Những điều bố mẹ cần lưu ý khi bé đi nhà trẻ
Bỏ rơi bé trong thời gian bắt đầu nhập học là cách giải quyết không ổn, càng khiến bé khó hòa nhập hơn.
Sau 4 tháng bạn phải trở lại với công việc, bạn phải giao con cho người khác, có lúc bạn sẽ phải quay mặt nhanh để con không nhận ra bạn đang khóc. Những lúc bạn đi công tác mấy hôm, xa con và cảm thấy trống trải và rồi sẽ tới lúc bé dò dẫm từng bước đi nhà trẻ, bước vào lớp 1 rồi đại học,…
Lúc này bạn phải nhận ra một điều rằng con có thế giới của riêng mình và con đã thành người lớn rồi. Bạn hãy lên một kế hoạch hoàn chỉnh để giúp con làm quen với môi trường bé nhỏ đầu tiên của con: nhà trẻ.
Tăng sức đề kháng cho con
Bạn cần chú ý đến lượng dinh dưỡng thu nạp vào người con, những thực phẩm tăng sức đề kháng cho con như: súp lơ, củ cải, khoai tây, đu đủ, cam quýt, cá, thịt gà… Bữa ăn càng đa dạng, sức đề kháng của con càng được cải thiện.
Ngoài ra nên bổ sung vitamin và khoáng chất để bé có sức đề kháng tốt chuẩn bị cho môi trường mới (Bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ).
Nói chuyện về trường lớp hàng ngày với con
Sau khi bạn đã làm xong những việc chính như cơm nước, tắm cho con, cho con ăn xong,... bạn nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, kể cho con nghe về môi trường tập thể, hỏi han con về trường lớp.
Chị Hàn Lan (Quận 3, TP HCM) tâm sự rằng, trước và sau khi con đi học, ngày nào chị cũng nói chuyện, tỉ tê với con về chuyện trường lớp. Cứ tối đến, bé Lê (3 tuổi) cũng làm cô giáo dạy bố mẹ. Vì thế, Lê rất thích đến lớp mỗi ngày.
Một khi đã tìm được trường lớp tốt, bạn nên thả lỏng mình và tạm an tâm tin tưởng
vào sự giáo dục của thầy cô. (Ảnh minh họa)
Giúp con có thời gian thích nghi với môi trường mới
Hiện nay, cha mẹ đang làm “hư con” khi nuông chiều con quá đà. Thấy con thường khóc thét mỗi lần đi học về hoặc xanh xao, “bụng mềm” vì ăn ít, không hợp khẩu vị ở lớp, phụ huynh ngay lập tức cho con nghỉ học ở nhà để tẩm bổ. Làm như vậy, bé sẽ rất khó thích nghi với môi trường nhà trẻ.
Chị Thu Hương (Bà Triệu, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Từ khi bé Bún được 2 tuổi, cả nhà động viên chị cho con đi học nhưng vì lo lắng thái quá nên chị nhất quyết “khi nào Bún ‘chín’ mới cho đi”. Rồi 3 tuổi, thấy con rụt rè, khép kín, chị mới đánh liều đưa con đi học.
Ngày đầu tiên, cả hai mẹ con ôm nhau khóc rưng rức. Khi bước chân xuống cầu thang lớp con, chị không đi nổi. Anh xã phải kéo về, chị mới về.
Chiều đó, 2 giờ chị đã lò dò đến đón con, thấy Bún xanh xao mệt mỏi, chị tá hỏa ôm con về và tuyên bố: “Không học hành gì sất, con ốm rồi”. Thế rồi bây giờ bé đã 4 tuổi nhưng chẳng chịu quen trường lớp, chị tập kiểu gì bé cũng khóc đòi về, có hôm thì... tuyệt thực để mẹ xót.
Không bỏ mặc con
Ngược lại với trường hợp trên đó là việc cha mẹ nghĩ: “Cứ giao cho cô, kiểu gì con cũng vào nếp”. Cách này vô tình cha mẹ khiến bé không yên tâm, sợ càng sợ, bé càng mệt mỏi hơn.
Chị Hoa Lý (Kim Ngưu, Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn rằng, muốn bé nhanh chóng làm quen với môi trường nhà trẻ thì trước tiên bố mẹ cần phải cho bé làm quen với môi trường này trước khi chính thức đi học. Chẳng hạn, hàng ngày chở bé đến trường mới chơi, tham quan, chỉ cho bé thấy đi học sẽ vui như thế nào, nhiều bạn bè, đồ chơi ra sao… Có nghĩa là cha mẹ phải tạo cho con cảm giác thân quen khi tới trường.
Bỏ rơi bé trong thời gian đầu là cách giải quyết không ổn, càng khiến bé khó hòa nhập hơn.
Tìm hiểu kỹ về nơi gửi con
Trách nhiệm của bậc phụ huynh là phải tìm hiểu thật kỹ về môi trường con mình học như lịch sinh hoạt của con ở trường, khuôn viên trường, biết con chơi gì, học gì, ăn gì... để tổ chức nếp sinh hoạt tại nhà cho trẻ không khác nhiều ở trường.
Điển hình như việc, bé vào lớp biết xếp giầy dép vào kệ, cởi áo treo lên giá, chủ động rửa tay trước khi ăn, chào hỏi thưa gửi lễ phép... thì khi về nhà, bố mẹ cũng nên nhắc bé làm những việc như vậy. Điều này giúp bé thấy được sự thống nhất trong giáo dục.
Tin tưởng vào các cô giáo
Một khi đã tìm được trường lớp tốt, bạn nên thả lỏng mình và tạm an tâm tin tưởng vào sự giáo dục của thầy cô. Thầy cô giáo ở lớp sẽ có những kinh nghiệm, kỹ năng đặc biệt để “huấn luyện” bé.
Liệu đến lúc nào con bạn mới lớn lên và tự lập hơn? Ở độ tuổi từ 5 đến 12, con bạn có xu hướng lớn hơn và độc lập hơn.