Ô nhiễm không khí ảnh hưởng không tốt tới thai nhi, mẹ bầu cần làm gì để bảo vệ em bé trong bụng?
Hiểu rõ tác động của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ của cả mẹ lẫn bé sẽ giúp bạn thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa phù hợp.
Đối với bà bầu
1. Ô nhiễm không khí làm suy giảm sức khỏe sản phụ, giảm chất lượng thai kỳ
Khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ yếu đi. Do đó, phụ nữ mang thai, cùng trẻ em và người lớn tuổi, luôn nằm trong nhóm khuyến cáo dễ bị mắc bệnh. Và tác hại của ô nhiễm không khí cũng đặc biệt nghiêm trọng hơn với các bà bầu.
Theo một bài báo trên tờ Health Plus, các chất gây ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi, gây kích ứng khí quản và dẫn đến đau tức ngực, khó thở... Nếu tiếp xúc với ô nhiễm không khí thường xuyên trong thời gian dài, bà bầu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, khí phế thũng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư phổi.
2. Tăng nguy cơ sản phụ mắc các biến chứng thai kỳ
Cũng theo Health Plus, các triệu chứng đau tức ngực, khó thở có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu phụ nữ mang thai bị hen suyễn. Cụ thể, bà bầu bị hen suyễn sẽ có nguy cơ cao mắc chứng tiền sản giật - tình trạng huyết áp tăng cao trong thai kỳ, dẫn tới suy giảm chức năng gan, thận.
Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Florida (Mỹ) cho thấy, phụ nữ mang thai khi hít phải khí thải xe cơ giới, chất thải công nghiệp, đối mặt với nguy cơ bị rối loạn áp huyết cao trong thai kỳ.
Thêm vào đó, bà bầu bị hen tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, khiến thai nhi tăng trưởng kém hơn và làm tăng nguy cơ sinh non.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí nghiêm trọng đối với sức khỏe sản phụ còn lớn hơn cả thói quen hút thuốc lá.
Đối với thai nhi
1. Nguy cơ trẻ sinh non
Báo cáo trên tờ Environmental International chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt bụi mịn có đường kính từ 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn (PM2.5) với các trường hợp sinh non trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, PM2.5 được xác định là yếu tố ảnh hưởng đáng kể với những trẻ sinh sớm hơn 37 tuần của thai kỳ. Năm 2010, 18% ca sinh non (khoảng 2,7 triệu ca) trên khắp thế giới là hậu quả của tình trạng bà bầu liên tục phơi nhiễm bụi mịn PM2.5.
2. Nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân
Trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ tiến hành, các bà bầu mang theo vào ban ngày hoặc để ở cạnh giường vào ban đêm một thiết bị đo không khí. Thời gian sử dụng máy đo là 48 tiếng. Kết quả cho thấy, những sản phụ sống trong vùng bị ô nhiễm không khí nặng, con chào đời có cân nặng giảm 9%, chỉ số vòng đầu giảm 2%. Điều này không xảy ra với bà bầu và thai nhi sống ở khu vực không khí trong lành.
3. Nguy cơ thai chết lưu
Thai chết lưu là tình trạng thai nhi không còn sự sống sau tuần 24 của thai kỳ. Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Occupational & Environmental (Mỹ), không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu. Các nhà khoa học thuộc Đại học Oulu, Phần Lan đã xem xét kết quả 13 nghiên cứu đã được công bố về vấn đề này. Kết quả, những sản phụ sống ở khu vực có mật độ bụi mịn cao tăng nguy cơ thai chết lưu lên 2% với mỗi 4mg/m3 bụi mịn. Nguy cơ đặc biệt cao trong tam cá nguyệt thứ 3.
4. Nguy cơ gây tổn hại cho sự phát triển tuyến giáp của thai nhi
Theo một bài báo trên website của Bệnh viện Từ Dũ, Thạc sĩ Thân Thị Mỹ Linh cho biết: "Theo một nghiên cứu mới, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở giai đoạn quan trọng của thai kỳ có thể làm tăng đáng kể nồng độ thyroxine toàn phần (T4) ở trẻ sơ sinh. Tiếp xúc chất dạng hạt rắn hoặc lỏng gây ô nhiễm không khí ở giai đoạn nửa đầu thai kỳ có thể dẫn tới những thay đổi chức năng tuyến giáp sơ sinh.
Các phơi nhiễm chất gây ô nhiễm không khí xung quanh bao gồm các loại hạt bụi siêu mịn PM2.5 (các hạt nhỏ hơn có đường kính dưới 2,5 micromet, các hạt này rất dễ đi vào đường hô hấp và tuần hoàn của con người) hoặc PM10 (các hạt có thể di chuyển vào đường hô hấp của con người với đường kính 10 micromet trở xuống), nitơ dioxid và ozon.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tuyến giáp thai nhi có thể dễ bị nhiễm độc khi phơi nhiễm PM10 trong suốt thai kỳ và phơi nhiễm PM2.5 ở giai đoạn giữa thai kỳ".
Phó giáo sư Jennifer Salmon (Đại học Auckland)
Trẻ em đặc biệt dễ hứng chịu tác động tiêu cực từ chất lượng không khí kém trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời, khi lượng tiếp xúc có thể dẫn đến nhiều thay đổi dài hạn cũng như tổn thương vĩnh viễn đối với mô phổi.
5. Nguy cơ thai nhi chậm phát triển và gặp nhiều vấn đề sức khỏe sau này
Nghiên cứu mới nhất được các nhà khoa học Bỉ công bố xác nhận sự hiện diện của muội than trong nhau thai sản phụ. Muội than là vật liệu được thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như diesel, xăng, gỗ và than đá. Chúng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Muội than đặc biệt gây hại cho mô người. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không khí ô nhiễm có mối liên hệ mật thiết với nhiều loại bệnh ung thư. Chúng có thể tàn phá tim, phổi, não và khả năng sinh sản của người.
Như vậy, có thể thấy, khi đã có mặt trong nhau thai, khả năng xâm nhập cơ thể thai nhi của muội than là hoàn toàn có thể. Điều này đồng nghĩa với việc thai nhi phải đối mặt với nguy cơ bị hạn chế phát triển trong tử cung người mẹ, có thể bị một số dị tật bẩm sinh và những vấn đề khác sau khi chào đời.
Phó giáo sư Jennifer Salmon của Đại học Auckland đưa ra nhận định: "Trẻ em đặc biệt dễ hứng chịu tác động tiêu cực từ chất lượng không khí kém trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời, khi lượng tiếp xúc có thể dẫn đến nhiều thay đổi dài hạn cũng như tổn thương vĩnh viễn đối với mô phổi".
Mẹ bầu phải làm gì để bảo vệ sức khỏe trong môi trường ô nhiễm không khí?
- Hạn chế đi ra ngoài, nhất là vào giờ cao điểm hay khu vực ùn tắc giao thông. Nếu được, hãy lựa chọn phương tiện công cộng, ô tô thay vì đi xe máy.
- Bất cứ lúc nào ra khỏi nhà, mẹ bầu đừng quên mang theo khẩu trang lọc bụi để bảo vệ hệ hô hấp khỏi khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông và khói bụi trong không khí.
- Ở nhà: Môi trường ở nhà cũng không tránh khỏi ô nhiễm nên mẹ bầu cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, hút bụi, lau chùi đồ đạc trong nhà để tránh bụi bám.
Trồng cây xanh trong nhà cũng là một cách để làm giảm ô nhiễm không khí vì cây xanh sẽ hấp thụ CO2 rất tốt, hút khí độc do đun nấu hay các chất gây ô nhiễm khác thải ra.
- Mẹ bầu nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp nhuận phổi, thanh phổi như bưởi, cam, lê… để tiêu đờm, giảm ho, hạn chế các chất kích thích.
- Khi thấy cơ thể có các triệu chứng như ho, hen suyễn hay các bệnh liên quan về đường hô hấp, mẹ bầu cần thăm khám kịp thời.