Để mặc trẻ khóc không dỗ, bé sơ sinh sẽ bị tổn thương não?
Rất nhiều bà mẹ hiện nay đã đi theo cách "để mặc trẻ khóc" để rèn con tự ngủ ngay từ khi mới chào đời. Một số ý kiến cho rằng phương pháp này sẽ làm tổn thương não bộ của trẻ. Thực hư sự ảnh hưởng này ra sao?
Hai luồng ý kiến trái ngược xung quanh quan điểm "để mặc trẻ khóc"
Từ lâu, trong cộng đồng chuyên gia nuôi dạy con cũng như trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa đã xuất hiện 2 luồng ý kiến trái chiều: khi bé sơ sinh bắt đầu khóc, nên lập tức chạy đến bên con dỗ dành hay bạn để mặc bé khóc một chút rồi mới bắt đầu can thiệp để bé dần phát triển tính tự lập?
Chuyên gia chăm sóc trẻ người Anh Penelope Leach khẳng định, những em bé rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, thường xuyên bị để mặc cho khóc phải đối mặt với nguy cơ gặp những vấn đề về phát triển khi lớn lên.
Theo Penelope Leach, một nghiên cứu não bộ chỉ ra rằng, những đứa trẻ bị bỏ mặc cho khóc một thời gian dài có thể bị tổn thương bộ não vốn đang trong quá trình phát triển, từ đó, suy giảm khả năng học tập.
Có nên dỗ trẻ khi khóc vẫn là ý kiến gây tranh cãi giữa các chuyên gia (Ảnh minh họa).
Vị chuyên gia này bày tỏ: "Đó không phải một quan điểm mà thực tế rằng để mặc trẻ khóc tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương. Giờ thì chúng ta đã biết điều đó, vậy tại sao còn muốn mạo hiểm làm gì?".
Tuyên bố này của Leach trái ngược với nhiều bậc thầy nổi tiếng trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ, trong đó có Gina Ford, người được mệnh danh là "Queen of Routine" (tạm dịch: Nữ hoàng lịch trình). Bà đã đưa ra một phương pháp nuôi dạy trẻ sơ sinh được tổ chức, sắp xếp một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt. Phương pháp này liên quan tới hoạt động để trẻ, thậm chí với cả những bé rất nhỏ, khóc trong vòng 20 phút.
Sách hướng dẫn lọt top bán chạy của bà "The Contented Little Baby Book" xuất bản lần đầu năm 1999 khuyên những người mới làm cha mẹ nên chia nhỏ ngày của họ thành các phần có thời lượng 5 phút để đưa đứa trẻ vào khuôn khổ, lịch trình càng sớm càng tốt.
Người ủng hộ cách tiếp cận của Ford tỏ ra vui mừng khi con họ ngủ xuyên đêm từ khi còn rất nhỏ. Ở phía ngược lại, những người phản đối đã chỉ trích lịch trình mà Ford đưa ra là "hoàn toàn vô nghĩa".
Để mặc trẻ khóc có thể làm tổn thương não bộ của trẻ
Trở lại với Penelope Leach, quan điểm của chuyên gia này là trẻ nhỏ chưa có sự phát triển thần kinh để "học" cách đi ngủ đúng giờ. Do đó, để mặc trẻ khóc chẳng có chút ý nghĩa nào: "Một em bé bị để mặc cho khóc trong thời gian đủ lâu rốt cuộc sẽ nín khóc. Nhưng không phải do bé học được cách đi ngủ một mình một cách vui vẻ mà bởi bé đã kiệt sức và tuyệt vọng vì không nhận được trợ giúp".
Nếu bé liên tục khóc, khóc trong thời gian dài mà không được dỗ dành thì lượng cortisol được sản sinh trở nên quá nhiều, tới mức nó có thể làm tổn thương bộ não của trẻ (Ảnh minh họa).
Leach cũng cho rằng, khóc là cách duy nhất để trẻ sơ sinh báo hiệu khi nào bé cảm thấy khó chịu, lo lắng hay sợ hãi. Bị để mặc cho khóc tạo nên tình trạng căng thẳng và stress thường xuyên tiếp diễn sẽ thiết lập chuỗi phản ứng hormone và cuối cùng dẫn tới sự kích thích tuyến thượng thận giải phóng "hormone stress" mang tên cortisol. Cứ như vậy, nếu bé liên tục khóc, khóc trong thời gian dài mà không được dỗ dành thì lượng cortisol được sản sinh trở nên quá nhiều, tới mức nó có thể làm tổn thương bộ não của trẻ.
"Điều này không có nghĩa là một em bé sơ sinh không bao giờ nên khóc hoặc cha mẹ nên lo lắng mỗi khi con khóc. Đứa trẻ nào cũng sẽ khóc. Một số bé còn khóc nhiều hơn các bé khác. Tiếng khóc không phải xấu cho trẻ. Khóc mà không nhận được phản hồi mới là có hại", chuyên gia Leach nhấn mạnh.
Những người theo hướng tiếp cận "để mặc con khóc" nói gì?
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 11/2018 lại không tìm thấy tác động tiêu cực nào lên những đứa trẻ mà cha mẹ sử dụng phương pháp "khóc có kiểm soát" khi trẻ còn nhỏ. Nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở Australia tiến hành. Các nhà khoa học theo dõi 225 trẻ 6 tuổi (tất cả đều được can thiệp giấc ngủ về mặt hành vi khi còn nhỏ) để đánh giá sức khỏe của trẻ, bao gồm sự khỏe mạnh về cảm xúc, hành vi và mối quan hệ cha mẹ - con cái. Kết quả, các kỹ thuật như "khóc có kiểm soát" không có tác động tiêu cực lên sự phát triển cảm xúc và hành vi của trẻ hoặc lên mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ.
Không tìm thấy tác động tiêu cực nào lên những đứa trẻ mà cha mẹ sử dụng phương pháp "khóc có kiểm soát" (Ảnh minh họa)
Anastasia Baker, giám đốc Night Nannies (Bảo mẫu giấc ngủ) chuyên giúp điều trị các vấn đề liên quan tới giấc ngủ ở trẻ sơ sinh, nhận định: "Tôi không nghĩ có hại gì khi để trẻ khóc trong vài phút. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi và đã ăn dặm thì cách xử lý của chúng ta khi trẻ khóc lóc là hãy để mặc trẻ trong vài phút, sau đó trở lại, trấn an trẻ và tiếp tục để trẻ như vậy thêm vài phút nữa. Làm như vậy không có hại gì và nó có thể là một cách thực sự hiệu quả khi bạn muốn giúp một bé sơ sinh học cách tự đi vào giấc ngủ.
Rất nhiều bà mẹ phạm sai lầm khi để con ngủ thiếp đi trong lúc ngậm bầu sữa/bình sữa. Như thế, đứa trẻ sẽ không bao giờ quen với việc tự đi ngủ. Chúng tôi đã tiếp những khách hàng phải ru con ngủ hàng tiếng đồng hồ. Làm như vậy thì gia đình đó sao sống nổi?".
Mandy Gurney, người sáng lập Millpond Sleep Child (Giấc ngủ trẻ em Millpond) bổ sung: "Rõ ràng, không ai cổ vũ việc để mặc một đứa trẻ khóc trong thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ, bạn có thể để trẻ khóc trong vài phút trước khi bước lại để dỗ con. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng những kỹ thuật này để xử lý một vấn đề liên quan tới giấc ngủ có thể giúp đem lại tác động tích cực đối với đời sống gia đình".
Nguồn: Independent, Risegood