Vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn: Nếu cha mẹ dạy con điều này, có lẽ đã không xảy ra 231 cái tát hôm đó!

Hoàng Anh Tú,
Chia sẻ

Các anh chị đã quên dạy con điều tối thiểu này: Không ai có quyền đánh đập, xúc phạm đến thân thể của con. Kể cả bố mẹ!

Không chỉ từ câu chuyện 231 cái tát này tôi mới nghĩ đến câu cửa miệng mà nhiều cha mẹ vẫn hay nói với thầy cô: "Trăm sự nhờ thầy cô", "Mong thầy cô để mắt đến cháu", "Cháu mà hư cô cứ thẳng tay dạy dỗ",… Nghe thật giống với việc "nhượng quyền đánh đập" vậy. Thế nên, câu chuyện 231 cái tát hẳn là có lỗi một phần từ chính các bậc làm cha, làm mẹ. Khi các anh chị đã quên dạy con điều tối thiểu này: Không ai có quyền đánh đập, xúc phạm đến thân thể của con. Kể cả bố mẹ!

Tôi cho rằng trong câu chuyện này, 23 vị phụ huynh của 23 bạn học sinh kia cũng nên suy nghĩ về việc chia sẻ với con cái mình về bạo lực học đường. Rằng không thể đánh bạn, không được quyền đánh bạn dù với bất cứ lý do nào. Rằng chính cha mẹ cũng nên nói với con mình về việc từ chối yêu cầu của thầy cô nếu như đó là một yêu cầu sai trái. Quá nhiều phụ huynh đã quên điều đó hoặc họ cho rằng đừng có ai động đến con họ, đánh đập con họ là được. Việc con cái họ có đánh đập ai đó khác theo lệnh của thầy cô đều là đúng đắn. Và dường như lệnh của thầy cô là chuẩn mực, học trò cấm cãi.

Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Những đứa trẻ này ngay từ bé đã được giáo dục rằng cha mẹ luôn đúng, thầy cô luôn đúng, người lớn luôn đúng. Danh hiệu trẻ ngoan được tôn vinh như một mục tiêu của giáo dục. Nên những đứa trẻ bị cắt gọt cá tính, sở thích để chiều lòng cha mẹ, thầy cô, người lớn. Nếu ngay ở nhà cha mẹ đã chia sẻ với con cái về quyền được lên tiếng, được phản biện, được trao đổi, được từ chối những gì chúng thấy sai hoặc đơn giản là chúng chưa thấy đúng thì có lẽ trong 23 đứa trẻ kia sẽ có những đứa trẻ từ chối yêu cầu tát bạn 10 cái của cô.

Nếu cha mẹ dạy con điều này, có lẽ đã không xảy ra 231 cái tát hôm đó! - Ảnh 1.

Chính cha mẹ ở nhà vẫn hay áp đặt con nên đứa trẻ tới trường chấp nhận bị thầy cô áp đặt. Trong thời gian tôi thực hiện cuốn sách 30 ngày cùng con chống xâm hại tôi cũng thấy việc dạy trẻ nói KHÔNG cũng là rất khó. Rất nhiều em bị xâm hại cũng vì cha mẹ chưa bao giờ cho con cái được quyền nói từ KHÔNG này. Chỉ vừa kêu "Con KHÔNG ăn đâu" là bị bố mẹ mắng cho vuốt mặt không kịp. Khi lệnh cha mẹ đưa ra mà dám nói KHÔNG là đứa trẻ lãnh ngay hình phạt. Tôi nghĩ việc cha mẹ dạy con, cho con được quyền nói KHÔNG chính là bảo vệ con, tôn trọng con và giúp con dũng cảm nói ra những điều chúng muốn, từ chối những điều chúng không muốn.

Như trong chính câu chuyện 231 cái tát, nếu vài trong số 23 đứa trẻ kia can đảm từ chối lệnh của cô sẽ khiến cô phải ngưng lại ngay hành động phản giáo dục của mình. Hoặc cô sẽ phải đối diện với sự bất hợp tác của chính học trò. Nếu chúng ta dạy con sự phản kháng, cậu bé bị tát kia sẽ bỏ ra khỏi lớp để yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ thay vì chịu trận 230 cái tát để rồi tức nước vỡ bờ nói "Em ghét cô" và ăn cái tát thứ 231. Cậu bé cùng lắm sẽ chỉ ăn 1 cái tát của vị cô giáo bạo lực kia mà thôi.

Nếu là tôi, con của tôi sẽ không bao giờ chịu những cái tát oan uổng đó. Vì tôi luôn dạy con về sự trân trọng cơ thể mình, không cho ai được quyền xâm hại đến cơ thể của con cho dù đó chỉ là 1 cái bẹo má. Dạy con phòng tránh xâm hại là bao gồm cả phòng tránh bạo hành, bắt nạt chứ không chỉ là chuyện ai đó động chạm vào vùng kín của con.

Nhiều cha mẹ trong những ngày qua đã nghĩ ra đủ 231 kiểu tra tấn trả thù cô giáo kia. Tất cả đều là bạo lực. Tôi đã từng trả lời comment của nhiều cha mẹ trên Facebook của tôi rằng không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Chính chúng ta, những người lớn đang gieo vào đầu lũ trẻ phương án sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Như hình ảnh người cha tát bác sỹ trước mặt con mình, như nhiều phụ huynh lao vào lớp túm tóc đánh cô giáo vì cô giáo đánh học sinh. 

Nếu cha mẹ dạy con điều này, có lẽ đã không xảy ra 231 cái tát hôm đó! - Ảnh 2.

Chúng ta khiến lũ trẻ hiểu rằng bạo lực cũng là 1 cái giải quyết, thậm chí giải quyết nhanh hơn bất cứ một cách nào khác. Mầm bạo lực được gieo dẫn đến việc lũ trẻ tham gia bạo lực học đường một cách thản nhiên. Đứng vây quanh một đám đang đánh bạn mà không hề thấy đó là việc sai. Nhiều cha mẹ còn kinh khủng hơn khi cho rằng họ sẽ "xử" cô giáo đó rồi sau ra sao cũng được. Đụng vào con họ là phải trả giá!

Tôi khác. Tôi sẽ chọn cách cùng con giải quyết vấn đề bằng pháp luật. Tôi biết nhiều cha mẹ luôn không tin vào pháp luật vì chính bản thân họ cũng không tuân thủ pháp luật, vẫn lách luật, phạm luật. Nhưng thứ tôi muốn con mình nhận thức đầy đủ là sự thượng tôn pháp luật, ý thức về tuân thủ luật. Một đứa trẻ tin và ý thức về pháp luật vẫn tốt hơn một đứa trẻ vô kỷ luật mà, đúng không? Tôi sẽ cùng báo chí, truyền thông để thúc đẩy việc này bằng pháp luật.

Và hơn thế, thứ tôi sẽ giúp con tôi vượt qua sang chấn tâm lý trong tình huống này là sẽ cùng con tạo ra một chiến dịch. Tôi muốn câu chuyện của con, tai nạn mà con gặp phải không trở nên vô nghĩa. Nó sẽ tạo ra những giá trị tích cực thúc đẩy thay đổi nhận thức của chính thầy cô, bạn bè về vấn đề mà con tôi đã phải trải qua. Một khi con tôi nhận ra giá trị tích cực từ câu chuyện này, con sẽ trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đó không phải là tốt hơn sao?

(*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Chia sẻ