Mất ăn mất ngủ vì lần đầu làm mẹ
(aFamily.vn) - Sau khi thiên thần nhỏ xíu chào đời, không ít chị em bị khủng hoảng nhất là trong lần đầu làm mẹ.
Không được ngủ nhiều, suốt đêm thao thức trông con, thời gian chơi, chăm sóc bản thân bị hạn chế đi rất nhiều, con chỉ theo bà... là những điều khiến nhiều chị em gặp stress khi lần đầu làm mẹ.
Khủng hoảng vì con bám mẹ nên suốt ngày chỉ ở nhà
Trước khi Tuti chào đời, chị Tú (28 tuổi, nhân viên thiết kế) cứ cuối tuần lại từ biệt chồng, xách ba lô đi du lịch với đám bạn thân thời phổ thông hoặc chị lại lang thang đi đâu đấy một mình để chụp ảnh thiên nhiên, với chị đó là cái thú để hưởng thụ cuộc sống.
Chị tự nhủ: “Mình sẽ mãi mãi như thế này kể cả sau này có con”. Thế nhưng nghĩ là việc của nghĩ, đến khi bé Tuti ra đời, cuộc sống của chị hoàn toàn bị đảo lộn khi lần đầu làm mẹ.
Trước đây, chị đã “chấm” trước người chăm con chính cho chị là bà nội - mẹ chồng chị, nhưng đúng lúc đó, anh trai chồng (định cư bên nước ngoài) bị ốm, bố mẹ chị lại phải lục đục làm một chuyến sang chăm con, các cụ dự định đi sang đó khoảng 6 tháng.
Đọc nhiều sách báo, lại được sự động viên, chia sẻ của bạn bè, chị cũng lên tinh thần cho bản thân nhưng chị vẫn không tránh khỏi được những khủng hoảng tinh thần và sức khỏe mà thiên thần nhỏ đem lại cho mình. Thế là bây giờ cũng giống như bao bà mẹ khác, chị thức trọn 22 tiếng và ngủ chập chờn vào khoảng thời gian ít ỏi còn lại.
Những đêm đầu chị được chồng giúp còn đỡ nhưng những hôm sau, dù mệt mỏi nhưng chị vẫn cố nhận mọi việc chăm con về mình và động viên anh đi ngủ.
Sau khi thiên thần nhỏ xíu chào đời, không ít chị em bị khủng hoảng nhất là trong lần đầu làm mẹ (Ảnh minh họa)
Cũng bởi có hôm, chị tỉnh dậy nhìn thấy chồng đang vừa ngủ gật vừa ru con ngủ mà chị thấy thương. Đúng hôm đó, chị lén nghe thấy anh to tiếng trong điện thoại với đồng nghiệp và chị biết vì ngủ quên nên anh bị trễ một cuộc rất họp quan trọng sáng hôm đó. Chị thương anh đi làm cả ngày vất vả nên cũng cần có những giấc ngủ sâu, thế nên từ hôm đó hết ngày này qua ngày khác chị thức trông con ngủ.
Được mẹ yêu, mẹ chiều, Tuti bện hơi mẹ ra mặt. Mẹ cứ đi ra khỏi tầm mắt là Tuti gào khóc ầm ĩ, nôn trớ sữa để giữ chân mẹ. Cũng tìm tòi đủ cách từ lẩn trốn đến thủ thỉ nhỏ to, khuyên răn nhưng cứ không thấy mẹ đâu là bé lại khóc ngằn ngặt.
Có mấy hôm khi bé đã ngủ say, anh Tâm – chồng chị động viên, ủng hộ vợ đi bar, café (thú vui của vợ trước đây) với bạn bè để thoải mái đầu óc. Hôm nào may mắn bé ngủ một mạch tới sáng thì không sao, còn có hôm, đang ngủ bé choàng dậy kiểm tra, không thấy mẹ đâu, bé khóc váng nhà, nôn sạch cháo sữa, "mật xanh mật vàng". Càng dỗ, con càng khóc, người tím tái, anh lo lắng đành phải gọi vợ về nhà.
Buồn vì bé theo bà, không theo mẹ
Hạnh phúc khôn xiết khi sau hơn 9 tháng chờ mong, bé Công đẹp trai đã chào đời một cách khỏe mạnh. Lần đầu làm mẹ, dù mệt mỏi tới nhường nào nhưng nhìn con yêu ăn no lại nằm ngủ khì, bao phiền muộn trong chị Ngọc (27 tuổi, bán hàng) đều tiêu tan.
Thế nhưng, sau một tuần đầu, chị stress kinh hoàng khi con chơi với bà nội không sao nhưng cứ đến tay chị bế, bé lại khóc ngằn ngặt, nôn trớ như... bị mẹ đánh. Chị đau khổ đến rơi nước mắt khi bé không chịu theo mẹ.
Chị tự trách bản thân: “Có thể do mình không cho bé ti mấy hôm đầu nên tình cảm con dành cho mẹ ít”.
Chị nhớ lại, những ngày đầu từ bệnh viện về, chị bị tắc tia sữa nặng nên phải điều trị kháng sinh, thế là vài ngày đầu chị phải ngừng cho con bú sữa mẹ vì sợ thuốc làm ảnh hưởng tới nguồn sữa. Sau khi điều trị xong, chị ép, cưng nựng, dỗ dành thế nào, bé cũng không chịu ti mẹ, chỉ ti bình.
Nghe theo bạn bè, chị cũng cố gắng bỏ đói con. Thế nhưng lúc đói bé cũng nhất quyết giãy ra không chịu ti mẹ, xót cháu, bà nội pha ngay cho bé bình sữa khác.
Đến bây giờ, khi Công được hơn 1 tuổi nhưng lúc nào cũng chỉ "bà bà", mẹ ru ầu ơ dỗ dành bé cũng không theo và càng khóc đáo để. Nhiều khi chị khóc tủi thân: "không hiểu có phải do mình sinh con vào giờ xấu hay không mà con chẳng yêu mẹ chút nào".
Chán nản vì con không theo, mệt mỏi vì chẳng được ngủ đủ giấc, thiếu ngủ lại kém ăn khiến chị mệt mỏi khôn cùng và như bị khủng hoảng tâm lý. Một thời gian dài, không hiểu sao, bé Công khó ngủ, cứ 2 giờ sáng lại tỉnh dậy chơi tới 6 giờ, chuyện này kéo dài hơn 2 tuần.
Ngoài lo lắng cho sức khỏe của con, chị càng mệt mỏi hơn và nhạy cảm hơn với mọi lời nói của người khác.
Chị xầm xì mặt mũi khi nghe chồng than vãn: “Có khi bị lây chứng khó ngủ của mẹ nó”, thậm chí chị còn cáu gắt với cả bác sĩ khi được nghe tư vấn: “Phải xem lại cách chăm sóc của mẹ, chứ chẳng có trẻ nào lại khó ngủ như cô miêu tả cả”.
Kết:
Trở thành mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhiều chị em, tuy nhiên niềm hạnh phúc này cũng ít nhiều gây nên những xáo trộn, đạo lộn cho cuộc sống. Chị em nên bình tĩnh, chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng để vượt qua giai đoạn lần đầu làm mẹ.
Bạn nên nghe trái tim mình mách bảo điều gì nên và không nên với con, linh tính sẽ giúp bạn biết được con đang khó chịu ở đâu và giải quyết được mấu chốt của vấn đề.
Bạn nên tận dụng sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc bé và dành thời gian để chăm sóc bản thân. Những biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng stress chẳng qua do bản thân bạn đang ôm đồm quá nhiều việc và chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Kết:
Trở thành mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhiều chị em, tuy nhiên niềm hạnh phúc này cũng ít nhiều gây nên những xáo trộn, đạo lộn cho cuộc sống. Chị em nên bình tĩnh, chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng để vượt qua giai đoạn lần đầu làm mẹ.
Bạn nên nghe trái tim mình mách bảo điều gì nên và không nên với con, linh tính sẽ giúp bạn biết được con đang khó chịu ở đâu và giải quyết được mấu chốt của vấn đề.
Bạn nên tận dụng sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc bé và dành thời gian để chăm sóc bản thân. Những biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng stress chẳng qua do bản thân bạn đang ôm đồm quá nhiều việc và chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Giai đoạn đầu nuôi con, mỗi khi trẻ quấy khóc, nôn trớ đều khiến người mẹ lo lắng. Tuy nhiên, phần đông trong đó là "stress oan" bởi hầu hết chỉ là vấn đề về tiêu hóa nhẹ.