Cha mẹ hết sức lưu ý với tai nạn mùa hè thường gặp ở trẻ
Đuối nước, tai nạn giao thông, côn trùng đốt... là những tai nạn thường thấy ở trẻ trong dịp hè.
Muôn kiểu tai nạn mùa hè
Chết đuối: Ngày 14/5 vừa qua, sau giờ học sáng, hơn 20 học sinh lớp 6 rủ nhau ra hồ thủy điện Sêrêpốk 4 (Đắk Lắk) gần đó tắm. Trong lúc nô đùa, cả nhóm nắm tay theo hình vòng tròn, từ từ tiến ra xa bờ, bất ngờ có mấy bạn bị hụt chân kéo theo các bạn khác. Ngay sau đó, bốn học sinh đã tử vong.
Ở một trường hợp khác, chị Anh Thơ (Bình Phước) sợ hãi mỗi khi nhớ lại tai nạn của con, nhìn thấy con gặp nạn mà chị luống cuống, may có người sơ cứu bé kịp thời nếu không chị sẽ ân hận cả đời vì sự vô tâm của mình. Đợt nghỉ vừa rồi chị cho con ra biển, trong lúc mải nói chuyện với bạn bè trên bãi cát, chị không để ý bé Dũng đang tự ý ra biển tắm một mình không có phao, lúc ngó lên không thấy con đâu, thục mạng chạy đi tìm thì thấy con lóp ngóp kêu cứu dưới biển.
May có mấy cậu thanh niên sơ cứu kịp thời mà bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Không những thế, trong đợt hè này, nhiều trẻ rủ nhau ra tắm sông, suối, các em không nhận thức được rằng có vô vàn nguy cơ rình rập có khả năng xảy ra cướp đi mạng sống của mình.
Khi thấy trẻ gặp nạn dưới nước, việc cần làm của người lớn đó là ôm lấy để đầu trẻ nhô lên mặt nước,
đưa trẻ nhanh chóng vào bờ tiến hành hà hơi để thổi ngạt (Ảnh: Chí Toàn)
Say nắng: Mấy hôm nay, những cơn nắng nóng gay gắt đổ bộ khiến nhiều bé gặp nạn. Điển hình, vừa qua em N.Đ.N. (8 tuổi, nhà ở P.6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang), vào bệnh viện trong tình trạng co giật toàn thân, co quắp chân tay, run giật từng cơn, da khô nóng, sốt cao trên 40 độ C.
Bác sĩ nhanh chóng cho em lau nước ấm liên tục, uống thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau nửa giờ bé phục hồi dần. Mẹ N. kể bé chơi đá bóng ngoài trời suốt cả buổi trưa, đang chơi bỗng bé lăn đùng ra đất co giật dữ dội. Bác sĩ nhận định bé bị say nắng nặng.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên, bố mẹ cần sơ cứu cho bé đồng thời khẩn trương
gọi xe cấp cứu đưa con tới bệnh viện (Ảnh: Đông Quang)
Tai nạn giao thông: Nhắc tới chuyện này, chị Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) vẫn còn sợ hãi, chị suýt mất con trong một lần vô ý. Thực ra, chuyện chị cho bé Long ra đường đá bóng với bạn từ khá lâu rồi nhưng chị cứ nghĩ là chuyện bình thường.
Cứ 5 giờ chiều khi cái nắng mùa hè vẫn gay gắt, đường nhựa hầm hập phả lên hơi nóng, Long và bạn bé lại kéo nhau ra khu vực sân vận động chơi.
Với Long nói riêng, lũ trẻ con nói chung thì những khoảng đường rộng, xe cộ ít lưu thông là nơi tuyệt vời để đá bóng, chơi đùa, thả diều.
Ngày nào cũng đá bóng, đùa nghịch dưới lòng đường, các bé không hề biết rằng nguy hiểm về tai nạn giao thông luôn rình rập.
Một ngày đang làm cơm trong nhà, chị Hằng chạy bổ ra ngoài khi nghe thấy có người thông tin rằng con chị gặp nạn. Trong lúc đùa nghịch, vì không để ý tới xung quanh, Long và một bé nữa bị xe đâm, phải đưa ngay vào viện cấp cứu. Mắn mắn với gia đình khi cả hai bé đã qua được cơn nguy kịch.
Cứ 5 giờ chiều khi cái nắng mùa hè vẫn gay gắt, đường nhựa hầm hập phả lên hơi nóng,
Long và bạn bé lại kéo nhau ra khu vực sân vận động chơi (Ảnh minh họa)
Côn trùng cắn: Một ngày đi làm về, chị Nhàn (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy bé Ngô ngồi gãi tay sồn sồn. Ra xem, chị thấy trên tay con đó là một quầng đỏ lan rộng quanh chỗ đốt. Cứ ngỡ khoảng 1 ngày sau nốt đó sẽ tịt dần như nốt muỗi đốt thế nhưng toàn thân bé bị nổi mề đay, môi sưng, có biểu hiện co thắt phế quản.
(Ảnh minh họa)
Đưa con vào viện, chị được biết, một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm (ong, kiến...) sẽ gây sốc phản vệ hoặc suy thận, suy gan cấp cho người bị cắn, điều này càng nguy hiểm với sức đề kháng non yếu của bé. Chị nghe bác sĩ nhấn mạnh rằng khi trẻ bị ong hoặc côn trùng đốt rất dễ sốc phản vệ, có thể gây tử vong rất nhanh, chị lo lắng vô cùng.
Giật điện: Giật điện là một trong những tai nạn phổ biến mà trẻ gặp phải, đặc biệt là trong dịp hè vì các em được nghỉ học, nhiều khi ở nhà một mình nên hay tò mò nghịch ngợm. Nhắc lại trường hợp của mình, chị Thanh không khỏi hoảng sợ, vì sự bất cẩn của mình cộng với sự thiếu hiểu biết, nghịch dại của con mà gia đình chị suýt mất con.
Biết con nghịch ngầm, chị thường xuyên mắng mỏ. Một hôm đang làm cơm dưới bếp chị nghe tiếng con gọi mẹ rất to, chạy lên thấy toàn thân con tím tái, nhìn xung quanh là cái đũa sắt đang được cắm vào ổ điện. Hô hoán, rất may có bác hàng xóm tới giúp hô hấp nhân tạo kịp thời và bé đã thở lại được.
Giật điện là một trong những tai nạn phổ biến mà trẻ gặp phải, đặc biệt là trong dịp hè (Ảnh minh họa)
Mùa hè, cha mẹ cần để ý tới con trẻ nhiều hơn
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai nhận định: Mùa hè là thời điểm trẻ gặp nạn tăng lên đáng kể, để phòng tránh những tai nạn thương tích không đáng có với trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là cha mẹ và những người thân cần để ý, quan tâm tới các em thường xuyên.
Những nguy cơ tai nạn luôn rình rập mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ, làm thế nào để phòng ngừa và sơ cứu khẩn cấp cho trẻ nhỏ tại thời điểm đó là vô cùng quan trọng.
Khi thấy trẻ gặp nạn dưới nước, việc cần làm của người lớn đó là ôm lấy để đầu trẻ nhô lên mặt nước, đưa bé nhanh chóng vào bờ tiến hành hà hơi để thổi ngạt.Đồng thời móc họng để khai thông miệng trẻ, có thể để bé nằm sấp, vòng tay qua bụng, nâng lên đặt xuống mạnh cho nước ộc ra. Nếu là trẻ nhỏ thì người lớn cầm 2 chân dốc ngược trẻ lên.
Làm liên tục cho đến khi nào bé có dấu hiệu thở lại thì lau khô người bé, quấn khăn ấm và đưa bé tới bệnh viện.
Ngoài ra, việc cho trẻ học bơi là cách phòng tránh đuối nước tốt nhất và an toàn hơn cả. Ngoài ra cha mẹ cần lưu tâm tới trẻ, dạy trẻ những kỹ năng sử dụng phao bơi, cách hô hoán khi gặp tình trạng có người bị nạn.
Bác sĩ nhận định, những trẻ bị say nắng nếu không được cứu chữa kịp thời, bé có khả năng gặp nguy hiểm đến tính mạng. Chơi ngoài trời nắng gắt, nhiệt độ cơ thể trẻ tăng nhanh, dẫn tới bé bị rối loạn chức năng của một số cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng say nắng xuất hiện đột ngột, ban đầu là thấy cơ thể lả, da khô, môi tái nhợt, hơi thở yếu, buồn nôn, co thắt chân tay, co giật và hôn mê...
Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên, bố mẹ cần sơ cứu cho bé đồng thời khẩn trương gọi xe cấp cứu đưa con tới bệnh viện. Ban đầu cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ vào nơi có bóng mát và thoáng, cởi bớt quần áo, dùng khăn bông dấp nước mát đắp lên đầu, trán rồi lau khắp mình và chân tay trẻ, khuyến khích bé uống nước, uống chậm.
Đề phòng say nắng, cha mẹ cần trang bị cho bé phương tiện che chắn thích hợp như quần áo thoáng mát, mũ, khẩu trang, kính mát khi đi ra ngoài đường. Tuyệt đối không cho phép trẻ tắm, đi xe, đá bóng, chơi giữa trời nắng.
Tai nạn giao thông rất dễ xảy đến với các bé trong dịp nghỉ hè, các em đi xe đạp đi chơi, chạy nhốn nháo, vui đùa trên dưới lòng đường, tụ tập đá bóng, tắm mưa ngoài đường... Vì thế, để đảm bảo sự an toàn cho con trẻ, ngay từ khi con còn nhỏ cha mẹ nên dạy con biết cách tham gia giao thông một cách an toàn: đi sang đường như thế nào, ngồi sau xe thì ra sao, cái gì được và không được làm khi đang ở ngoài đường...
Để hạn chế trẻ gặp nạn khi bị côn trùng đốt, cha mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc với những vùng có nước tù đọng, ổ côn trùng vì mùa hè là mùa các loại côn trùng truyền bệnh hoạt động và sinh sản mạnh mẽ. Tránh cho trẻ mặc những bộ đồ màu sắc quá sặc sỡ, bởi điều này cũng dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị ong hay côn trùng hút mật đốt.
Cha mẹ cần dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Nếu trẻ bị đốt, bậc phụ huynh nên khuyên con không gãi, vì gãi ngoài việc khiến da bị tổn thương còn khiến độc tố (nếu có) phát tán rộng. Phụ huynh cần rửa sạch vết cắn sau đó bôi thuốc trị côn trùng cắn cho bé. Nếu tổn thương kéo dài nhiều ngày không đỡ, bạn nên đưa con tới khám.
Giật điện là một tai nạn vô cùng nguy hiểm mà nhiều trẻ gặp phải nhất là dịp hè. Xung quanh nhà có rất nhiều nơi có thể là "tử thần điện" nếu bố mẹ lơ là trong việc để tâm tới con. Đó có thể là tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt bị rò điện, ổ điện...
Trong tình huống này, việc đầu tiên cần làm đó là người lớn phải ngắt nhanh cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện hoặc đứng trên giẻ khô hoặc vật khô cách điện tách bé ra khỏi nguồn điện.
Nếu bé ngừng thở, người lớn cần nhanh chóng sơ cứu khẩn cấp bằng cách hà hơi thổi ngạt, không được vận chuyển bé đi nơi khác trong tình trạng chưa tỉnh. Sau khi bé tỉnh, đưa bé ngay tới cơ sở y tế gần nhất.
Cách phòng ngừa tốt nhất là cha mẹ không cho bé tiếp xúc với cách thiết bị điện trong nhà, không để dụng cụ điện, thiết bị điện trong tầm với của trẻ, bịt kín các ổ điện trong nhà (không dùng tới).
Thời tiết Hà Nội những ngày gần đây rất khắc nghiệt, nhiều trẻ nhỏ không chịu nổi dẫn đến đổ bệnh,
còn các mẹ được một phen tá hỏa ôm con tới bệnh viện