lập tức bênh đứa bé, yêu cầu đứa lớn nhường em. Điều này khiến đứa lớn khó chịu, vì sợ bản thân chịu thiệt mà dần trở nên ích kỷ sau này. Còn đứa bé quen được cha mẹ bênh vực sẽ coi mình là nhất, hay đòi hỏi, không để ý đến cảm nhận của người khác.
Cách hành xử hợp lý là cha mẹ cần lắng nghe để tìm hiểu nguyên nhân và phân xử đúng – sai một cách công bằng. Đồng thời, khuyến khích các con đàm phán, để đứa lớn nếu có nhường thì cũng nhường trong sự vui vẻ, còn đứa bé nếu không được nhường cũng không cảm thấy buồn bực.
Theo cô Lanh, để trẻ sửa tính ích kỷ, cha mẹ nên điều chỉnh lại những cách hành xử chưa đúng khi nuôi dạy con.
Tiếp đó, cha mẹ không nên quá nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Hãy học cách nói "không" với con, ví dụ không dọn dẹp hộ đồ chơi cho con, từ chối mua những con thích nếu món đồ đó không thiết thực… Đồng thời, dạy con giá trị của sự cho đi và tầm quan trọng của việc giúp đỡ, chia sẻ với người khác, định hình cho trẻ tính cách nhân hậu, bao dung, biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh và biết bày tỏ lòng biết ơn khi được người khác giúp đỡ.