Những câu hỏi thường gặp nhất của cha mẹ về việc tiêm chủng cho bé
Có rất nhiều vấn đề xung quanh việc tiêm chủng cho con khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng.
Vắc-xin có thể cứu mạng sống của con người, giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nguy hiểm hoặc nguy cơ bị tử vong, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch đang phát triển. Nếu không tiêm chủng hoặc dùng vắc-xin, bé còn có thể bị tổn hại về sức khỏe hơn nhiều do một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Vắc-xin giúp hệ miễn dịch của bé tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số bệnh cụ thể. Từ đó, nếu vi-rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể bé sau này, hệ miễn dịch của con sẽ nhận diện được và biết cách chống lại.
Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc của bố mẹ về tiêm chủng cho con của tổ chức Unicef Việt Nam (một trong 190 văn phòng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trên toàn thế giới và thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam).
1. Liệu cơ thể của con có tiếp nhận được tất cả các loại vắc-xin?
Rất nhiều cha mẹ băn khoăn rằng trong những năm đầu đời, con phải tiêm chủng quá nhiều, đặc biệt có những lần tiêm liền 2, 3 mũi. Như vậy liệu bé có tiếp nhận được hết các mũi tiêm và những vắc xin này có phát huy hết tác dụng của chúng.
Câu trả lời là "Có". Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nhiều vắc-xin có thể làm quá tải hệ miễn dịch của trẻ. Nhưng trẻ em tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng hàng ngày. Thực tế là, bị cảm lạnh hay đau họng sẽ tạo áp lực lớn hơn đến hệ miễn dịch của con bạn hơn là tiêm chủng.
2. Vắc xin có làm con bị ốm?
Vắc-xin cực kỳ an toàn, những tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin rất hiếm. Hầu hết các triệu chứng ốm mệt hay khó chịu sau khi tiêm vắc-xin rất nhẹ và tạm thời, ví dụ như hơi đau nhức ở nốt tiêm hoặc sốt nhẹ. Những triệu chứng này có thể được kiểm soát bằng việc dùng thuốc giảm đau do bác sỹ kê, hoặc đắp khăn lạnh lên nốt tiêm. Nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng, cha mẹ cần phải hỏi bác sỹ hoặc nhân viên y tế.
3. Có nên trì hoãn tiêm chủng hay không?
Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ là tuân thủ theo lịch tiêm chủng ở quốc gia mà bạn sinh sống. Nếu bạn trì hoãn và chậm không đưa con đi tiêm vắc-xin, bạn sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh cho con mình.
4. Dịch bệnh không có ở nơi tôi ở, vậy có cần tiêm chủng loại bệnh đó cho con?
Bạn vẫn cần phải tiêm chủng cho con. Mặc dù những bệnh này có thể đã được xóa sổ ở quốc gia hay khu vực bạn đang sinh sống, nhưng chúng ta đang sống ở một thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, điều này nghĩa là dịch bệnh có thể lan từ nơi này sang nơi khác.
5. Vắc-xin có thể phòng ngừa những bệnh gì?
Vắc-xin bảo vệ con bạn khỏi những bệnh nguy hiểm như bại liệt – căn bệnh có thể gây liệt; bệnh sởi – căn bệnh có thể gây viêm não và mù; và bệnh uốn ván – có thể gây co cứng cơ kèm theo đau và khó nhai, khó bú (ở trẻ sơ sinh) và khó thở. Một số bệnh nguy hiểm khác cũng có thể đề phòng bằng vắc xin như rubella, quai bị, sởi, các bệnh phế cầu khuẩn.
6. Những mũi tiêm chủng nào nên được lưu tâm?
Vắc-xin giúp bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi các bệnh truyền nhiễm cao có nguy cơ gây tử vong. Dưới đây là danh sách các loại vắc-xin được hầu hết các chính phủ và bác sĩ khuyên dùng để bảo vệ trẻ em và người dân khỏi dịch bệnh.
- Lao (BCG): Lao là một bệnh lý do vi trùng gây ra. Vi trùng thường tấn công phổi, phần lớn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy bệnh lao phổi thường gặp nhất, nhưng bạn cũng có thể mắc bệnh lao ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ như não).
- Viêm gan B: là một bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn lây lan qua đường máu và tình dục. Khi mắc bệnh từ thuở nhỏ, người bệnh phần lớn không có triệu chứng nào trong nhiều thập kỉ. Viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau này.
- Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do virus gây nên. Virus Polio có thể gây bại liệt 1 trong 200 người bị nhiễm.
- Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, thường xảy ra ở niêm mạc của mũi và họng, khiến trẻ khó thở hoặc nuốt.
- Uốn ván là chứng bệnh làm co giật căng cứng các bắp thịt. Uốn ván có thể khiến cổ và hàm của trẻ bị cứng lại, gây ra tình trạng khó mở miệng, khó nuốt (khi bú) hoặc khó thở.
- Ho gà gây ra những cơn ho có thể kéo dài hàng tuần. Trong một số trường hợp, ho gà có thể dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi, và tử vong.
- Các bệnh phế cầu khuẩn: Các bệnh phế cầu khuẩn bao gồm những bệnh nghiêm trọng như viêm màng não và viêm phổi đến những bệnh nhẹ hơn nhưng phổ biến hơn như viêm xoang và viêm tai.
- Virus Rota gây tiêu chảy nặng và nôn, dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải và sốc ở trẻ nhỏ, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị ngay, đặc biệt là không được bù nước ngay.
- Sởi là bệnh có tính lây nhiễm nhanh với các triệu chứng như sốt, chảy nước mũi, nổi hạt trắng phía trong miệng, phát ban trên da. Bệnh nặng có thể gây mù lòa, viêm não và tử vong.
- Quai bị có thể gây ra đau đầu, khó chịu, sốt và viêm tuyến nước bọt. Biến chứng của quai bị có thể dẫn đến viêm màng não, viêm tinh hoàn và điếc.
- Nhiễm Rubella ở trẻ nhỏ và người lớn thường nhẹ, nhưng ở phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai, phôi thai chết, tử vong trẻ sơ sinh hay dị tật bẩm sinh.
- Virus HPV: Virus papillomavirus ở người thường không có triệu chứng, nhưng một số loại có thể gây ra ung thư tử cung – loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ.