Trẻ có 3 dấu hiệu này khi ngủ khiến cha mẹ lo lắng nhưng lại chứng tỏ não bộ phát triển tốt
Có một số dấu hiệu rất kỳ lạ nhưng chứng tỏ trẻ có IQ cao, nếu hiểu đúng cha mẹ có thể giúp con phát triển tự nhiên một cách tốt nhất.
Giáo sư Lý Mỹ Kim hiện là chuyên gia tâm lý học tại Đại học Công an nhân dân Trung Quốc. Bà chuyên nghiên cứu tâm lý học tội phạm vị thành niên và cũng có những sự hiểu biết rất sâu sắc trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, những quan điểm giáo dục của bà được đông đảo bậc cha mẹ ở Trung Quốc công nhận.
Trong một chương trình trên TV, bà từng nói rằng: "Có 3 phản ứng trong khi ngủ của một đứa trẻ là tín hiệu chứng tỏ não bộ đang phát triển nhanh, tương lai sẽ rất thông minh".
Một nghiên cứu của Đại học College London đăng trên trang Daily Telegraph cho thấy, nếu một đứa trẻ không thể chìm sâu trong giấc ngủ lúc 10h đêm, chỉ số IQ của chúng thường rất thấp. Khoa học cũng đã chứng nhận, nếu thời gian ngủ của một người không đều đặn, nó không chỉ làm rối loạn nhịp điệu sinh học tự nhiên của cơ thể, mà còn hạn chế khả năng tiếp nhận và lưu trữ thông tin của não bộ.
Những thói quen sinh hoạt không tốt có thể tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một đứa trẻ. Quá trình nghiên cứu này được tiến hành trên 11.000 đứa trẻ 7 tuổi, các nhà khoa học theo dõi lịch trình sinh hoạt trong suốt thời thơ ấu, đồng thời họ cũng nhận ra một số sự khác biệt liên quan tới IQ của những đứa trẻ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ từ 3 đến 6 tuổi nếu không đi ngủ đúng giờ sẽ có IQ thấp. Điều này được cho là do từ 3 đến 6 tuổi chính là thời kỳ vàng để phát triển trí não của trẻ. Trong đó, người ta cũng nhận ra 3 dấu hiệu chứng tỏ trẻ có IQ cao, thể hiện rõ thông qua giấc ngủ.
1. Vừa ngủ vừa mỉm cười
Bất cứ người mẹ nào cũng đều thích quan sát con mình khi đang ngủ, thỉnh thoảng họ lại thấy khóe miệng con mình đang nhếch lên như đang cười, có lẽ đứa trẻ đang mơ một giấc mơ ngọt ngào chăng?
Sự thật là khi trẻ cảm thấy hài lòng mọi thứ, ăn no, bỉm khô ráo, vỏ não sẽ tiếp nhận sự dẫn truyền của dây thần kinh, điều nãy dẫn tới hiện tượng trẻ mỉm cười khi ngủ.
Hành động mỉm cười khi ngủ có liên quan trực tiếp đến các dây thần kinh, trong khi não bộ nắm vai trò kiểm soát tất cả, nên ít nhiều nó cũng tác động tới não bộ. Do đó, hành động mỉm cười này chứng tỏ não bộ của trẻ đang hoạt động rất tốt.
2. Đạp tung chăn
Hầu như người mẹ nào cũng lo lắng ban đêm con không đắp chăn sẽ bị cảm lạnh. Trên thực tế, việc đạp tung chăn khi ngủ là một biểu hiện có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ.
Trong giai đoạn trẻ sơ sinh và mới biết đi, tay chân của trẻ vẫn còn yếu, chưa thể hoạt động nhiều được. Hành động đạp tung chăn vào ban đêm chưa hẳn là đứa trẻ nghịch ngợm, mà điều đó có nghĩa là cơ chân của trẻ đang phát triển tốt.
Ngoài ra, còn một lý do khác giải thích cho hiện tượng này là có liên quan tới khả năng nhận thức của bé đang được cải thiện, cha mẹ không cần phải quá lo lắng. Khi nằm ngủ cùng một tư thế trong thời gian dài, khí huyết của cơ thể bị cản trở, gây tê mỏi. Khi cơ thể khó chịu, trẻ sẽ tự điều chỉnh tư thế sao cho thoải mái nhất. Điều này chứng tỏ não bộ đang chi phối cơ thể một cách linh hoạt.
3. Nhạy cảm với những tiếng động khi ngủ
Có một số đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm khi ngủ, bất kỳ tiếng động nhỏ nào cũng khiến chúng tỉnh giấc hoặc có phản ứng lại. Việc chăm sóc một đứa trẻ như vậy đôi khi sẽ khiến cho người mẹ cảm thấy rất mệt mỏi vào ban đêm.
Tuy nhiên, bạn nên hạnh phúc khi có một đứa con như vậy, bởi vì điều này chứng tỏ trẻ có nhận thức rất tốt về những thay đổi bên ngoài. Khi cơ thể truyền những thay đổi mà nó cảm nhận được đến não bộ, não sẽ xử lý nhanh và tạo ra những phản ứng tức thì. Khả năng cảm nhận tuyệt vời này có thể cho thấy não bộ của trẻ đang phát triển cực kỳ tốt.
Cha mẹ cần chú ý nếu con mình có giấc ngủ kém
Sau khi trẻ bước vào trạng thái ngủ sâu, não bộ bắt đầu tiết ra hormone tăng trưởng để kích thích sự phát triển của xương và cơ. Thời điểm vàng này chính là trong khung giờ từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng, nếu trẻ ngủ muộn, ngủ kém, chưa vào giấc ngủ sâu, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chiều cao.
Não bộ là cơ quan cần được nghỉ ngơi nhiều, nếu nó không được nghỉ ngơi đầy đủ thì ảnh hưởng không nhỏ đến trí thông minh của trẻ. Hơn nữa, nếu ngủ không ngon giấc, hôm sau trẻ sẽ dễ bị mất tập trung khi học, mệt mỏi, đương nhiên học hành sẽ thua kém các bạn khác và chúng cảm thấy mình không thông minh.
Ảnh hưởng của giấc ngủ kém còn khiến cho trẻ dễ cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, ảnh hưởng đến việc học và cả giao tiếp với mọi người.
Nguồn: Sohu, Sina