Lộ bí mật của bà mẹ chăm con mát tay
Lúc chào đời tuy sinh non nhưng dưới bàn tay chăm bẵm của mẹ Kim Chi (28 tuổi, VOV Giao Thông), bé An An ngày càng xinh xắn và khỏe mạnh.
Chăm lo sức khỏe và tự tay chế biến món ăn đủ chất cho con
- Chào Chi, nhìn An An bây giờ, không ai nghĩ trước đây bé bị sinh non. Bạn có bí quyết gì mà chăm bé tốt như vậy?
Cũng bởi An An sinh non (lúc đó có 1,9kg) nên sức đề kháng kém hơn những bé khác, chính vì thế cả gia đình mình đều rất cẩn thận trong việc chăm sóc bé từ sức khỏe đến chế độ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, cũng không có gì quá đặc biệt so với các bé khác. Lúc An An chưa ăn dặm thì mình quan tâm đến các loại sữa bột, xem con hợp sữa nào, loại nào thì con ăn không bị táo bón mà vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Hàng ngày, mình chọn cẩn thận và xay từng loại hoa quả lấy nước cho con uống để có đủ vitamin cần thiết.
Bé An An và bố mẹ
Đến khi con ăn dặm thì mình cố gắng chế biến các món bột, cháo đầy đủ chất xơ, chất đạm, vitamin để cung cấp năng lượng đủ cho bé. Ngoài bữa ăn chính, mình cho An An ăn thêm hoa quả, sữa chua, váng sữa...
Khi tròn 1 tuổi, mình không cho bé uống sữa bột nữa mà chuyển hẳn sang sữa tươi. Trộm vía, cân nặng của con tăng đều, tiêu hóa tốt.
Đến bây giờ, khi đã biết ăn cơm thì chế độ ăn của con giống như của tất cả các thành viên khác trong gia đình. Con hấp thụ tốt nên khá cứng cáp và cao hơn so với các bạn cùng tuổi.
- Từ khi bé “tham gia” ngồi cùng mâm với bố mẹ, Chi có phải thay đổi khẩu phần cho đặc biệt hơn không?
Có chứ, có An An ăn cùng mâm, mình cũng cẩn thận hơn trước đây một chút, các bữa mình tự tay đi chợ, chế biến cho cả nhà. Mình rất chú trọng đến chiều cao của con. Ngoài việc bổ sung nguồn canxi từ sữa thì cũng không thể bỏ qua nguồn canxi từ các loại thực phẩm khác như tôm, cua, ốc... Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vitamin A, D (có nhiều trong sữa, trứng, rau xanh và trái cây tươi), lysin, sắt, kẽm, iốt vào chế độ ăn của trẻ.
- Luôn đặt tiêu chí vệ sinh sạch sẽ cho con lên vị trí số 1, cụ thể đó là gì vậy?
Mình chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh bé bị đi ngoài do tay bẩn sờ vào thức ăn rồi đưa lên miệng. Đồ chơi thì cứ 1 tuần mình lại mang ra xả nước cho sạch rồi cho vào 1 chậu nước nóng để tráng qua, phơi khô cho bé nghịch.
- An An có vẻ là một cô bé vô cùng hiếu động…
Đúng vậy, bây giờ con khá hoạt bát, nhanh nhẹn và hiếu động. Là con gái nhưng “nghịch” không khác gì con trai. Trước đây con rất nhút nhát, không thích tiếp xúc với người lạ, chỉ thích ở nhà, và ở trong phòng của cháu.
Đã có lúc cả nhà còn nghi cháu có dấu hiệu tự kỷ. Mình cũng lo lắng, dành nhiều thời gian hơn cho con, chịu khó đưa con đến những nơi đông người như siêu thị, khu vui chơi để con quen với việc tiếp xúc với người lạ.
Khen mỗi khi con đạt một thành tích nhỏ sẽ rất hiệu quả trong việc giúp con bớt nhút nhát. Với mỗi sự cố gắng của con, mình không bao giờ tiếc lời khen. Mình rất hay nói: “Mẹ thật tự hào vì con, con thật can đảm”. Dần dần thì cháu dạn dĩ hơn…
- Nghe nói An An rất hào hứng đi học từ ngay những ngày đầu, Chi làm gì giúp con hòa nhập với môi trường nhanh đến vậy?
Ngày đầu tiên đến lớp, giống như các bé khác, An An cũng khóc do tiếp xúc với môi trường mới, cô giáo mới, bạn bè mới. Trước khi cho bé đến lớp, mình đã tham khảo nhiều chị em đồng nghiệp cũng như thông tin trên các diễn đàn về kinh nghiệm cho con đi nhà trẻ để có được những hiểu biết nhất định, giúp con hòa nhập với môi trường mới nhanh hơn.
Cũng rất may là An An nhanh chóng quen với việc đi lớp. Mặc dù buổi sáng còn mè nheo mẹ, nhưng đến lớp thì theo cô vào và nín khóc ngay. Thêm vào đó, ngày càng cô nàng lại háo hức, hăng say đến trường.
Theo kinh nghiệm của mình, mỗi ngày khi đưa đón con, mình hay hỏi chuyện ở lớp con cô dạy những gì, con chơi với bạn nào, con ăn món gì... rồi kể những câu chuyện thiếu nhi gắn với lớp mẫu giáo để con có hứng thú đi học.
Hạnh phúc khi bé bụ bẫm và xinh đẹp
Cương nhu đúng lúc và đặt mình vào vị trí của con
- Trong cách dạy con, phương pháp “uốn nắn” bé của Chi là gì?
Cương nhu đúng lúc bởi bé nhà mình rất bướng bỉnh. Nhiều khi dỗ ngon dỗ ngọt không được, mình lại phải dọa bằng roi. Mình nghĩ nếu cương nhu đúng lúc thì bé sẽ biết nghe lời hơn.
Nếu chỉ nói ngon ngọt thì cháu sẽ quen và sẽ mè nheo, đòi hỏi bố mẹ. Nhưng nếu dạy con bằng roi thì mình nghĩ sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như tính cách của bé sau này, và rồi bé sẽ lì đòn. Đến lúc đó dạy con sẽ còn khó hơn rất nhiều.
- Với bạn điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con là gì?
Sức khỏe con sẽ là điều quan trong nhất. Bên cạnh đó, mình luôn đặt việc quan tâm, chia sẻ, hiểu con lên vị trí thứ 2.
Chia sẻ với con là điều rất quan trọng, điều này sẽ giúp mình kịp thời dạy bảo hay động viên con. Bây giờ, bé nhà mình mới chỉ 3 tuổi, cháu mới chỉ biết kể chuyện trường lớp, thầy cô, bạn bè, món này món nọ. Mình là mẹ đồng thời mình cũng cố gắng đặt mình vào vị trí 1 người bạn của con để chơi với con, kể những câu chuyện gắn với thế giới nhỏ của bé để qua đó dạy bé cách cư xử với những người xung quanh.
Cứ cuối tuần là bố lại đưa hai mẹ con đi chơi
- An An là con đầu cháu sớm nên được ông bà chiều, liệu Chi và bố mẹ có bị xung đột trong cách chăm bé không?
Đúng vậy, ông bà rất chiều, đặc biệt là ông bà ngoại - những người gắn bó với bé từ nhỏ. Cũng có những lúc bố mẹ dạy con bằng cách dùng roi, và ông bà không hài lòng, lên tiếng bênh cháu. Mình nghĩ như vậy sẽ làm hư bé vì bé biết là mình được chiều.
Ví dụ khi bé bị sốt, mình giặt khăn bằng nước nóng rồi lau người, đắp trán cho bé nhưng bà thì nghĩ rằng sốt thì phải lau và đắp khăn lạnh mới hạ nhiệt, đó là kinh nghiệm nuôi các con của bà…
Cũng vì chăm bé mà nhiều khi hai mẹ con to tiếng với nhau. Nhưng sau đó mình mở máy tính, search thông tin và cho bà đọc, bà sẽ hiểu. Mình hiểu vì ông bà quá yêu cháu mà thôi…
- Cảm ơn Chi vì buổi nói chuyện thú vị này!
Tham khảo tuyệt chiêu dạy bé với kỷ luật không nước mắt của mẹ Hoàng Nguyên.