Nhẹ người khi con vào học trường công
Rốt cuộc, sau 2 năm cân nhắc, đưa lên đặt xuống và 3 tháng lượn lờ gần 20 ngôi trường chuyên, trường tư, quốc tế lớn bé khắp thành phố, con tôi lại về học trường công gần nhà, chỉ cách mấy bước chân.
Từ năm học 2014-2015, một người bạn của tôi sẽ bắt đầu một ngày của mình bằng quãng đường 10 cây số để đưa cô con gái 6 tuổi đi học, sau đó vòng lại cơ quan mình cách đó 5 cây số. Buổi chiều lại tiếp tục như vậy, ít nhất trong 5 năm tới. Một người bạn khác, với mức thu nhập trung bình hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/ tháng, vừa chạy đôn chạy đáo khoản tiền bằng ba tháng làm việc của cả hai để chạy trường cho con, vì trường gần nhà lại là trường trái tuyến. Từ cách đây một tháng, đôi vợ chồng nhà hàng xóm đã chấm dứt những buổi tối đi dạo vui đùa dưới chân khu tập thể, tối nào cũng dắt con đi học thêm.
Con vào lớp 1 – quãng đời đau khổ của cha mẹ bắt đầu. Đó có lẽ là dòng chữ được dán lên trán của nhiều ông bố bà mẹ có con sắp vào lớp 1, đính kèm những tiếng thở dài hay lắc đầu ngao ngán khi bàn về chuyện học của con.
Từ cách đây 2 năm, tôi và chồng đã ấp ủ dự định cho con học một trường chuyên nổi tiếng của thành phố, nơi chúng tôi có người quen làm ở đó, có thể xoay xở một suất. Giáo viên giỏi, môi trường tốt để học hành, con sẽ chú trọng việc học… Mình chịu khó đưa đón vất vả một chút, nhưng có lợi cho tương lai con sau này. Không lẽ chỉ vì ngại đường xa, mà để cho học một trường làng nhàng, tương lai không đi tới đâu? Nhiều đêm, chúng tôi nhìn con chìm vào giấc ngủ và lên dây cót tinh thần cho nhau như vậy.
Thế nhưng, lần đầu tiên đến trường tìm hiểu cách đây 3 tháng, tôi đã toát mồ hôi hột cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không biết tương lai tươi sáng rộng mở của con tôi đâu, nhưng con đường đi tới trường chật chội, tắc ngẽn và dài ngoẵng tận 12 cây số. Buổi sáng thì còn cố gắng dậy sớm, đưa con đến trường rồi phóng như bay về công ty, nhưng buổi chiều, làm sao để đưa đón con? Ok, có thể trốn sếp đi đón con từ 4h, đưa con về cơ quan rồi làm việc tiếp, nhưng làm sao để… ngày nào cũng trốn???
Thế là, sau mấy tháng lùng sục khắp nơi, chúng tôi rón rén về tìm hiểu trường tiểu học gần nhà. Chúng tôi thở phào, không phải mọi trường công đều như lời đồn đại. (Ảnh minh họa)
Không thể bỏ cuộc, hai vợ chồng bắt đầu nghĩ cách. Hay là cho thuê nhà mình đi, xuống gần trường con thuê nhà ở. Không thể vì nhà xa mà để tương lai của con làng nhàng – chúng tôi lại tự lên dây cót cho mình. Nhưng sau hai tuần chiều nào cũng đi lùng sục nhà, chúng tôi bỏ cuộc. Xung quanh trường của con có rất ít nhà thuê tốt, nhà tạm được thì giá trên trời, còn lại là những nhà trọ kiểu sinh viên bé tí, chật chội.
Nếu không phải trường chuyên thì cũng phải là trường tư chất lượng cao nào đó! Không thể nhét con vào trường công 60 đứa một lớp, chen chúc lúc nhúc như bầy lợn con, rồi suốt ngày phải cắm mặt đi học thêm, làm cỗ máy kiếm điểm để phục vụ cho căn bệnh thành tích của thầy cô, nhà trường… Thế là hai vợ chồng lại lục đục đến tìm hiểu hệ thống trường tư, cũng có nhiều trường chất lượng tốt, lại có xe đưa đón, như Đoàn Thị Điểm, Marie Curie… Nhưng khi nghe thông báo danh sách số tiền phải nộp hàng tháng, từ học phí, phí bán trú, tiền ăn, học tiếng Anh, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất hàng năm, quỹ hội phụ huynh, tiền xe đưa đón… tổng cộng cũng phải tới hơn 6 triệu 1 tháng, hai vợ chồng sốc quá, chỉ biết im lặng nhìn nhau. Thế gần như mất toi lương một người, người còn lại làm sao nuôi cả nhà, tiền ăn uống, tiền xăng, tiền bé em đi học mẫu giáo, và vô số khoản khác?
Thế là, sau mấy tháng lùng sục khắp nơi, chúng tôi rón rén về tìm hiểu trường tiểu học gần nhà. Hóa ra, sự thể không thót tim như giá “khủng” của trường tư, cũng không toát mồ hôi như đường đi học trường Chuyên. Cô giáo khá ổn, rất nhẹ nhàng, quan tâm đến học sinh. Phí ăn học tổng cộng chưa đến 1 triệu đồng. Con chỉ cần đi mấy bước chân là về nhà bà ngoại gần đó, đợi bố mẹ về đón. Quan trọng nhất, tìm hiểu kỹ từ giáo viên lẫn phụ huynh có con học đó, không có chuyện bắt ép học thêm. Chúng tôi thở phào, không phải mọi trường công đều như lời đồn đại.
Suy cho cùng, con phải sống với hoàn cảnh của gia đình mình, với những gì bố mẹ con có, với những giới hạn mà bố mẹ đã nỗ lực hết sức để đem lại cho con. Không thể để 12-18 năm con đi học trở thành quãng đời đau khổ, bấn loạn và căng thẳng của bố mẹ, đó là chưa nói đến tương lai tươi sáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và ý chí của con, điều được xây đắp chính từ việc chấp nhận hoàn cảnh của mình và vượt lên nó.