"Trường học thông minh" của bé
Cách dạy con của tác giả cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” rất bình dị mà hiệu quả: “Dạy con không bao giờ là quá sớm, phải bắt đầu từ 0 tháng tuổi”.
Mọi hoạt động trong khu bếp, bố mẹ nên giải thích và chỉ dẫn cho bé. Ví dụ: “Mẹ đang băm thịt nấu cháo cho Cốm. Mẹ xào rau cho bố ăn. Rau muống có màu xanh, cà chua có màu đỏ”.
Đến bữa cơm, bố mẹ hãy để bé được ngồi cùng mâm với người lớn. Mẹ có thể giới thiệu với bé hôm nay mâm cơm có những món gì, món đó màu gì, có tác dụng gì. Ví dụ: “Rau luộc màu xanh, ăn vào cho khoẻ. Thịt kho màu nâu ăn cho mau lớn. Trứng rán màu vàng, ăn vào sẽ cao như anh Tũn”.
Tiếp đến, lớp học của bé sẽ là phòng khách. Ở đây, bố mẹ nên “bắt” các bé học thuộc một số “từ vựng”: bàn ghế, tivi, điều khiển, đầu đĩa, đĩa nhạc, tranh, ảnh, lịch…
Bố mẹ phải luôn ghi nhớ khẩu hiệu ở ngôi trường đầu tiên của bé là “Giao tiếp, giao tiếp và giao tiếp”. Giao tiếp với bé một cách có thể nhiều nhất sẽ làm cho lớp học của bố mẹ và bé đạt hiệu quả rất cao.
Để bé có thể nhớ lâu, bố mẹ giảng giải cho bé bằng những câu ngắn gọn, dễ hiểu.
Hãy dùng nhiều ví dụ cụ thể, trực quan, nhất là những vật có thể cầm, nắm, sờ được, kết hợp với những bài hát minh họa. Ví dụ nói đến cái cây, mẹ giới thiệu lá cây màu xanh rồi hát cho bé nghe bài: “Cái cây xanh xanh, thì lá cũng xanh, chim đậu trên cành, chim hót líu lo…”.
Nhiều bố mẹ đã dạy con theo phương pháp này và gặt hái được khá nhiều thành quả trong việc giúp bé nắm bắt và hiểu biết thế giới xung quanh một cách sớm nhất.