Rèn luyện 5 giác quan để bé thông minh vượt trội

,
Chia sẻ

Bé mới sinh ra cần được rèn luyện 5 giác quan ngay để bé được thông minh, lanh lợi và nhanh nhẹn. Điều này sẽ kích thích trực tiếp quá trình hoàn thiện chức năng não bộ của bé.

Rèn luyện thị giác: Cho bé ở một căn phòng nhiều ánh sáng ngay sau khi chào đời

Thông thường, các bà các mẹ hay kiêng cho bé sơ sinh ở một phòng tối, kín gió. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Hãy để bé ở phòng thông thoáng, nhiều ánh sáng, để bé có thể nhìn thấy rõ mọi đồ vật với màu sắc khác nhau. Từ 0 – 6 tháng, mẹ có thể treo bóng bay, dây nhiều mầu sắc, đồ chơi để bé dễ nhìn thấy. Tốt nhất nên treo cách chỗ nằm của bé khoảng 30 – 40cm.

Thường xuyên để bé nhìn thấy những đồ vật khác nhau, nhìn vào gương mặt đang nói chuyện của bố mẹ và người thân trong gia đình. Có thể kiểm tra độ nhanh nhạy của bé bằng cách gây sự chú ý của bé vào một vật thể, và đưa đi đưa lại vật thể đó trước mắt bé.

Mẹ hãy cho bé ở một căn phòng tràn ngập ánh sáng và không khí trong lành

Bố mẹ có thể bất ngờ bật đèn khi phòng đang tối để rèn khả năng thu nhỏ của đồng tử. Bất ngờ tắt đèn để phòng tối để rèn khả năng phóng to của đồng tử.

Khi bế bé, hãy để gương mặt bé hướng ra phía trước để quan sát các đồ vật xung quanh.

Rèn luyện thính giác: Bé không cần phải tránh những tiếng ồn

Hãy tạo điều kiện cho cơ quan thính giác của bé được phát triển đầy đủ bằng cách cho bé được nghe mọi tiếng động, âm thanh xung quanh bé. Tiếng bố mẹ, ông bà nói chuyện, tiếng tivi, tiếng nhạc, tiếng chuông điện thoại, thậm chí là cả tiếng ô tô xe máy ngoài đường trước cửa nhà.

Không nên “bưng bít” cách ly bé với tiếng ồn xung quanh. Nhưng nên tránh cho bé những tiếng ồn lớn, có thể nguy hiểm như tiếng còi của ô tô tải, tiếng sấm sét những ngày trời mưa to.

Hãy thường xuyên cho bé ra ngoài chơi để tiếp xúc với các tiếng động

Khi bé được 2, 3 tuổi, bé cần nhận biết các âm thanh khác nhau và tại sao lại có âm thanh đó.

Mẹ và bé có thể chơi trò “bịt mắt đoán tiếng động”. Ví dụ, mẹ bịt mắt bé và đóng cửa. Mẹ hỏi: “Đó con biết đó là tiếng gì?”, hoặc mẹ đố bé tiếng rót nước, tiếng chảo mỡ sôi xèo xèo… Những bé thông minh, rèn luyện nhiều sẽ có khả năng phân biệt các âm thanh phát ra từ các loại nhạc cụ khác nhau.

Rèn luyện khứu giác: Hãy để cho bé ngửi các mùi khác nhau

Dường như đây là cơ quan cảm giác khó “rèn luyện” và khó phát triển nhất của bé. Nhưng thật thiếu sót và sai lầm nếu bố mẹ bỏ qua việc rèn luyện cơ quan cảm giác này.

Những món ăn mẹ nấu trong bếp, mẹ có thể dậy bé mùi thơm của hành lá, mùi tàu, mùi thịt rán, mùi canh cá… Mẹ dạy bé mùi thơm của hoa, mùi hương trầm… Tránh để bé phải ngửi những mùi như mùi rác, cơm thiu, mùi hôi thối…

Hãy đế bé được ngửi tất cả các mùi

Khi bé lớn hơn chút nữa, mẹ cũng có thể cho bé chơi trò “ngửi mùi – đoán vật”. Ví dụ, đoán mùi nước mắm, mùi xì dầu, mùi rượu… Trò chơi này giúp bé thông minh và nhạy cảm với các mùi khác nhau.

Rèn luyện vị giác: Hãy để bé được nếm các vị khác nhau

Từ khi bé mới sinh ra đến 6 tháng tuổi, hầu như bé chỉ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Nhưng không vì thế mà mẹ lại làm “mất” của bé quyền nếm thử các vị khác nhau.

Ngay khi có thể, mẹ cho bé nếm vị ngọt, chua, cay, mặn.. Đơn giản là mẹ ăn bưởi, ăn cam, cho bé nhấm một chút tép. Đến bữa ăn cơm, mẹ cho bé ngồi cùng, dùng đũa chấm vào các vị thức ăn trong mâm và đưa lên lưỡi bé. Có vị khiến bé thích thú, có vị khiến bé nhăn mặt. Mẹ đừng ngần ngại cho bé thử cả vị cay của ớt nhé. Bé sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi được nếm tất cả các vị như người lớn.

Mẹ đừng ngần ngại cho bé nếm các vị thức ăn

Mẹ chú ý chỉ cho bé nếm, chứ không bắt bé ăn.

Thử các loại vị ngoài việc phát triển cơ quan vị giác của bé, còn giúp bé sau này lớn lên ăn sam (dễ ăn), không khảnh ăn, kén ăn.

Rèn luyện xúc giác: Quan trọng nhất là xúc giác của tay

Với bé dưới 6 tháng tuổi, còn trong thời gian ẵm ngửa, mẹ nên dùng các vật nóng, lạnh, cứng, mềm, thô, ráp, mịn xoa lên cơ thể bé, để làn da của bé được tiếp xúc với các đồ vật khác nhau, và kích thích phát triển các dây thần kinh dưới da. Tuy nhiên, mẹ phải chú ý các mức độ vừa phải. Ví dụ không được cho bé tiếp xúc với vật nóng quá, lạnh quá,… sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng cho bé.

Cho bé chơi với bàn tay của mẹ cũng là một cách rèn luyện xúc giác

Mẹ cần đặc biệt chú ý tới việc phát triển và rèn luyện các hoạt động trên ngón tay bé. Thường xuyên đưa cho bé cầm nắm các vật, với hoặc sờ mó các vật. Mẹ cũng có thể thường xuyên cấu nhẹ vào đầu ngón tay bé để kích thích các dây thần kinh.

Khi bé được 1 tuổi, mẹ dạy cho bé tên từng ngón tay: ngón cái, ngón trỏ, ngón út… Rèn luyện cho bé đôi bàn tay khéo léo sẽ giúp bé rất nhiều trong mọi hành động sau này của bé.

Bảo Châu

(Tổng hợp)

Chia sẻ