6 cách dạy con biết chấp nhận thất bại

Bích Ngọc,
Chia sẻ

Việc được cha mẹ cưng chiều, cả nhà quan tâm đã khiến không ít trẻ muốn làm “ông vua con”, đặc biệt là trong vui chơi luôn luôn thích là người thắng cuộc.

Những lời khuyên sau đây sẽ giúp trẻ trở nên “fair-play” hơn và hiểu được ý nghĩa thực sự của các trò chơi.

1. Chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ

Nếu trong gia đình có 3 trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau thì thật khó để chơi chung một cách công bằng, trò chơi khó quá thì trẻ bé nhất không biết chơi, trò chơi dễ thì trẻ lớn hơn sẽ thắng dễ dàng. Người lớn nhức đầu nếu không chọn được trò chơi phù hợp với lứa tuổi của cả 3 đứa trẻ. Tốt nhất hãy chọn một trò chơi không khó quá, đề nghị trẻ lớn hơn hãy nhường nhịn trẻ bé hơn.

2. Chọn những trò chơi phối hợp

Ưu điểm của những trò chơi này là không có người thắng, người thua. Khi chơi trẻ phải phối hợp với nhau, giúp đỡ, động viên nhau để cùng đạt được mục tiêu trò chơi đề ra. Điều này giúp trẻ đoàn kết, chơi vui vẻ hơn và ít cãi nhau hơn.

6-cach-day-con-biet-chap-nhan-that-bai


3. Cho trẻ hiểu thua cuộc là việc bình thường

Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với việc bố mẹ có tự hào về mình hay không và thắng ở các trò chơi là cách trẻ chứng minh điều đó. Vì vậy, thái độ của bố mẹ đối với chiến thắng hay chiến bại của trẻ rất quan trọng. Bố mẹ phải luôn tỏ thái độ rằng, con có thua cuộc cũng không sao, lần sau con sẽ cố gắng hơn. Những trò chơi chính là phương tiện tốt để giúp con học cách chấp nhận thắng, bại.

4. Không nên đánh giá thấp sự tức giận của trẻ

Trẻ sẽ không thể chịu đựng được khi bị xem là vô tích sự nếu không thắng trong các trò chơi. Trẻ chơi xấu cũng là vì muốn chứng minh rằng mình có thể làm được và luôn tỏ ra quá khích, dễ bị kích động khi chơi với bạn bè. Bố mẹ phải luôn động viên con, giúp con kiên nhẫn và biết kiềm chế bản thân. Dần dần trẻ sẽ học được cách chấp nhận thất bại và tìm thấy niềm vui thực sự trong các trò chơi.

5. Hãy để trẻ tự làm nguôi cơn giận của mình

Khi bị thua cuộc trẻ thường la hét, giận dỗi, cáu gắt hay đập phá. Điều đầu tiên cha mẹ nên làm trong tình huống này là hãy để trẻ tự nguôi giận. Sau đó hãy giải thích cho con hiểu không thể lúc nào mình cũng là người chiến và giúp trẻ chấp nhận thất bại một cách nhẹ nhàng.

6. Luôn để trẻ hiểu khi chơi, vui là chính

Trước khi bắt đầu một trò chơi nào đó, cha mẹ phải nhấn mạnh mục đích vui là chính, là để gia đình đoàn kết hơn, trẻ trở nên nhanh nhẹn hơn, nhanh trí hơn, hài hước hơn... Nên tránh tất cả những động cơ cạnh tranh cá nhân.

Chia sẻ