Hãy để con được nếm mùi thất bại

Theo PNO,
Chia sẻ

Bé Bo là con duy nhất của chị tôi. Anh chị tôi luôn dành tình yêu thương và quan tâm đặc biệt đến bé, nhất là chuyện học hành.

Dù bận rộn đến mấy, chị tôi cũng dành thời gian kiểm tra bài vở của con vào mỗi cuối tuần. Chị luôn nhắc nhở con học bài, làm bài. Điều đó thật tốt cho con trai chị. Tuy nhiên, tôi không khỏi lo lắng khi thỉnh thoảng bắt gặp cách dạy con của chị. Chẳng hạn, khi đụng bài toán khó, con cần sự trợ giúp, thay vì gợi ý, giải thích, chị lại tính toán và giải giúp con một cách chóng vánh. Con trai chị vốn thông minh, nếu được gợi mở, bé sẽ hiểu ngay. Đằng này, cháu luôn được mẹ “bao sân”. Những lúc bận rộn, chị giải quyết mau chóng để tránh bị con quấy rầy. Đến khi rảnh, chị lại can thiệp quá sâu vào việc học của con. Chị bắt con phải làm tất cả bài tập trong sách toán nâng cao, khi mà con trai chị còn phải làm nhiều bài tập về nhà.

Quan tâm như chị là tốt, nhưng cách quan tâm ấy chưa hợp lý. Việc học của bé Bo xem ra quá phụ thuộc vào mẹ. Khi bận, mẹ có thể không quan tâm đến những câu hỏi của con. Khi rảnh, mẹ nhồi nhét kiến thức, ép con học bài, làm bài khiến con “bội thực”. Như thế, chị đã vô tình tạo áp lực cho con, đôi lúc khiến bé mệt mỏi, sợ bài vở. Vì quá kỳ vọng ở con, chị áp đặt Bo phải giải được tất cả các dạng toán khó, mỗi ngày con phải học được bao nhiêu từ vựng tiếng Anh. Đi nhà sách, chị chọn mua toàn sách tham khảo, chẳng mấy khi bé Bo có được những cuốn truyện tranh theo sở thích. Bé Bo đã lớn, ngoài giờ học bé cũng có những giây phút riêng tư, vậy mà mẹ cứ liên tục “quấy rầy”, luôn nhắc bé học bài, uống sữa. Bé Bo thường đóng cửa phòng chỉ vì sợ… gặp mẹ. Kiểu “học giúp con” của chị tôi vô tình đã khiến con không chịu suy nghĩ, chây lười.
 

Can thiệp để xem con tiến triển thế nào, bắt con tự đào sâu suy nghĩ, hình thành thói quen tư duy, mới là cách làm hiệu quả cho trẻ. Cha mẹ nên thử vài lần nói “không” với yêu cầu của con. Sau vài lần thất bại, trẻ sẽ có được những bài học bổ ích mà không trường lớp nào dạy được, dù điều đó khó khăn với một số phụ huynh. Cần tự hỏi, khi làm giúp con như thế, liệu con sẽ học được gì?

Trong những cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm thường khuyến cáo các bậc cha mẹ nên để trẻ tự học theo khả năng, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn và kết quả sẽ tốt hơn so với việc bố mẹ can thiệp quá sâu, dễ gây sức ép và làm trẻ tự ti. Rất nhiều ông bố bà mẹ muốn con mình hơn chúng bạn, nên ra sức đầu tư việc học cho con cái, bất chấp những biểu hiện tâm lý của trẻ. Trong khi đó, một số phụ huynh có suy nghĩ "thoáng" hơn, rằng con mình có thể học không bằng các bạn. Quan trọng hơn cả là con tham gia nhiều hoạt động và học hỏi được rất nhiều qua các hoạt động đó, đồng thời sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa.

Chia sẻ