Moon Doãn - Nữ nhân chuyên "bóc phốt hàng hiệu" tâm sự: "Mình bị dọa nhiều lắm, có cô còn mò đến nhà vào lúc 1 giờ sáng"
Bên cạnh đó, Moon Doãn còn giải thích lý do vì sao động thái mang sản phẩm thời trang đến cửa hiệu cao cấp để chứng thực xem Auth hay Fake là "không có giá trị mấy".
Dăm năm trước cả thiên hạ từng náo loạn lên vì một "Thánh bóc" không rõ mặt ngang mũi dọc ra sao, tỏ tường nhiều câu chuyện thế sự có liên đới đến giới nổi tiếng Việt Nam. Sự việc rồi cũng chìm vào quên lãng khi dân tình biết rằng "Thánh bóc" đó lai lịch mập mờ, lời lẽ thiếu chứng cớ.
Thế nhưng cũng từ đấy mà một trào lưu "bóc" ra đời. Người người ngóng xem ai bị "bóc", nhà nhà háo hức dõi theo công cuộc "bóc" sẽ đi đến đâu. "Người bóc" lẫn "người bị bóc" bỗng chốc như quăng mình vào một cuộc đấu tố giữa thời đại 4.0, với mọi chủ đề đều có thể liên đới: từ mỹ phẩm rởm, đồ fake cho đến lối sống màu mè tô vẽ cho bản thân thêm thi vị, thêm đẳng cấp.
Moon Doãn dường như là một nhân vật đã từng can dự vào rất nhiều cuộc đấu tố 4.0 như vậy. Có điều không giống nhiều bóng đen ẩn mình sau một chiếc Avatar đăng ảnh cây cỏ chim muông vô thưởng vô phạt, nữ nhân này có hẳn một profile rõ ràng mạch lạc và mối quan hệ rộng rãi đã được kiểm chứng. Công chúng biết đến cô phần nhiều bởi các sự vụ mà trong đó, từ mỹ phẩm đến thời trang, đều thật giả lẫn lộn chẳng biết đường nào mà lần. Lời lẽ của Moon Doãn đanh thép và thường thẳng thắn đến mức trần trụi, vạch rõ hệ quả ê chề của khổ chủ lỡ vương vào cuộc đấu tố bất đắc dĩ.
Moon Doãn - "thánh bóc" hàng hiệu của showbiz Việt.
Vâng, từ Changmakeup đến Sĩ Thanh đều đã bị "bóc" bởi Moon Doãn, gọn ghẽ thẳng thớm như một củ hành tây.
Để hiểu rõ hơn về nữ doanh nhân Moon Doãn, hãy cùng trò chuyện với chính cô:
Điều đầu tiên mà mọi người muốn biết: Moon Doãn là ai? Có phải một nhân vật trong showbiz và vì sao cô ấy biết nhiều chuyện showbiz đến như vậy?
Moon không kiếm cơm trong showbiz nhé. (cười)
Khởi nghiệp của Moon là viết báo và đã viết từ tận năm 10 tuổi cơ. Sau khi hoàn thành Đại học và Nam tiến thì Moon đầu quân về một công ty truyền thông với chuyên môn là tư vấn chiến lược cho các nhãn hàng. Bước tiếp theo là Moon tự thành lập công ty truyền thông riêng, đưa giải pháp cho các thương hiệu quốc tế muốn tiếp cận thị trường Việt Nam.
Một trong những phúc lợi từ ngành nghề của Moon là mối quan hệ rộng mở với giới KOL (Key Opinion Leader - những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó). Thêm vào đó thì Moon có khá nhiều bạn "nối khố" vốn đang hoạt động với danh nghĩa ca sỹ hay fashionista, stylist… Thành thử cuộc sống của Moon được tiếp xúc với khá nhiều câu chuyện showbiz.
Vậy ra những câu chuyện về showbiz đến với Moon Doãn theo kiểu chị em bạn dì rỉ tai nhau?
Moon không có cái khái niệm là đi ngồi buôn chuyện đâu!
Mỗi khi tụ tập với bạn bè làm việc trong showbiz thì bọn Moon tán gẫu về thời trang hay công việc kinh doanh cá nhân là chính. Còn cái sự thị phi thì chủ yếu là do lắm khi mình rảnh, lướt Facebook thấy gì nói đấy, chẳng hạn như thấy ai đó lừa bán đồ fake cho người thân xung quanh thì Moon phải lên tiếng.
Số người nắm chân tướng không ít nhưng sao chỉ Moon Doãn mới dám lên tiếng? Người ta sẽ bảo là Moon "cà khịa", "bú fame" để đánh bóng bản thân, tiện đường làm ăn.
Chắc tại do tính cách.
Moon thấy cái gì bất hợp lý quá thì không thể bỏ qua, chứ lẽ thường tuổi này ai đi làm cũng sẽ cố tránh những va chạm.
Còn về "bú fame" thì Moon nghĩ đó là dạng hóng hớt, ai nổi tiếng thì chạy lại làm quen. Bạn bè trong showbiz của Moon lại toàn là quen từ lúc bé tí tì ti, sao gọi là "bú fame" được?
Với cả những ai thân thiết gần gũi nói gì về Moon mới là vấn đề. Người ngoài thì muốn đồn đoán gì chả được, mình cứ mải miết quan tâm thì thành ra khả năng tập trung của bản thân trở nên yếu kém.
Sơ sơ những sự kiện chấn động giới mộ điệu mà Moon đã từng vướng vào như "giả từ thiện để bán túi Chanel fake", mỹ phẩm của Changmakeup và mới đây nhất là hoài nghi xoay quanh clip "đập hộp" của Sĩ Thanh. Đó đều là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn thì liệu mâu thuẫn với họ có gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của Moon?
Nếu Moon còn chập chững 22-23 tuổi thì có thể.
Đến thời điểm hiện tại thì bản thân Moon đã tập luyện mỗi ngày để cái từ trường tiêu cực không thể chạm đến mình, người ta làm trò gì mình cũng không quan tâm. Hơn nữa mấy chuyện đó chỉ kéo dài một giai đoạn nhất định, người Việt mình còn có thói nhanh quên, thị phi thì xảy ra mỗi ngày… Đâm ra Moon cũng không lo lắng bị tác động xấu.
Trước chỉ ngại nhất là khi bố mẹ gọi điện cho Moon vì sợ mấy chuyện đó gây ảnh hưởng đến gia đình, nhắn nhủ thêm là bố mẹ không thích thế đâu. Dần dần qua vài sự vụ thì bố mẹ cũng hiểu được tính cách của Moon, không sai thì không có gì phải sợ, chẳng phải luồn cúi hay giả tạo làm chi.
Nghe đâu có lúc Moon còn bị hăm dọa đến mức phải nhờ pháp luật can thiệp?
Moon từng bị dọa nhiều lắm. Đỉnh điểm là có một cô mò đến nhà Moon vào lúc 1 giờ sáng, đi cùng chồng và con trai.
Chuyện xảy ra đã lâu nên Moon chỉ nhớ loáng thoáng rằng cái cô này bán đồ fake ở trong một group kín chuyên mua bán trao đổi hàng hiệu với số thành viên lên đến 10.000, do chính Moon quản lý.
Khi cô ấy bị "bóc" trên group thì có chủ động liên hệ với Moon để bắt xóa bài đăng bất lợi nhưng Moon không đồng ý. Thế là thành ra đến nhà hăm dọa. Moon cũng không đôi co, báo công an đến thì họ cứ thế mà đi về.
Với Moon thì đấy chỉ là chuyện trẻ con thôi!
Người ta chỉ đồn đoán rằng Moon Doãn rành hàng hiệu. Thế cái hữu danh đấy nảy sinh từ đâu, chẳng hạn như kinh nghiệm "đốt tiền" trường kỳ?
Rành hàng hiệu thì đã chẳng từng bị lừa. (cười lớn)
Điều may mắn của Moon là có rất nhiều bạn bè thân thiết làm trong các thương hiệu cao cấp quốc tế hoặc reseller, personal shopper… Bọn Moon thường lập các group chat để trau dồi và cập nhật thông tin cho nhau chứ bản thân Moon cũng không phải dạng mua nhiều cho lắm.
Thế theo Moon thì đâu là yếu tố không thể lập lờ giữa hàng hiệu và đồ fake?
Đó là cảm nhận.
Nhiều lần người ta đưa cho Moon cầm thử túi fake, đầu tiên là cảm giác không-được-bình-thường. Một món hàng hiệu cao cấp không đơn thuần chỉ là chất liệu da xịn hơn, phom dáng chuẩn hơn, xài được bền hơn… mà còn ẩn chứa một cảm nhận hết sức tròn trịa. Đó mới chính là tinh túy đã được các thương hiệu đúc kết từ hàng chục hay thậm chí là cả trăm năm.
Sản phẩm fake lắm khi giống đến mức phải cầm kính lúp mới soi ra được. Nhưng khi cảm quan ban đầu đã sai thì ắt sẽ sinh ra nghi ngờ, và đã nghi ngờ thì phải mổ xẻ cho ra bằng được. Đừng quên là hàng fake dù có cao siêu đến đâu thì đồ hiệu vẫn bền vững giá trị của nó.
Hiện nay có nhiều người, đặc biệt là giới nổi tiếng, sẵn sàng mang một món đồ đến cửa hiệu cao cấp để đòi chứng thực. Cách này có thể thuyết phục được đám đông hay chăng?
Xét về mặt chính sách thì bất kỳ hãng nào cũng không cho phép nhân viên của mình trả lời khách hàng rằng đây là đồ fake. Bởi nếu họ mà làm thế thì chắc mấy ngàn cửa hàng khắp thế giới phải ngồi cả ngày để check xịn hay fake chứ thời gian đâu mà bán!
Động thái đó không có giá trị mấy.
Họa hoằn Moon còn gặp cả tình trạng túi fake được bán kèm hóa đơn thật, code thật. Với cả không phải nhân viên nào bán hàng cũng được đào tạo kỹ để soi ra ngay thật giả lẫn lộn.
Nếu muốn làm cho ra nhẽ thì bạn hãy mang chiếc túi chưa rõ thật giả đó đến cửa hàng chính hãng để phàn nàn về chất lượng, gửi trả hãng, thay chi tiết lớn hoặc yêu cầu được đổi món khác. Trong trường hợp này thì thường các hãng sẽ phải gửi sản phẩm đó đến xưởng chế tác. Với đặc tính thủ công, người thợ sẽ nhận ra các đánh dấu xác thực vốn được ẩn chứa bên trong mỗi sản phẩm – chứ không đơn thuần chỉ là số code dễ nhận biết.
Qua bước này, hãng sẽ đi đến kết luận chiếc túi đó fake hay xịn. Thông thường khi là fake thì bên hãng sẽ gửi thư xác nhận rằng đó không phải sản phẩm do họ làm ra, đồng thời tiêu hủy.
Với Moon thì đây là cách duy nhất để xác thực.
Nhiều trang thông tin cho biết Moon Doãn từng lên án người nổi tiếng sử dụng hàng fake để sống ảo. Đây vốn là câu chuyện không mới nhưng dường như không thể khắc phục cho được?
Moon xin đính chính là Moon chưa từng có phát ngôn như thế, với cả bạn bè của Moon trong showbiz cũng toàn dùng đồ xịn mà thôi.
Nhưng Moon cũng biết vài người nổi tiếng xài đồ fake xong thì đi thanh lý lại cho fan với giá hàng hiệu. Đây là điều Moon rất bất bình. Bạn thân của Moon từng bị lừa bởi dạng này và phải trao đổi qua lại nhiêu khê mới được hoàn tiền.
Và cũng bởi có những sự vụ kiểu này nên Moon rút kinh nghiệm là nên mua từ cửa hàng chính hãng. Có mua thanh lý thì chỉ mua từ người quen.
Hiện giờ đang có mốt mua đi bán lại túi vintage. Liệu tuổi thọ khá cao của các mẫu túi càng khó tạo điều kiện cho việc kiểm chứng?
Mọi người thường bảo nhau nguồn túi vintage ở Việt Nam hầu hết từ Nhật.
Điều khiến Moon lăn tăn nhất trong khoản túi vintage là liệu chiếc túi ấy có "nguyên đai, nguyên kiện" hay không. Do thời gian sử dụng đã lâu nên chúng dễ bị thay chi tiết như khóa kéo, lót da… đại để như một chiếc Iphone "hàng dựng" vậy.
Bản thân Moon rất hâm mộ những ai chơi túi vintage bởi họ thường sở hữu kiến thức nền rất tốt. Chẳng hạn như dòng túi này trong thời điểm đó sẽ dùng khóa kéo dạng nào, pattern ra làm sao… Cả một danh sách khổng lồ!
Moon cũng thấy giá của túi vintage bán tại Việt Nam khá rẻ. Từng qua Pháp hay Monaco, mình ngạc nhiên bởi giá của chúng ở đó đắt hơn nhiều. Chẳng hạn một chiếc Chanel classic 2.55 thông thường có giá 120 triệu thì chiếc vintage được bán tại Monaco có giá lên đến… 200 triệu.
Sở dĩ nảy sinh sự trái khoáy này là bởi người châu Âu vốn rất coi trọng tính trường tồn và bất biến. Ở sản phẩm vintage không chỉ in dấu thời gian mà còn lưu giữ những kỹ thuật đỉnh cao. Chính bởi các yếu tố này nên đồ vintage rất khó làm fake.
Có một Hoa hậu còn tố hẳn nàng Hoa hậu khác - vốn là "bạn thân cũ" của mình tặng đồ fake nhân ngày sinh nhật, để đến lúc bán tháo cho người khác mới ngỡ ngàng nhận ra. Câu chuyện ngắn gọn này nảy sinh trong Moon Doãn suy nghĩ gì?
Giá trị của một con người không nằm ở việc có dùng hàng hiệu hay không. Tình bạn cũng thế.
Moon luôn đề cao sự chân thành trong cách sống và trí tuệ. Chạy theo hàng hiệu để làm gì trong khi câu hỏi cuối cùng là tình bạn ấy có lâu dài hay không?
Một điển hình gắn liền với cuộc sống hàng ngày của Moon chính là anh bạn trai. Anh ấy suốt ngày chỉ mặc áo vỏn vẹn 5 đô, đi giày bata, có được Moon tặng cho ví xịn thì cũng chẳng thấy xài bao giờ mà chỉ suốt ngày kẹp tiền vào túi quần. Nhưng thực tế thì anh là người rất thành công trong sự nghiệp và có nhiều thành tựu khiến Moon phải nể phục.
Dù gì cũng sẽ có phản biện rằng đồ dùng một - hai lần mà phải mua hẳn giá hàng hiệu đến ngàn đô thì quá tốn kém. Thế nên dùng đồ fake, may váy nhái cho... tiết kiệm thì kể cũng chí lý?
Moon nghĩ là những người làm trong ngành thời trang nói chung và giới thiết kế nói riêng nay có được nhiều cơ hội hơn: đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều chất liệu tốt, tiệm cận với nhiều tư duy mới mẻ… Mình khẳng định là tài năng hay sức sáng tạo của người Việt chẳng thua kém bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Đồ của các nhà thiết kế Việt cũng rất đẹp, kể ngay được đến anh Công Trí hay bạn Trần Hùng chứ đâu cần ví dụ xa lạ. Và một khi đã làm việc trong lĩnh vực sáng tạo thì chí ít cũng nên tôn trọng sáng tạo của người khác nếu muốn bản thân được tôn trọng. Đó là quy luật rồi.
Ừ thì may giống y hệt, ừ thì mặc lên cũng đẹp, cũng như mong muốn nhưng cứ thử đặt bản thân vào hoàn cảnh bị người ta giật mất chất xám xem. Moon thấy buồn lắm.
Nhiều nàng mua hàng hiệu ồ ạt quá cũng khiến người ta hoài nghi, kiểu như, tiền đâu ra mà mua xông xênh thế, "đập hộp" lắm thế?
Có đồ đẹp xài thì nên vui cho người ta mới phải chứ, thắc mắc làm gì.
Sống ảo với hàng hiệu fake và sống thật với thu nhập bất chính, điều nào tệ hơn?
Moon thấy cố gắng sống sao để vui vẻ, không cảm thấy bản thân lo lắng hay có lỗi với bất kỳ ai là được rồi. Cảm giác mà Moon sợ nhất là bị mắc nợ. Còn với những người khác ra sao thì Moon không rõ.
Lập trường của Moon vẫn là không nên đánh giá. Mình có ở trong hoàn cảnh của họ đâu mà biết được sự tình ra sao.
Thế theo Moon thì một cô gái sống nhàn hạ sung túc bằng hàng hiệu của bạn trai tặng có là điều bình thường?
Cá nhân Moon thấy rằng chuyện bạn trai lo cho mình là bình thường và một người đàn ông có khả năng chiều bạn gái mình thì ắt không tầm thường.
Mình cũng phải như thế nào thì họ mới chiều như vậy chứ sao "đào mỏ" khơi khơi được? Đàn ông thành công có ngốc đâu! Chưa kể một người bạn gái có thể hỗ trợ cho đàn ông về mặt tinh thần, giúp họ vững vàng tâm lý trong cuộc sống là điều vô cùng giá trị.
Hiện giờ thị trường Digital Marketing nói chung và showbiz nói riêng đang hỗn loạn về tiêu chí KOL. Với Moon - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực agency thì thế nào là một KOL đúng nghĩa ở thị trường Việt Nam nếu bỏ qua các yếu tố dễ dàng kiểm soát như lượt like, share...
Trong suốt mười mấy năm trời đồng hành cùng các thương hiệu thì Moon hiểu rằng sự hiện diện của KOL là không thể thiếu. Họ là những người dẫn dắt suy nghĩ của một bộ phận công chúng - cũng chính là khách hàng mục tiêu. Bên cạnh đó thì KOL còn phải là người phát ngôn cũng như lan tỏa thông điệp từ phía thương hiệu.
Lượt like, view hay share thì cũng không mấy giá trị đâu vì điểm đến cuối cùng của thương hiệu vẫn là có bán được hàng hay không. Chứ bỏ tiền tấn ra thuê cô A mà không tiếp cận được đến nhóm khách hàng thì cả chiến dịch vẫn là "failed".
Khi những thuật toán của Facebook hay Instagram ngày càng làm khó giới KOL thì Moon nghĩ sao về một mạng xã hội mới thiên về kiến sức sâu rộng, chẳng hạn như Lotus?
Bạn trai Moon làm về công nghệ nên mình rất ủng hộ các sản phẩm công nghệ nội địa. Sản phẩm nào ra mắt cũng nhiệt liệt chào đón.
Chỉ riêng chuyện nước khác có mạng xã hội nội địa mà nước mình không có thì đã thành thua thiệt rồi. Còn tốt hay xấu, dễ dùng hay khó dùng thì phải để thời gian trả lời. Thường một sản phẩm trong quá trình thử nghiệm sẽ tốn từ 6 tháng đến 1 năm để hiểu hơn về thị trường.
Nếu sản phẩm được tung ra mà vấp phải phản hồi xấu thì Moon nghĩ cũng nằm trong dự đoán của nhà sáng lập. Thay vì cậy nhờ các công ty testing thì họ sẽ tận dụng góp ý của người dùng để hoàn thiện hơn.
Có thể tin được review của các KOL không khi giờ đây mọi lời khen hay chê đều được nhả ra từ túi tiền của nhãn hàng?
Phụ thuộc vào lương tâm của người review thôi. Nói chung là hên xui.
Moon tuy không làm showbiz và cũng chẳng phải fashionista này nọ, nhưng lắm khi vẫn review chỉ vì sản phẩm đó tốt thật sự.
Moon đã là một người phụ nữ trưởng thành. Với góc nhìn của vị thế hiện tại thì Moon đánh giá sao về tư duy tiêu dùng hàng hiệu của gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi) hiện nay?
Các bạn trẻ bây giờ sướng hơn lứa Moon rất nhiều: kinh tế khá hơn, bố mẹ chiều hơn…
Nhiều bạn bè của Moon cũng đã tạo thói quen dùng hàng hiệu cho con cái họ từ khi còn bé tí. Ở một góc nhìn thì đó là điều tốt, cho thấy đất nước mình đang phát triển theo hướng tích cực.
Nhưng nói đi thì cũng nói lại, Moon vẫn nghĩ việc giáo dục tư duy là quan trọng. Đã mặc một bộ đồ đẹp thì cũng nên nói chuyện thông minh, nên học giỏi.
Liệu chuyện giới trẻ, đặc biệt tuổi teen, dùng đồ hiệu có dẫn đến sự phân hóa giai cấp quá sớm?
Do đất nước mình còn đang trong thời kỳ phát triển nên đâm ra chuyện dùng hàng hiệu mới thành hệ trọng hay khác biệt, dễ bị để ý.
Dần dà vài năm nữa khi xã hội chuyển mình thì chuyện ai mặc hàng hiệu hay không cũng chẳng đáng để quan tâm đâu. Chung quy là bình thường, không có gì to tát.
Cảm ơn chị Moon vì những chia sẻ vô cùng thú vị!