Nếu bạn đang nuôi một em bé hay quấy khóc, hãy thử ngay mẹo nhỏ mà hữu ích mà cha mẹ Đan Mạch hay áp dụng dưới đây
Nhiều người cho rằng những em bé sơ sinh hay khóc không rõ lý do chính là hiện tượng khóc dạ đề. Nhưng nguyên nhân thực sự đến nay vẫn chưa được khoa học xác nhận.
Mọi cha mẹ đều biết rằng trẻ sơ sinh khóc chủ yếu vì 2 lý do: khi chúng cần được cho ăn hoặc khi tã ướt cần thay. Tất nhiên, trẻ sơ sinh có tính khí không giống nhau - một số có xu hướng khóc rất nhiều, trong khi những bé khác không quấy khóc. Dù vậy, một khi vấn đề được giải quyết, tiếng khóc thường dừng lại.
Tuy nhiên, có mẹ rơi vào trường hợp đã thử hầu hết mọi cách mà bé vẫn chưa ngưng khóc.
Đối với trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống, thủ phạm có thể là hiện tượng khóc dạ đề (colic). Khóc dạ đề được định nghĩa là khóc nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày trong ít nhất ba ngày, thường kéo dài cho đến khi bé được 3 tháng tuổi.
Theo phân tích tổng hợp mới nhất của các nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhi khoa, trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ, Canada và Ý khóc nhiều hơn trẻ sơ sinh ở các quốc gia khác, trong khi trẻ sơ sinh Đan Mạch, Đức và Nhật Bản khóc ít nhất. Đây là biểu đồ quy mô toàn cầu đầu tiên cho thấy thời gian khóc hàng ngày điển hình trong 3 tháng đầu đời của bé.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Warwick cũng xem xét gần 8.700 em bé và nhận thấy, trung bình, trẻ khóc khoảng 2 giờ/ngày trong 2 tuần đầu tiên, đạt đỉnh ở mốc 6 tuần, khi đó, trẻ thường khóc khoảng 2 giờ và 15 phút/ngày, nhưng giảm xuống trung bình 1 giờ 10 phút vào 12 tuần.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, có những trẻ khóc ít nhất 30 phút, trong khi có một số trẻ khóc hơn 5 giờ trong 1 ngày.
"Có sự khác nhau rất lớn giữa các em bé khi xét việc trẻ khóc nhiều như thế nào trong những tuần đầu tiên của cuộc đời", Dieter Wolker, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết. "Chúng ta có thể học hỏi nhiều hơn từ việc nhìn vào các nền văn hóa, nơi trẻ sơ sinh ít khóc hơn và liệu điều này có thể là do yếu tố nuôi dạy con cái hoặc các yếu tố khác liên quan đến kinh nghiệm mang thai hay di truyền học".
Theo Wolker, thông tin này có thể giúp trấn an các bậc cha mẹ đang lo lắng rằng con họ khóc quá nhiều. Nghe con bạn khóc mà không thể làm gì nhiều để thay đổi tình hình là nguyên nhân phổ biến gây ra căng thẳng của cha mẹ trong vài tháng đầu chăm sóc em bé sơ sinh. Trong khi đó nguyên nhân thực sự của hiện tượng khóc dạ đề vẫn chưa được xác định nên cảm giác khó chịu ở các bố mẹ càng tăng thêm.
Một niềm tin phổ biến là khóc dạ đề xảy ra khi em bé hít quá nhiều không khí trong khi bú. Chính lượng khí dư thừa này trong dạ dày gây ra sự khó chịu. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cách em bé được cho ăn không có tác động đáng kể đến việc bé khóc nhiều như thế nào.
Tất nhiên, kết quả nghiên cứu trên chưa hoàn toàn thuyết phục tất cả mọi người. Vì thế, bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ hữu ích đã được cha mẹ Đan Mạch áp dụng: chờ 1 phút hoặc một vài phút để xem liệu em bé có thể tự dịu lại không thay vì lập tức bế con lên hay tìm cách dỗ con khóc ngay khi nghe âm thanh đầu tiên con phát ra.