Những món đồ chơi đan len của ngoại theo suốt tuổi thơ con
Bà ngoại không chỉ tự tay móc len mà còn thổi vào những món đồ chơi tình yêu thương dành cho cháu của mình.
Có một niềm hạnh phúc mang tên lớn lên trong tình yêu thương của ông bà. Ngoài cha mẹ thì ông bà chính là những người thương yêu con cháu nhất, dù tình yêu ấy được thể hiện theo một cách nghiêm khắc hay bao dung.
Bà Ngoãn (59 tuổi, sống tại Lâm Đồng) ngày ngày lên mạng mày mò học thử để móc những con thú cơ bản nhất. Những con vật ban đầu trông chưa đẹp mắt vì chưa quen tay, thế nhưng mỗi ngày bà lại cố gắng thêm một chút. Nghĩ đến việc cháu gái gần 3 tuổi tên Đậu của mình sẽ thích thú thế nào khiến bà Ngoãn có thêm động lực để tỉ mỉ móc len.
Những món đồ xinh yêu bà tự tay làm cho cháu gái.
Chị Nhi, mẹ của em bé Đậu tâm sự, từ ngày mẹ mình biết móc len thì mọi đồ chơi trong nhà của em bé đều được bà ngoại tặng. Từ những con gấu, chú thỏ, cái túi xách... bà ngoại đều làm cho bé Đậu.
"Hồi đấy mình định học móc thú len vì xinh quá nhưng do bận bịu nên tặng lại toàn bộ đồ cho bà ngoại. Bà đã mày mò và học từ những bước đầu tiên, cho tới bây giờ thành quả khiến ai cũng ngỡ ngàng. Chuyện vui là đã có lần bà móc con mèo nhưng mình lại tưởng là con chuột, nhưng đến bây giờ thì ngoại móc len cực kỳ xịn sò rồi.
Những món đồ xinh đẹp tặng cháu.
Ban đầu thành phẩm có chưa đẹp nhưng bé Đậu nhà mình rất thích. Thấy vậy, ngoại càng có thêm động lực để học móc mỗi ngày, còn chịu khó đọc thêm trong sách để làm thêm nhiều hình xinh xắn nữa. Ngoài những con thú, ngoại hay móc cả đầm, váy, bộ đồ chơi rau củ cho em bé trông rất đáng yêu mà lại an toàn", chị Nhi tâm sự.
Nhờ có bà ngoại, em bé Đậu có nhiều món đồ chơi độc lạ và rất an toàn. Hơn nữa, chị Nhi cũng đỡ một khoản chi phí lớn trong việc sắm đồ chơi cho con bởi em bé rất mê những món đồ bà ngoại tặng.
Mỗi món đồ chơi đều được gửi gắm tình yêu của bà ngoại.
"Ngoài đồ chơi móc len, mình cũng muốn con phát triển trí tưởng tượng nên để con tự biến những thứ quen thuộc thành món đồ chơi. Ví dụ sách kê làm bếp, giấy làm tiền, bà nội cho chảo mini thì dùng để "nấu ăn" đồ ngoại móc. Với đồ móc len mình đều cho vào túi lưới và giặt máy vì nhiều quá không thể giặt tay hết được. Sau khi giặt xong thì hôm nào nắng to sẽ đem ra phơi, không thì sẽ sấy luôn trong máy sấy. Bà ngoại nhồi len chắc tay nên cũng không sợ bị xẹp sau khi vệ sinh và sấy", chị Nhi chia sẻ.
Những món đồ chơi này sẽ đi theo suốt tuổi thơ của em bé Đậu, là tình yêu của bà ngoại gửi gắm vào cháu của mình.