Ở các trường học Nhật Bản, người lao công không bao giờ tồn tại và đây là lý do

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Theo các nhà giáo dục Nhật Bản, trường học không phải là nơi chỉ dạy trẻ bằng những gì được viết ra từ một cuốn sách mà đó phải là nơi để dạy trẻ cách làm một "con người".

Ở Nhật Bản, tất cả các học sinh sẽ không có các kỳ thi nào cho đến khi chúng 10 tuổi. Cho đến thời điểm đó, điều được coi là quan trọng hơn đối với học sinh Nhật Bản đó là học cách sống. Chúng được dạy cách làm thế nào để “sống”, học cách chăm sóc động vật, học cách tôn trọng người khác, và cách để hiểu được bản chất của vấn đề. Trẻ em được dạy về các giá trị về sự tự chủ, trách nhiệm và công lý.
 
Tại sao các trường học tại Nhật Bản không có lao công?
 
Bởi vì đó là một phần của giáo dục và trẻ em phải được dạy cách giữ cho môi trường xung quanh mình luôn sạch sẽ. Nếu tất cả mọi người đều biết chăm sóc và tôn trọng một không gian chung nào đó, tất cả mọi người sẽ luôn được sống trong môi trường hài hòa. Các nhà giáo dục Nhật Bản tin rằng điều này sẽ dạy trẻ sự tôn trọng và trách nhiệm. Trẻ sẽ hiểu rằng làm sạch không gian chung là trách nhiệm của tất cả mọi người. Vì vậy, những đứa trẻ sẽ không xem đây là một công việc chỉ của riêng ai, chúng sẽ học được cách giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình làm sạch lớp học.
 
 Tại Nhật Bản, nhân viên lao công không bao giờ xuất hiện tại trường học, nhiệm vụ dọn dẹp là của những đứa trẻ, ngay cả khi chúng mới học tiểu học.
 
Bên cạnh đó, khi những đứa trẻ ăn trưa ở trường, chúng có trách nhiệm mang rác của mình đến khu vực tái chế và lau sạch bàn ăn trước khi chúng rời khỏi chỗ. Mỗi vỏ hộp sữa đó sẽ được mang đi tái chế. Một mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo viên và các em học sinh cũng sẽ được tạo ra khi họ cùng nhau ăn trưa tại lớp học. Và vào giờ ăn trưa, thay vì một bữa trưa được phục vụ bởi các nhân viên căng tin hay nhân viên bếp ăn thì học sinh có trách nhiệm phục vụ thức ăn cho giáo viên. Tiếp theo đó, khi bữa trưa kết thúc, khu vực ăn trưa cũng phải được làm sạch thật kỹ lưỡng để không một ai có thể nhận ra rằng đã có bất kỳ ai ăn trưa ở đó. 
 
 Trẻ sẽ phải tự phục vụ bữa trưa cho mình, cho giáo viên và sau đó dọn dẹp sạch sẽ nơi mình ăn.
 
Không chỉ có vậy, nhiều trường học còn tiến hành trồng một số loại thực phẩm trong trường và trẻ em sẽ được học cách chế biến những món ăn đơn giản, lành mạnh từ chính các loại thực phẩm đó. Một lần nữa, đó không chỉ là về thức ăn hay cách nấu ăn, đó là sự giáo dục. Một sự giáo dục đặc biệt dựa trên một cách tiếp cận đặc biệt để giúp học sinh nâng cao quyền tự chủ, trách nhiệm và khuyến khích sự phát triển của việc tự lao động một cách mạnh mẽ.
 
Những lợi ích lâu dài mà cách giáo dục này mang lại là gì?
 
Như đã nói ở trên, việc dạy cho học sinh trách nhiệm phải làm sạch nơi mình sinh hoạt là cách tuyệt vời để tạo điều kiện cho việc hình thành thói quen giữ vệ sinh môi trường. Nhưng không chỉ có vậy, hành động này khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau ở trẻ. Trẻ sẽ được dạy cách bảo vệ một không gian chung và luôn làm việc để mang lại lợi ích cho nhau. Khi cùng nhau dọn dẹp, trẻ sẽ có cơ hội để trò chuyện nhiều hơn với bạn bè của chúng, điều đó không chỉ tạo ra sự gắn kết giữa những đứa trẻ mà còn khiến việc dọn dẹp không còn là một nhiệm vụ nhàm chán.
 
Trong thực tế, điều này sẽ không chỉ được áp dụng trong việc làm sạch những không gian chung như lớp học hay căng tin, nguyên tắc này sẽ được áp dụng tương tự với các hoạt động như sơn lớp học hay trồng cây cối. Và có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dạy cho trẻ làm việc theo một nhóm sẽ giúp khi lớn lên, trẻ sẽ không bao giờ quên thói quen tốt này và chúng sẽ tiếp tục tôn trọng và chăm sóc các không gian chung xung quanh mình. Công việc này không chỉ là một nhiệm vụ ở trường học mà hơn hết, nó là tiền đề, là công cụ để tạo cho trẻ một thói quen tốt.
 
 Không chỉ tạo ra sự gắn kết mà việc dọn dẹp còn tạo ra một thói quen tốt cho trẻ tới tận sau này.
 
Michael Auslin, một cựu giáo viên tiếng Anh ở Nhật Bản đã chia sẻ trong một báo cáo của mình cho NPR rằng: "Trường học không phải là nơi mà bọn trẻ chỉ học bằng những gì được viết ra từ một cuốn sách mà đó phải là nơi để dạy cho bọn trẻ cách làm thế nào để trở thành một công dân của xã hội này và chúng phải biết cách chịu trách nhiệm cho chính bản thân chúng, cho chính những hành động của chúng”. 

Mục đích của một ngôi trường đó không chỉ là dạy chúng “học” một cách đơn thuần, mà còn là nơi dạy chúng tất cả những khía cạnh khác của cuộc sống. Trường học, phải là nơi đào tạo để trẻ “sống”. Trong tương lai, sẽ không có ai có thể thay chúng “làm sạch” môi trường sống của chính chúng, bởi vậy, sẽ tốt hơn là để chúng học làm điều đó ngay bây giờ.
 
Các bậc phụ huynh có thể học từ câu chuyện này?
 
Trẻ em cần phải được “giáo dục”. “Giáo dục” ở đây không đơn thuần chỉ là một phương tiện để phát triển trí thông minh của trẻ mà là “giáo dục” sao cho chúng có thể trở thành một người có ích - một con người biết quan tâm đến những người khác và quan tâm đến thiên nhiên. Đi học luôn là khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Trường học là nơi dạy trẻ những kỹ năng mới, dạy trẻ thói quen và đúc kết kinh nghiệm cho trẻ. Vì vậy điều chúng ta cần làm, đó là làm thế nào để những điều này, những thói quen này có thể in sâu vào trong tiềm thức của trẻ.

Trường học ở Nhật
Hãy để con được lấm bẩn, để xây lên một nhân cách con người.
 
Là cha mẹ, điều các bậc phụ huynh nên làm dành vài phút để đánh giá phương pháp này trong việc giáo dục trẻ. Cha mẹ phải hiểu rằng trẻ cũng cần được tôn trọng, cần có trách nhiệm và đối xử công bằng một cách có định hướng. Đừng chỉ tập trung phát triển, cải thiện trí thông minh của trẻ mà bỏ quên việc phát triển nhân tính của trẻ. Có thể, cha mẹ sẽ không muốn con mình phải lau sàn nhà, dọn món ăn hay thu dọn rác vì nghĩ đó là một hành động vô bổ nhưng chắc chắn rằng, cha mẹ nào cũng muốn con mình trở thành một con người toàn diện. Vậy thì, hãy nhớ rằng, trẻ sẽ không thể trở nên toàn diện nếu bố mẹ lãng quên điều đó. Hãy để con được lấm bẩn, để xây lên một nhân cách con người.
 
Nguồn: Lifehack
Chia sẻ