Những đứa trẻ khi lớn lên có cuộc sống dễ bị cô lập, xa lánh đều có chung 5 tính cách xấu này từ nhỏ
Ngay từ nhỏ, nếu một đứa trẻ có những thói hư tật xấu nhưng không được bố mẹ uốn nắn, nó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới cuộc sống của chúng sau này.
Lịch sự là phép tắc cơ bản bất kỳ ai cũng phải biết. Nếu một người ngay cả điều tối thiểu này cũng không biết, họ dễ bị người khác ghét bỏ, xa lánh.
Johann Wolfgang von Goethe, một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới từng nói rằng: "Phép lịch sự là tấm gương phản chiếu chân dung của người đó".
Chính vì thế, một đứa trẻ nếu biết lễ phép, chúng sẽ dễ dàng để lại ấn tượng tốt với người khác, con đường thăng tiến trong tương lai thuận lợi hơn. Mặc dù có rất nhiều thứ cần giáo dục con cái nhưng đối với những phép tắc cơ bản nhất, nếu thấy trẻ không biết hoặc có dấu hiệu hư hỏng, bố mẹ cần uốn nắn, chỉnh đốn ngay. Sau đây là những dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ sống không biết phép tắc, bố mẹ hãy chú ý:
1. Không có chính kiến riêng
Một đứa trẻ không biết phân biệt đúng sai, không có chính kiến riêng mỗi khi đưa ra lựa chọn, chúng giống như một ngọn cỏ, gió chiều nào theo chiều ấy. Nếu trẻ có tính cách này, lớn lên thường trở thành một người không có lập trường, dễ bị người khác chán ghét, không đáng tin cậy để kết bạn.
Mặc dù điều này có thể bố mẹ không quá chú trọng khi trẻ còn nhỏ nhưng một khi để hình thành thói quen trong thời gian dài, sau này trẻ sẽ rất khó để thay đổi. Khi thấy con mình không biết đưa ra ý kiến riêng của bản thân, bố mẹ nên khuyến khích chúng cần nói lên suy nghĩ của mình thay vì nghe theo lời của người khác.
2. Không biết ơn
Có không ít những đứa trẻ dường như rất thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Chúng chẳng bao giờ lắng nghe sự góp ý của bố mẹ hay thầy cô, thản nhiên thích gì làm nấy, mặc kệ mọi người có ngăn cản như thế nào.
Những đứa trẻ như vậy thường không biết ơn với những gì người khác làm cho mình. Với tính cách này, hiển nhiên khi ra đời, tiếp xúc với xã hội chúng sẽ bị mọi người xa lánh. Chẳng có ai thích làm bạn hay tiếp xúc với một người vô ơn, sống không biết điều cả.
3. Luôn mất bình tĩnh, không kìm chế được cảm xúc
Mỗi khi đi siêu thị, chúng ta có thể bắt gặp cảnh một đứa trẻ khóc lóc, vòi vĩnh bố mẹ mua đồ chơi. Nếu bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, chúng sẽ thản nhiên nằm ăn vạ, làm ồn ào, gây mất trật tự khiến đám đông hiếu kỳ xúm lại nhìn. Đương nhiên, điều này sẽ khiến bố mẹ cảm thấy xấu hổ. Nếu bố mẹ vẫn kiên quyết nói không, trẻ sẽ hiểu không phải thứ gì mình muốn cũng đều được đáp ứng. Ngược lại, nếu bố mẹ chiều trẻ, chúng sẽ hiểu chỉ cần mình khóc lóc, làm loạn lên thì sẽ có được thứ mình muốn.
Nếu bỏ qua yếu tố chiều chuộng của bố mẹ, một đứa trẻ khi không làm chủ được cảm xúc của mình, thường mất bình tĩnh, khi lớn lên với tính cách này cũng khiến cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu.
4. Quá kiêu ngạo, coi thường mọi người
Tự tin là một tính cách rất cần thiết ở trẻ nhưng tự tin quá mức sẽ biến thành kiêu ngạo. Những người kiêu ngạo thường cho mình là trung tâm của vũ trụ, đề cao bản thân và hay coi thường người khác. Một đứa trẻ như vậy rất khó để kết bạn, đặc biệt khi lớn lên thường bị người khác đánh giá thiếu hiểu biết.
Trên thực tế, dù trẻ còn nhỏ hay đã lớn, chẳng có ai thích làm bạn với một người kiêu ngạo cả. Vậy nên nếu thấy con mình có dấu hiệu kiêu ngạo, bố mẹ cần phải kịp thời thay đổi, nếu không trẻ rất dễ bị cô lập sau này.
5. Quá mê tiền
Nguyên nhân của việc trẻ hình thành thói quen mê tiền hơn tất cả có lẽ ảnh hưởng từ bố mẹ mình. Một người nếu không cưỡng lại sức cám dỗ từ đồng tiền có thể khiến họ bán rẻ nhân phẩm, không từ thủ đoạn nào để kiếm được tiền.
Mặc dù ai cũng thích tiền nhưng nó vẫn chỉ là công cụ trao đổi của con người, một đứa trẻ cần có quan niệm đúng đắn về tiền bạc. Nếu coi tiền là tất cả, trẻ có thể dễ nảy sinh những tật xấu như ăn trộm tiền chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
Bố mẹ nên làm thế nào để giáo dục con mình?
- Trở thành tấm gương tốt cho trẻ noi theo
Bố mẹ là người tiếp xúc nhiều nhất với con mình. Chính vì thế, những thói quen, hành vi, lời nói của bố mẹ đều tác động trực tiếp đến con cái. Nếu muốn con mình biết tôn trọng người khác, hiếu thảo với người lớn tuổi, không có tật xấu… bản thân bố mẹ trước tiên cũng phải trở thành một người như vậy để con mình noi theo.
- Đúng thì khen, sai thì phạt
Khi dạy dỗ con cái, bên cạnh những hình phạt, bố mẹ cũng cần phải khích lệ, động viên con mình cố gắng hơn mỗi khi chúng làm tốt điều gì đó.
- Để trẻ tự vấp ngã, tự đứng dậy
Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, bố mẹ cũng không thể ở bên cạnh con cái mãi mãi. Vì thế, khi con cái vấp ngã, mỗi sai lầm đều là cơ hội để chúng trưởng thành hơn. Bố mẹ hãy để con mình suy ngẫm lý do tại sao bản thân lại thất bại và học cách đứng lên như thế nào. Một đứa trẻ có thể dũng cảm đứng lên từ thất bại, chắc chắn tương lai sẽ dần tốt đẹp hơn.
- Cho trẻ làm việc nhà ngay từ nhỏ
Một nghiên cứu kéo dài 20 năm của Đại học Harvard cho thấy, những đứa trẻ thích làm việc nhà có tỷ lệ xin được việc làm cao hơn 15 lần so với những đứa không thích làm việc nhà. Ngoài ra, thu nhập của chúng cũng cao hơn 20%, hôn nhân cũng hạnh phúc hơn.
Một đứa trẻ biết tự lập sớm không chỉ khiến bố mẹ nhàn hơn mà còn rất tốt cho bản thân của chúng. Vì vậy, ngay từ nhỏ bố mẹ nên khuyến khích và bày cho trẻ làm việc nhà nhiều hơn, bắt đầu từ việc dọn dẹp đồ chơi, sắp xếp quần áo, lau dọn bàn ghế…
Nguồn: Aboluowang, Zhihu