Mút tay có gây hại gì cho trẻ hay không, đây là lý giải của các chuyên gia
Mọi đứa trẻ sơ sinh bình thường đều sẽ trải qua giai đoạn thích mút tay, đặc biệt là khi các bé được 2 – 3 tháng.
Chuyên gia nhi khoa giải mã lý do vì sao con bạn thường có thói quen cắn mút ngón tay.
Trẻ sơ sinh dành hầu hết thời gian trong một ngày cho việc ăn và ngủ, tuy nhiên, đến một giai đoạn, chúng sẽ dành thời gian cho việc chơi đùa và khám phá thế giới. Một trong những hoạt động yêu thích mà hầu hết đứa trẻ nào cũng thực hiện khi được vài tháng tuổi đó là nhai mút các ngón tay.
Có nhiều yếu tố lý giải thói quen này của các bé!
4 lý do khiến bé thường xuyên mút tay
Đầu tiên, đó có thể là cách mà các bé tự xoa dịu chính mình. Đây là ý kiến của bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ Alison Mitzner chia sẻ trên trang Romper (chuyên trang dành cho trẻ em). Chuyên gia này cho rằng, khi môi trường xung quanh khiến bé bị kích thích, chúng thường nhai mút các ngón tay để giữ bình tĩnh.
Thứ 2, thói quen này có thể là cách giúp các bé khám phá môi trường xung quanh. Một bài viết vào năm 2011 trên tờ The Washington Post, bác sĩ nhi khoa Howard Bennett (Washington, Hoa Kỳ) đã phát biểu rằng miệng là bộ phận có xúc giác phát triển sớm và nhạy cảm nhất. Điều này có nghĩa là khi em bé của bạn đặt bàn tay vào miệng, đó là cách bé cảm nhận và khám phá bàn tay mình với sự trợ giúp của các dây thần kinh cảm giác ở lưỡi và môi.
Lý do thứ 3 được cho là mút tay giúp trẻ dễ chịu trong quá trình mọc răng. Bác sĩ Mitzner phân tích: "Giai đoạn khoảng 3-4 tháng tuổi, các mẹ thường thấy con mình bắt đầu chảy dãi, bé bắt đầu đưa tay thành hình nắm đấm vào miệng. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của việc mọc răng. Sự khó chịu do quá trình mọc răng có thể khiến em bé muốn cắn vào đồ vật, bao gồm cả bàn tay hoặc các ngón chân".
Cuối cùng, việc mút tay có thể là do con bạn đang đói. Đi kèm với hành động này là các biểu hiện đói khác như là đòi ăn, vỗ tay vào môi và vung vẩy tay.
Vậy cha mẹ cần làm gì khi con mình không ngừng nhai mút các ngón tay?
Theo trang Parents, bé sẽ duy trì thói quen này cho đến khi chúng biết đưa những thứ khác vào miệng. Điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ nên chú ý quan sát và trông chừng con mình mọi lúc.
Nếu bạn lo lắng thói quen này có thể có hại cho con thì nên tìm ra lý do khiến con bạn có hành động như vậy. Nếu như con bạn đang đói, hãy cho chúng bú sữa mẹ hoặc đưa cho con 1 bình sữa. Nếu như con bạn cảm thấy nhàm chán, hãy thu hút em bé bằng những đồ chơi có màu sắc và âm nhạc.
Hoặc nếu con bạn đang bị kích thích quá mức với môi trường xung quanh, hãy ôm nựng bé và cho bé nghe một giai điệu thư giãn. Cuối cùng, nếu bé của bạn khó chịu về việc mọc răng, hãy cho chúng một món đồ chơi có thể xoa dịu cảm giác ấy.
Bác sĩ Mitzner cũng có lời khuyên rằng nên vệ sinh tay chân bé sạch sẽ nhất có thể nếu bạn lo lắng về vi trùng trên tay chân của con bạn. Việc vệ sinh bàn tay và chân cho con dễ dàng hơn khi bé chưa biết bò và chạm vào các thứ xung quanh.
Đôi khi, con bạn sẽ đưa tay lên miệng mút mà không cần lý do. Điều quan trọng là bạn không cần quá lo lắng, vì đến 1 thời điểm thói quen này sẽ tự nhiên mất đi. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc và sự dễ thương của con bạn nhé!