Nhật ký một lần đẻ phải thêm ba lần nạo (P2)

Mẹ Bông,
Chia sẻ

Chưa kịp vui mừng khi được ở bên con, mẹ đã sớm phải đối mặt với những cơn đau và nỗi sợ hãi, ám ảnh đến gai người.

Từ ngày đưa con về nhà, niềm vui phủ đầy thế giới của mẹ một màu hồng hạnh phúc. Mẹ thấy những lo lắng vụn vặt mà trước đây mẹ phải lấn cấn về những kinh nghiệm mà các chị, các mẹ đi trước truyền lại hoàn toàn bay biến. Có khó gì đâu khi phải thức dậy theo từng cữ no – đói của thiên thần nhỏ. Được nhìn ngắm con yêu chóp chép cái miệng bé xinh để đòi ăn, rồi ngắm con mỉm cười sung sướng khi đã thỏa thuê no sữa, mẹ cảm thấy như mình đã làm được một việc còn lớn lao hơn cả xây Vạn lý trường thành.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng khi được ở bên con, mẹ đã sớm phải đối mặt với những cơn đau và nỗi sợ đến gai người.

Từ ngày ra viện đến nay, sữa mẹ đã về cho con bú, thế nhưng không hiểu sao sản dịch của mẹ có gì đó khang khác. Mẹ nhớ là từng đọc trên các diễn đàn, nhiều người đã mô tả kỹ lưỡng rằng: Sản dịch trong 3 ngày đầu có màu đỏ tươi, sau đó sẽ nhạt dần, có màu hồng nhạt, giống như dịch loãng. Tiếp theo đó, trong khoảng từ 7 đến 10 ngày sau khi sinh, sản dịch sẽ có màu màu vàng nhạt và màu trắng. Còn với mẹ, cho đến ngày thứ 7 sau khi xuất viện, mẹ vẫn thấy không có gì thay đổi hay biến chuyển về màu sắc hay lượng sản dịch tiết ra từ cơ thể mình.

Khi nghe mẹ thắc mắc, cảm thấy bất an, ông ngoại con đã hộ tống mẹ đến bệnh viện để khám lại. Bà bác sĩ quen sau khi thăm khám bằng cách đo huyết áp, sờ nắn bụng mẹ và hỏi han các dấu hiệu đã nhận định: dư dịch. Và để giúp mẹ sớm tống hết các niêm mạc đã hoại tử sau quá trình sinh nở, bà bác sĩ kê cho mẹ một đơn thuốc với lời khẳng định chắc nịch: “Về uống hai hôm là hết.”

Tối hôm đó, mẹ uống liều thuốc đầu tiên. Chưa nói gì đến hai hôm, mà chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, mẹ đau bụng quằn quại và chảy máu ồ ạt. Trong đầu văng vẳng hai từ “băng huyết” và những biến chứng đi kèm mà mẹ đã tìm hiểu được qua nhiều nguồn thông tin, mẹ được bố con bế thẳng lên ô tô và đưa ngay đi bệnh viện. Tại đây, sau khi được một bác sĩ trẻ siêu âm, mẹ mới biết mình bị sót nhau.

Bảy ngày vừa qua, nhau thai – thứ gắn kết giữa mẹ và con – đã chăm chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất: Lấy máu của mẹ và đổ vào tử cung – nơi không còn một sinh linh nào cần chăm sóc nữa. Lượng máu ứ đầy trong tử cung của mẹ cứ ngày ngày thoát ra ngoài như sản dịch, đồng thời cũng khiến bụng mẹ luôn âm ỉ đau.

Nhật ký một lần đẻ phải thêm ba lần nạo (P2) 1
Ảnh minh họa.

Thủ thuật xử lý sót nhau rất đơn giản và chẳng khác gì một ca nạo hút thai. Sau đó, mẹ được cho về nhà cùng một đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm và làm co tử cung.

Sau ngày làm thủ thuật, mẹ thấy mệt mỏi vô cùng. Những cơn đau không làm mẹ chán nản bằng việc sữa của mẹ ít dần đi do uống kháng sinh.

Một tuần sau đó, mẹ vẫn thấy sản dịch không có dấu hiệu đổi màu và suy giảm số lượng. Bố và ông ngoại lại hộ tống mẹ trở lại bệnh viện. Lần này, bà bác sĩ quen lại điềm nhiên phán: dư dịch. Thế nhưng, rút kinh nghiệm lần trước, ông ngoại đưa mẹ đến thẳng phòng của trưởng khoa sản. Sau khi siêu âm, bác trưởng khoa cho biết: “Trong bụng cháu vẫn còn nhau, phải nạo lần nữa mới hết được!”.

Mẹ rụng rời tay chân khi phải bước lên giường để làm thủ thuật lần thứ 2. Không kể hết những cơn đau về thể xác, nỗi lo lắng và uất ức mới chính là thứ bào mòn tinh thần của mẹ. Mỗi lần xử lý sót nhau tương đương với một lần nạo thai, và theo cách tính như vậy thì chỉ trong 2 tuần, mẹ đã nạo thai đến 2 lần. Đây là điều mẹ chưa bao giờ có thể dám tưởng tượng ra là nó tồn tại, chứ đừng nói đến chuyện là bản thân mẹ lại rơi vào trường hợp này.

Lại những cữ thuốc kháng sinh nữa đi theo mẹ về nhà. Đón con từ tay bà ngoại, miệng gọi bố con pha sữa mà mẹ thấy lòng đau nhói. Mẹ sợ hãi, và hơn tất cả, mẹ cảm thấy mình bất lực khi không thể cho con một nguồn dinh dưỡng đủ đầy. Mẹ thầm nhủ: “Cố lên, mình sẽ ăn uống thật đầy đủ, rồi mình sẽ nhanh khỏe để có sức, có sữa cho Bông”. Thế nhưng, những vất vả của mẹ con mình chưa dừng lại ở đó.

Bốn ngày nữa trôi qua, mẹ có cảm giác như những viên thuốc kháng sinh và làm co tử cung không hề hiệu nghiệm. Những chai đạm ông truyền cho mẹ 3 ngày/lần không làm mẹ thấy khá hơn. Sản dịch của mẹ vẫn đều đều giữ nguyên màu sắc và số lượng, và mẹ ngày càng xanh xao, gầy guộc.

Quá xót xa khi nhìn vợ mệt mỏi và hao mòn, còn con thì không đủ sữa mẹ để bú, bố con quyết định giấu ông ngoại, đưa mẹ ra phòng khám tư do anh bạn thân vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ tại nước ngoài của bố làm bác sĩ chính. Tại đây, một lần nữa, kết quả siêu âm khiến mẹ rụng rời tay chân: nhau vẫn chưa được nạo hết, và giờ đây chúng đã chuyển sang giai đoạn rã mủn.

Lần xử lý thủ thuật thứ 3 như kéo dài cả thế kỷ. Mẹ dường như đã chai mòn với những cơn đau, chỉ còn lại một nỗi uất ức không lời nào diễn tả nổi. Tiễn mẹ ra về với lời dặn dò về các thực đơn ăn uống, anh bạn của bố còn chốt lại một câu như để an ủi mẹ: “Em chưa băng huyết hoặc nhiễm trùng là may mắn lắm rồi đấy!”.

Cầm kết quả khám trên tay, ông ngoại con lồng lộn lên vì tức tối. Nếu hôm đó không phải là ngày chủ nhật thì có lẽ ông đã gọi điện cho ban giám đốc, đề nghị ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn để “làm cho ra lẽ” sự việc này.

Hôm nay, khi nghe ông ngoại báo tin bà bác sĩ quen đang rơi vào tình trạng “chờ xử lý”, mẹ hoàn toàn thấy dửng dưng. Điều mẹ quan tâm là sau lần làm thủ thuật vừa rồi, 2 ngày nay sản dịch của mẹ đã đổi màu, mẹ đã ăn được nhiều hơn, không còn quá xanh xao như trước nữa.

Sau những ngày dài không đủ sữa cho con, hôm nay, ngực mẹ đã có lại cảm giác căng sữa. Mẹ tin rằng chỉ một vài hôm nữa, mẹ sẽ lại hoàn toàn khỏe mạnh để chăm sóc và nuôi dưỡng thiên thần nhỏ của mẹ.

Có lẽ, câu chuyện của mẹ sẽ làm không ít người phải rùng mình vì sợ hãi. Thế nhưng giờ đây khi nhìn lại, mẹ chỉ thấy thầm cảm ơn Trời Phật đã xót thương mẹ con mình. Trải qua những dấu ấn kinh hoàng của lần vượt cạn đầu tiên trong đời, mẹ càng thấm thía hơn niềm hạnh phúc khi có được đặc ân là mình vẫn còn được ở bên cạnh để ngày ngày chăm lo cho con.



Quên rặn đẻ, đại tiện ngay trên bàn đẻ hoặc chửi chồng trong lúc đau đẻ... là những chuyện mãi khi vào phòng đẻ một số mẹ bầu mới... sốc.
Nhật ký một lần đẻ phải thêm ba lần nạo (P2) 2
Chia sẻ