Rửa bát xong thấy con trai đang đứng ngẩn người, mẹ nhìn xuống sàn nhà bỗng thấy "tan nát cõi lòng"
Sau bữa tối, bà mẹ này vào bếp rửa bát, để cậu con trai nhỏ chơi ngoài phòng khách. Cô nghĩ sẽ khó mà có chuyện xảy ra trong khoảng thời gian ngắn như thế.
Trẻ nhỏ luôn hiếu động và nghịch ngợm, thích khám phá mọi đồ vật xung quanh mình. Nhưng chúng chưa đủ nhận thức để biết hết đúng sai, thêm nữa các cơ quan vận động của trẻ chưa phối hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt như người lớn, sức khỏe của bé cũng còn yếu ớt. Chính vì thế cha mẹ đã phải nhiều phen tức giận xen lẫn tiếc "đứt ruột" khi con cái tinh nghịch làm hỏng, rơi vỡ những món đồ giá trị trong nhà.
Một bà mẹ người Trung Quốc thời gian trước có chia sẻ những hình ảnh về "tai nạn thảm khốc" xảy ra với chiếc ti vi của gia đình cô. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn cô vào bếp rửa bát mà cậu con trai nhỏ của cô đã kịp gây ra một vụ thiệt hại kinh tế lớn cho bố mẹ.
Sau bữa tối, bà mẹ này vào bếp rửa bát, để cậu con trai nhỏ chơi ngoài phòng khách. Cô nghĩ sẽ khó mà có chuyện xảy ra trong khoảng thời gian ngắn như thế. Thế nhưng sự việc diễn ra lại hoàn toàn ngược lại với dự đoán của cô.
Khi cô xong việc trở ra, lọt vào mắt cô đầu tiên là hình ảnh cậu con trai đang đứng ngẩn người trên kệ ti vi. Ngay lập tức cô nhận ra kệ ti vi trống rỗng, nhìn xuống sàn nhà, cô "chết lặng" với những gì trông thấy.
Nhìn cảnh tượng trước mắt, cô dễ dàng đoán được đã có chuyện gì xảy ra. Hẳn con trai cô trèo lên kệ ti vi chơi, rồi chẳng may chạm vào làm rơi ti vi xuống đất. Và thật không may chiếc ti vi nhà cô đã bị hỏng, không thể sử dụng được nữa, chắc chắn phải tiêu tốn của bà mẹ này một khoản tiền.
Trong trường hợp này nhiều bậc cha mẹ sẽ la mắng, thậm chí dùng đòn roi với con. Nhưng đó là một cách giải quyết sai. Bởi với lứa tuổi đó của trẻ, trước những lời quát mắng của cha mẹ, trẻ không hiểu được hết, cũng không biết bản thân phải làm gì hay không nên làm gì. Do đó, cách xử lý đúng của cha mẹ trong trường hợp này là:
- Hỏi han trẻ một cách kiên nhẫn về những gì đã xảy ra và để con tự mô tả lại quá trình sự việc. Bởi đối với con, có thể trẻ sẽ cho rằng hành động đó là đúng mà không ý thức được mình đã làm sai. Vì thế nếu cha mẹ chỉ một mực quát mắng bé, con sẽ không hiểu được tại sao mình bị phạt.
- Giảng giải cho con hiểu đó là một việc làm sai, cụ thể sai ở đâu và sai thế nào. Nói với con về hậu quả nếu trẻ gây ra lỗi, ví dụ chiếc ti vi đã bị hỏng sẽ không xem các chương trình mà bé yêu thích được nữa, sẽ tốn tiền sửa chữa và mẹ không thể mua đồ chơi thêm cho con...
- Hỏi con các câu hỏi như: "Nếu lần tới gặp phải trường hợp tương tự, con sẽ làm thế nào", "Con có lặp lại việc làm như vậy nữa không?". Để trẻ tự thừa nhận sai lầm của mình, tự giác đưa ra việc phải làm tương lai như vậy sẽ khiến con nhớ kỹ lỗi của mình, lần sau không còn tái phạm nữa.