Xoa bóp để bé thông minh hơn

,
Chia sẻ

Mỗi ngày, mẹ nên xoa bóp cơ thể cho bé từ 1 - 2 lần, tốt nhất là vào buổi tối, trước khi bé đi ngủ.

Để trí não phát triển, ngoài chế độ ăn uống, điều kiện sống, dạy dỗ..., y học cổ truyền còn có một biện pháp không tốn kém, dễ làm nhằm mục đích kiện não ích trí mà nhiều bậc phụ huynh chưa biết đến, đó là thực hành các thao tác xoa bóp theo một quy trình nhất định dưới đây.

Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa, tạo niềm tin và tình cảm bằng những cử chỉ và lời nói dịu dàng, âu yếm. Nhẹ nhàng dùng hai bàn tay hơi khum, các ngón tay hơi xoè ra, từ chân tóc trán đẩy từ từ ra tới sau gáy sao cho các đầu ngón tay sát với da đầu giống như động tác chải đầu, làm 5 - 10 lần.

Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa và thực hiện các động tác xoa bóp.


Dùng ngón tay giữa day huyệt Bách hội trong 1 phút. Vị trí huyệt Bách hội: Nằm ở điểm giao nhau giữa đường nối hai đỉnh vành tai và đường trục giữa cơ thể.

Dùng ngón tay giữa cả hai bên day đồng thời hai huyệt Thái dương trong 1 phút. Vị trí huyệt Thái dương: ở đuôi mắt đo ra sau 1 tấc (chỗ lõm phía sau đuôi mắt).

Dùng ngón tay giữa cả hai bên day đồng thời hai huyệt Phong trì. Vị trí huyệt Phong trì: ở chỗ lõm do đáy hộp sọ và bờ ngoài khối cơ phía sau cổ tạo nên, mỗi bên một huyệt.

Đặt hai lòng bàn tay lên hai tai của trẻ, từ từ xoa vành tai theo hình tròn trong 1 phút sao cho tai nóng hồng lên là được. Cũng có thể dùng ngón tay miết nhẹ lòng vành tai từ 5 - 10 lần.

Dùng ngón tay cái miết bờ ngoài ngón tay cái của trẻ từ đầu ngón xuống gốc ngón từ 100 - 300 lần. Động tác này có tên gọi là Bổ tỳ kinh.

Dùng ngón tay cái miết mặt bụng đốt thứ ba (đốt chót) ngón tay út của trẻ từ 100 - 300 lần. Động tác này có tên gọi là Bổ thận kinh.

Dùng ngón tay giữa day huyệt Túc tam lý trong 1 phút. Vị trí huyệt Túc tám lý: Sờ bờ trước xương ống chân (xương chày) từ dưới cổ chân lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra một khoát ngón tay của trẻ là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ trong 1 phút sao cho vùng bụng ấm lên là được.

Đặt trẻ ở tư thế nằm sấp, dùng ngón tay cái và đốt thứ ba của các ngón tay còn lại kẹp da vùng lưng, kéo da lên và đẩy da liên tiếp từ dưới xương cụt lên trên cổ vai, làm cho da trẻ luôn luôn như bị cuộn giữa các ngón tay của người làm thủ thuật, làm 5 lần như vậy.

Cuối cùng, dùng ngón tay cái day nhẹ hai bên cạnh cột sống từ trên xuống dưới 5 lần với một lực vừa phải.

Theo y học cổ truyền, bài xoa bóp này có tác dụng làm lưu thông kinh mạch, điều hoà khí huyết, cải thiện công năng của các tạng phủ, tăng cường lưu lượng tuần hoàn não và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thần kinh - nội tiết. Mỗi ngày có thể làm 1 - 2 lần, tốt nhất là vào buổi tối, trước khi trẻ đi ngủ.

Theo ThS Khánh Hiển
Bee.net.vn
Chia sẻ