Mệt mỏi vì con bướng bỉnh
Khi bước sang tuổi thứ 2, bé đã thích được thể hiện mình, thích làm một cách tự lập không cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ. Thái độ bướng bỉnh từ đây mà hình thành trong bé.
"Chịu con rồi!"
Càng lớn bé Khánh (4 tuổi) càng tỏ ra là một cậu bé bướng bỉnh. Anh Chiến Thắng – chị Tú Linh (Quận Tân Bình – TP HCM) – bố mẹ bé thi thoảng còn đùa nhau: “Cứ nghĩ tới cảnh, cả ngày thứ 7, Chủ Nhật phải ‘vật’ với bạn ý, khiếp cả vía”.
Biết được cả nhà chiều thế nên Khánh lúc nào cũng sẵn sàng “phản kháng” nếu bố mẹ có cấm đoán điều gì. Điển hình như việc Khánh rất thích nghịch cái bình đun nước.
Để tiện đun nước, anh chị đành bố trí một chỗ bé xinh xinh cho nó trong phòng ngủ. Dặn rất nhiều lần rằng “sờ vào phích, con sẽ bị bỏng, rất đau, phích biết cắn đấy” nhưng bé vẫn xí xớn, lăng xăng chạy quanh cái phích, chỉ trực khi không có ai nhìn theo là ôm chầm lấy.
Để tiện đun nước, anh chị đành bố trí một chỗ bé xinh xinh cho nó trong phòng ngủ. Dặn rất nhiều lần rằng “sờ vào phích, con sẽ bị bỏng, rất đau, phích biết cắn đấy” nhưng bé vẫn xí xớn, lăng xăng chạy quanh cái phích, chỉ trực khi không có ai nhìn theo là ôm chầm lấy.
Mắng, thậm chí là đánh nhưng Khánh tỏ ra bướng bỉnh, khóc loạn lên và chỉ đến khi bố mẹ đưa phích cho thì bé mới chịu nín. Anh Thắng còn phải thốt lên: "Chịu con rồi, tính con bướng giống ai vậy?"
Khi bước sang tuổi thứ 2, bé đã thích được thể hiện mình, thích làm những gì bản thân thích một cách tự lập không cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ. Thái độ bướng bỉnh từ đây mà hình thành trong bé.
Khánh rất thích quăng quật đồ đạc, anh chị dùng mọi biện pháp, nhẹ có nặng có nhưng bé tỏ ra bướng bỉnh, cười phá lên mỗi khi đập được món đồ gì đó chan chát. Và đương nhiên, bố mẹ càng ngăn cấm, càng cáu thì bé càng làm, rồi giậm chân, giãy lên đành đạch, lăn đùng ra đất đập tay chân xuống nền…
Anh chị tỏ ra vô cùng mệt mỏi vì “Khánh quá bất trị”. Lo lắng và lên những diễn đàn chia sẻ, anh chị cũng nhận ra nỗi lo về con bướng bỉnh không chỉ có mình mình. Hiện giờ vợ chồng anh chị chỉ biết "thỏa hiệp" vô điều kiện với con...
Lo lắng và lên những diễn đàn chia sẻ, anh chị cũng nhận ra nỗi lo
về con bướng bỉnh không chỉ có riêng mình. (Ảnh minh họa)
Như trường hợp của nhà chị Thủy Tiên (Khâm Thiên, Hà Nội) là một ví dụ. Chị cũng “phát điên” mỗi khi Bi - cô con gái 5 tuổi nhà mình suốt ngày ăn vạ.
Nào chuyện con vứt đồ chơi vào người anh trai mà nhất quyết không chịu xin lỗi anh, vứt cứ vứt rồi cười khanh khách, rồi là chuyện con đòi sách mà anh đang học bài, anh chưa kịp nói gì thì con đã nhao đến xé rách…
Nhất là khi có khách đến, bé Bi thể nào cũng đòi “mẹ bế, mẹ lên phòng cơ”, âu yếm, dỗ dành thì con càng gào lên, mắng thì con lại lăn đùng ra ăn vạ, khóc sướt mướt tới lúc khách về mới thôi. Biết bao lần chị xấu hổ với bạn bè khi con quấy khóc.
Lập ra cam kết rõ ràng với con
Các bậc phụ huynh phải biết rằng trước tình trạng bé bướng bỉnh, càng đánh mắng, hay tỉ tê thủ thỉ… bé sẽ vẫn không chịu nghe lời dễ thế đâu. Bố mẹ nên rõ ràng với bé ngay từ đầu bằng những lời giải thích nghiêm túc.
Bạn nên bỏ qua suy nghĩ “Cứ chiều bé, bé còn nhỏ mà, giải thích làm sao mà hiểu được”, bởi vì ở tuổi này bé đã hiểu được những điều bạn nói với bé rồi.
Để trẻ hết thói bướng bỉnh, điều quan trọng là cha mẹ không nên áp đặt ý muốn của mình mà hãy lắng nghe, thấu hiểu tâm trạng và tôn trọng những yêu cầu, sở thích của bé.
Chị Chi Vân (Quận 1, TPHCM) – mẹ Nhím Xù chia sẻ: “Trước đây Xù ghê gớm lắm, hơi một tí là giãy nảy lên, nằng nặc đòi bố mẹ phải làm theo ý mình. Thế rồi, lên mạng học cách của mấy mẹ, mình áp dụng theo. Ban đầu còn xót con lắm nhưng sau ‘cứng’ hơn, quả thực Nhím Xù vào quy củ hẳn”.
"Thỏa hiệp" liên tục với con không phải là một cách hay. (Ảnh minh họa)
Phương pháp của Chi Vân rất đơn giản, chỉ là “mặc kệ, cho bé khóc cứ khóc, gáo cứ gào”. Xong xuôi đâu đấy, chị lại nhẹ nhàng giải thích với con tại sao đòi hỏi lại bị từ chối.
Theo Chi Vân, có nhiều ông bố bà mẹ mặc dù đã “lên gân” với con nhưng lại không đủ cương quyết khi con giở bài khóc, dỗi, cuối cùng họ đành nhượng bộ. Đấy hoàn toàn là sai lầm!. Một quyết định đã được đưa ra, bố mẹ hãy trung thành với nó. Đừng để con thấy rằng cha mẹ dễ mềm lòng như vậy, bé sẽ càng được thể, thi gan, mè nheo…
Như trường hợp ở trên - chị Tiên gặp phải là một ví dụ, bé bướng bỉnh, không nghe lời mẹ, mè nheo, hờn giận từ lúc khách đến đến lúc khách về. Việc nhượng bộ con như vậy chưa hẳn là một cách hành xử đúng đắn.
Nếu con bạn không nghe lời và tỏ thái độ bướng bỉnh, bạn hãy kiên quyết bế con đi chỗ khác, và nói rõ rằng "Con đang hư đấy". Nếu bé vẫn như vậy, bạn hãy dũng cảm kệ bé.
Dù còn bé nhưng con đều có thể hiểu được thái độ của bố mẹ đối với việc làm sai hay đúng qua âm lượng của lời nói, qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ… Và để dạy, uốn nắn được trẻ thì trước tiên người lớn cần phải gương mẫu và nhất quán cách dạy con. Không thể mẹ nói là a mà bố lại nói là b.
Có một cách mà nhiều mẹ đang áp dụng đó là trước khi đi ngủ, cha mẹ thường đọc truyện cho con nghe. Những câu chuyện dạy bé về cách ứng xử, hành vi tốt, tình yêu thương đồng loại...
Một cách khác cha mẹ có thể sử dụng là phương pháp phạt lấy đi những đặc quyền của trẻ. Chẳng hạn, chị Tú Quyên (Kim Mã, Hà Nội) hay áp dụng biện pháp này với bé Tuti nhà mình.
Mỗi khi bé bướng, không nghe lời bố mẹ, chị phạt bé không cho xem Siêu nhân cả ngày hôm đó (phim hoạt hình mà Tuti yêu thích) và trước khi ngủ sẽ không được mẹ thơm và chúc ngủ ngon.
Thế là, sau một thời gian ngắn, Tuti đã hiểu rằng, nếu làm sai thì con sẽ bị lấy mất một số thứ nó yêu thích. Chị chia sẻ rằng: “Hình phạt này chỉ là một cách dạy bé, hướng cho con thực hiện các hành vi chuẩn được xã hội chấp nhận, khuyến khích bé thay đổi”.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tự nâng cao nhận thức cho mình, đọc sách báo để hiểu tâm sinh lý phát triển của trẻ. Khi xảy ra một tình huống, thay vì mắng mỏ, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của con và cùng con giải quyết.
Tham khảo mẹo hay trị bé bướng bỉnh của mẹ Tibi nhé!