Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về một khía cạnh khoa học để nâng cao tầm vóc giống nòi.
Kẽm rất quan trọng đối với tầm vóc và sức khỏe con người
Tổng lượng kẽm trong cơ thể vào khoảng 2,5g kẽm, 90% kẽm có trong nội bào, trong đó 30% trong xương và 60% trong cơ. Nồng độ của kẽm khá cao trong các cơ quan: mắt, tuyến tiền liệt, thận, gan, tụy và tóc. Dịch lỏng cơ thể chỉ chứa lượng nhỏ kẽm, trong máu có 0,9mg/lít. Ở người trưởng thành, hàm lượng kẽm trong cơ thể là 20 mg/kg thể trọng. Trong thời kỳ cơ thể đang tăng trưởng và phát triển ở tuổi thiếu niên, hàm lượng kẽm tăng gấp 1,5 lần. Khi đó nếu thiếu kẽm, cơ thể chậm phát triển, trẻ em không lớn lên được. Ở phụ nữ mang thai, kẽm được huy động từ cơ thể người mẹ sang thai nhi, nên hàm lượng kẽm trong máu của thai phụ có thể giảm đến 50%.
Thức ăn giàu kẽm
Các nghiên cứu cho thấy: kẽm tác động đến hơn 200 enzym (men) của cơ thể, trong đó có nhiều enzym đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein, nên có tác động rất lớn đến các quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Kẽm có các vai trò: điều hòa quá trình chuyển hóa acid nucleic, ảnh hưởng đến sinh trưởng của tế bào và hình thành sẹo. Điều tiết sự chuyển hóa các hormon như insulin, gustin, chất phát triển thần kinh. Điều hòa các tế bào máu. Điều hòa hoạt động của tuyến tiền liệt nên khi thiếu kẽm, trẻ em bị thiểu năng sinh dục, người lớn bị vô sinh.
Kẽm giúp mắt chúng ta nhìn tinh hơn, nên khi thiếu kẽm, mắt nhìn kém đi. Kẽm tác động đến thần kinh trung ương, người hôn mê thường bị thiếu kẽm. Kẽm có tác động quan trọng lên hormon tăng trưởng (GH), hormon sinh dục testosteron… Tác động của kẽm lên sự tăng trưởng chiều cao có một cơ chế rất phức tạp: qua enzym và hormon, khôi phục tình trạng suy giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm năng lượng, khôi phục và tăng cường chức năng tiêu hoá, chức năng miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn, khôi phục và làm ổn định giấc ngủ ở trẻ em… Kẽm tích trữ trong gan. Gan điều hòa kẽm trong cơ thể, huy động kẽm tham gia cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại stress, nóng, lạnh, mệt mỏi…
Phát hiện cơ thể thiếu kẽm
Một người đang khỏe mạnh bình thường, khi bị thiếu kẽm, sẽ có các dấu hiệu: táo bón, bình thường đi ngoài ngày một lần, hay bị táo bón có khi mấy ngày mới đi ngoài một lần, phân khô, đóng cục, đi ngoài rất khó; tổn thương da, chậm liền sẹo khi bị thương, rụng tóc; rối loạn thị giác, nhìn kém; suy yếu hệ miễn dịch, hay bị bệnh nhiễm khuẩn như mụn nhọt, ho, viêm phế quản, viêm tai mũi họng; phát triển các khối u; rối loạn về tâm thần kinh. Ở phụ nữ mang thai, thiếu kẽm sẽ gây ra các triệu chứng nghén như: chán ăn, buồn nôn, nôn, mất ngủ… dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng cung cấp cho bào thai phát triển, trẻ sinh ra bị thiếu cân và dễ sinh non; mẹ thiếu sữa. Nếu nặng, trẻ bị suy dinh dưỡng, lùn, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục và chậm phát triển tâm thần vận động.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Neil Ward và cộng sự cho thấy: thai phụ có hàm lượng kẽm càng thấp thì trọng lượng trẻ sinh ra càng thấp và vòng đầu càng nhỏ. Nghiên cứu khác thì cho biết: vòng đầu nhỏ khi sinh có liên quan đến sự phát triển của toàn bộ hệ thần kinh trung ương và DNA của não bộ, hậu quả là có thể dẫn đến chức năng của hệ thần kinh trung ương bị khiếm khuyết và chậm phát triển tâm thần. Do hệ miễn dịch phát triển trong giai đoạn bào thai nên thiếu kẽm ở thai phụ sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng miễn dịch ở đứa con.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ hạn chế về chiều cao là do thiếu kẽm.
Muốn cao lớn phải “ăn” đủ kẽm
Nhu cầu kẽm thay đổi theo tuổi và trạng thái sinh lý: trẻ 1-9 tuổi cần 10mg mỗi ngày; trẻ 10-12 tuổi là 10-15mg; trẻ lớn hơn và người lớn là 15mg; phụ nữ mang thai là 20mg; bà mẹ cho con bú là 25mg. Hàm lượng kẽm trong sữa non của thai phụ mới sinh rất cao 20mg/ lít. Sữa mẹ chứa nhiều kẽm nhất, vượt xa sữa bò, sữa đậu nành và các loại sữa công thức. Mặt khác kẽm trong sữa mẹ được hấp thu tốt hơn và có sinh khả dụng cao hơn so với kẽm trong sữa bò. Các bệnh: viêm dạ dày, ruột, viêm túi thừa, xơ gan cũng làm giảm hấp thu kẽm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, muốn bổ sung đầy đủ kẽm cho cơ thể thì phải ăn những loại thực phẩm giàu kẽm như: hàu, trai, sò, thịt nạc đỏ (lợn, bò), ngũ cốc thô và các loại đậu. Các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để con có đủ kẽm để phát triển cơ thể. Có thể tăng cường kẽm bằng các loại thực phẩm bổ sung kẽm, tiện dụng nhất là sữa. Ngoài ra, để tăng hấp thu kẽm hãy thường xuyên bổ sung vitamin C.
Phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ các bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật. Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg phải bổ sung kẽm từ tháng thứ 2 sau sinh. Khi trẻ có các biểu hiện thiếu kẽm, bạn cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.