3 điều cha mẹ nên làm khi cho con đi học mầm non
Nếu một đứa trẻ được cha mẹ rèn luyện một số điều trước khi đi học mẫu giáo, chúng sẽ được giáo viên chú ý hơn.
Đến một độ tuổi nhất định, trẻ em cần phải rời xa vòng tay quen thuộc của cha mẹ để đi học mẫu giáo. Đây cũng chính là thời điểm cha mẹ lo lắng nhất, không biết con mình đến trường có khóc nhiều không, có lạnh hay đói không, có chịu đi vệ sinh không...
Việc đến trường mẫu giáo là lần đầu tiên trẻ tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới mẻ, cha mẹ lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, nếu cha mẹ có mối quan hệ tốt với các giáo viên mầm non, họ sẽ chú ý và quan tâm nhiều hơn, điều này sẽ phần nào giúp cha mẹ bớt lo lắng.
Tâm lý của người mẹ nào cũng muốn giáo viên quan tâm tới con mình nhiều hơn. Vì thế, trong một số hội nhóm có người đặt ra câu hỏi: "Có nên tặng quà cho cô giáo mầm non để cô thương con mình nhiều hơn không".
Một số người cho rằng, không nên tặng quà cho giáo viên vì như thế là vi phạm nguyên tắc của nghề nhà giáo. Cũng có số khác cho rằng, một khi đã bắt đầu tặng quà thì phải tặng hoài, chỉ được nhiều chứ không được ít hơn.
Trên thực tế, cha mẹ thực sự không cần phải lo lắng về điều này. Một giáo viên mẫu giáo có thâm niên nhiều năm tiết lộ rằng, có những "quy tắc ngầm" để xây dựng mối quan hệ tốt với giáo viên mà không cần phải tặng quà. Nếu làm đúng, đứa trẻ tự nhiên sẽ được giáo viên quan tâm, yêu mến hơn.
3 điều giúp xây dựng mối quan hệ tốt với giáo viên mầm non
1. Phụ huynh không làm phiền quá mức
Sau khi cho con đi nhà trẻ, nhiều bà mẹ rất lo lắng nên hở một chút là lại nhắn tin, gọi điện để hỏi thăm tình hình của con mình, họ hoàn toàn không quan tâm giáo viên có đang bận hay không.
Mặc dù giáo viên có thể hiểu được sự lo lắng này nhưng phụ huynh cũng cần phải hiểu cho sự vất vả của các giáo viên mầm non, khi một người phải chăm sóc cho cả một lớp học hơn 10 đứa trẻ. Đặc biệt là với những đứa trẻ mới đi học mẫu giáo, ở độ tuổi 3 - 4 tuổi có rất nhiều vấn đề xảy ra và giáo viên phải luôn túc trực xử lý, thật khó để họ cầm điện thoại trả lời tin nhắn.
Ngay từ đầu giáo viên nào cũng đối xử bình đẳng với tất cả các em, nhưng nếu phụ huynh thường xuyên quấy rầy và làm phiền quá mức như vậy, chắc chắn giáo viên sẽ rất khó chịu, thậm chí trẻ sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt họ.
Nếu muốn hỏi han giáo viên về tình hình của con mình, cách tốt nhất là bạn nên nhắn tin sau giờ học hoặc khi đón con có thể nán lại trường một chút để nói chuyện.
2. Dạy con biết cách diễn đạt vấn đề
Hầu hết các giáo viên mầm non đều không thích những đứa trẻ khóc liên tục, không biết lên tiếng khi gặp vấn đề. Có một số đứa trẻ chỉ biết khóc khi muốn đi vệ sinh, khóc khi bị bạn cướp đồ chơi, thậm chí khóc mà không rõ lý do.
Vì vậy, trước khi vào mẫu giáo, cha mẹ cần dạy con mình biết nói ra chính xác những mong muốn và nhu cầu của bản thân thay vì dùng tiếng khóc để biểu đạt sự khó chịu của mình.
Nếu một đứa trẻ nói rõ vấn đề mình đang cần, chắc chắn giáo viên sẽ sẵn sàng giúp đỡ ngay. Cha mẹ dạy con cách thể hiện cảm xúc, điều chỉnh cảm xúc là điều rất quan trọng.
3. Làm tốt công tác tâm lý
Một đứa trẻ khoảng 3 tuổi ngồi ngoan ngoãn trong 15 phút là điều rất khó. Vì thế, cha mẹ cần chẩn bị tâm lý cho trẻ ngồi yên khi học trong lớp. Nếu một đứa trẻ hiểu chuyện, ngoan ngoãn, biết nghe lời cô giáo, không nghịch phá trong lớp, chắc chắn sẽ được giáo viên rất yêu mến.
Tóm lại, giai đoạn mầm non là bước ngoặt quan trọng để trẻ rèn luyện kỹ năng xã hội. Nếu trẻ làm tốt, biết cư xử đúng mực, chúng sẽ có thêm được nhiều bạn tốt, tự nhiên sẽ thích đi nhà trẻ hơn, cha mẹ cần đặc biệt chú ý 3 điều trên.