Những bệnh thai kì ảnh hưởng tới mắt mẹ bầu
(aFamily.vn) - Triệu chứng co động mạch cũng có thể xuất hiện trong thời gian mang bầu và đó chính là hiện tượng nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ.
Trong quá trình mang thai từ tháng thứ 2 đến khoảng tháng thứ 8, mẹ bầu có thể gặp triệu chứng nhìn không rõ các đồ vật ở gần. Đây có thể là do lỗi khúc xạ nhẹ hoặc do phù nề giác mạc. Do ảnh hưởng của lượng progesterone, đó chính là sự bốc hơi nước trong thời gian mang thai khiến tuyến lệ hoạt động ít hơn và mắt trở nên khô cộng với sự phù nề nên vấn đề viêm mí mắt dễ xảy ra.
Bên cạnh những vấn đề trên thì một số thay đổi về lượng hormone trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng đến sắc tố da, bao gồm cả các sắc tố vùng mí mắt và người mẹ mang thai sẽ cảm thấy mắt mình bị thâm quầng. Tuy nhiên, các bà bầu không cần quá lo lắng bởi hiện tượng này sẽ chấm dứt sau khi sinh con.
Triệu chứng co động mạch cũng có thể xuất hiện trong thời gian mang bầu và đó chính là hiện tượng nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ. Ở giai đoạn này, bà bầu có thể gặp phải vài triệu chứng như động mạch thần kinh thị giác, bong võng mạc…
Với các mẹ bầu bị tăng huyết áp
Sau khi sinh, cơ thể thay đổi nên những mẹ bầu có tiền sử bị tăng huyết áp cần phải rất cẩn thận bởi trong giai đoạn này, các mạch máu tại võng mạc mắt có thể bị biến chứng dẫn đến hiện tượng mờ mắt.
(Ảnh minh họa)
Với mẹ bầu bị tiểu đường
Nếu bạn bị tiểu đường trước khi mang thai thì sau khi mang thai cần phải cẩn thận và kiểm soát chặt chẽ lượng đường hấp thu vào cơ thể. Lúc đó, nếu cơ thể buông lỏng việc hấp thu đường thì căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng, chẳng hạn như bị tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, nheo mắt hoặc mắc các bệnh về võng mạc.
Ngoài ra khi mang thai, do sự gia tăng lượng máu trong cơ thể nên thai phụ dễ bị mắc các khuyết tật về thị giác gây ảnh hưởng đến tầm nhìn.
Vì sao mẹ bầu dễ bị cận thị?
Có một điều thường thấy là mẹ bầu hay bị cận thị. Trong thực tế, tỷ lệ người bị cận thị có mối liên hệ với việc di truyền. Tuy nhiên, căn bệnh cận thị cũng không thể tách rời các mối quan hệ về môi trường.
Đặc biệt là những mẹ bầu có thị lực mắt không tốt, võng mạc bị thoái hóa, trở nên yếu ớt trước những tác động cơ học. Một trong những tác động đó chính là quá trình sinh nở. Việc rặn đẻ sẽ tạo ra một áp lực rất lớn đến sản phụ, tăng nguy cơ bong võng mạc ở sản phụ.
Mẹ bầu nên bảo vệ mắt như thế nào?
1. Kiểm tra mắt thường xuyên
Khi mang thai, bên cạnh việc đi khám thai định kỳ để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên kiểm tra mắt thường xuyên. Khi nhận thấy mắt có bất cứ dấu hiệu gì bất thường, mẹ bầu cũng nên đến gặp bác sĩ và tiến hành kiểm tra để có những lời khuyên cũng như cách điều trị sớm nhất.
2. Chú ý bổ sung vitamin
Vitamin sẽ hỗ trợ giúp sáng mắt và là chất vô cùng cần thiết với phụ nữ mang thai. Đây là lý do mà khi mang bầu, chị em phụ nữ thường được khuyên là nên ăn nhiều loại rau màu xanh lá cây, hoa quả có màu vàng, màu cam và màu đỏ… bởi đây là những loại rau củ chứa lượng vitamin vô cùng phong phú.
3. Chú ý khi dùng thuốc nhỏ mắt
Rất nhiều phụ nữ khi mang thai vẫn tiếp xúc và làm việc nhiều với máy tính. Khi mỏi mắt, những phụ nữ này thường dùng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng đây là hành động không khoa học. Hầu hết các chất kháng khuẩn trong thuốc nhỏ mắt đều có chứa hormone và nó có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho thai nhi.
4. Mẹ bầu không nên trang điểm quanh mắt
Để tránh gây ảnh hưởng đến tuyến lệ, mẹ bầu khi mang thai nên hạn chế trang điểm mắt để đôi mắt luôn được khỏe mạnh.
Với mẹ bầu, việc ăn các loại rau củ quả hàng ngày còn giúp con bạn được thông minh và xinh đẹp hơn.