Ứng xử sai lầm khi con thất bại

,
Chia sẻ

9 năm học, cô con gái chị Như luôn đứng nhất nhì lớp. Nhưng chỉ một lần gặp thất bại, cô bé rơi vào tuyệt vọng đến mức gia đình lúc nào cũng phập phồng lo con tự tử.

Từ bé cô con gái chị Như ở Giáp Bát, Hà Nội đã rất thông minh, nhanh nhẹn. Học cấp 1, 2 thì luôn đứng nhất lớp, lại học trường chuyên lớp chọn khiến cha mẹ lúc nào cũng hãnh diện, đi đâu cũng khoe. Việc học hành cháu đều tự giác, vợ chồng chị chưa bao giờ phải lo lắng hay nhắc con phải học thế này, thế kia.

Thế nhưng một ngày kia, mọi chuyện bỗng trở thành tai họa khi lần đầu con chị gặp thất bại. Học kỳ 1 năm lớp 10, cháu chỉ đứng thứ 5 trong lớp. Khi biết không còn giữ được vị trí đứng đầu, cháu rơi vào tâm trạng thất vọng và khổ sở đến mức chị Như chỉ sợ con tự tử. Suốt mấy ngày trời, cô bé đóng cửa phòng khóc một mình, nhịn cả ăn, ai hỏi gì cũng không nói, chị Như kể lại.

Từ đó trở đi việc học hành của cô bé ngày càng tụt dốc, hay nổi nóng, giận dữ với bất kỳ ai, đôi khi rất vô cớ. Giờ cả nhà chị Như ai cũng phải nhường nhịn, không dám mắng hay nói nặng gì vì chỉ sợ con có hành động dại dột.

"Mỗi lần có bài kiểm tra hay thi cử, cả nhà lại nín thở thăm dò cảm xúc của con. Hôm nào thi xong mà mặt mày nó ủ rũ là y như rằng, về nhà nó không khóc sướt mướt thì cũng đập phá đồ đạc", chị Như buồn bã nói.

Tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, những trường hợp trẻ gặp thất bại trong chuyện học hành đến phòng khám như trên không phải là hiếm gặp. Như trường hợp con của chị Như, con đường học hành của trẻ luôn thuận buồm xuôi gió, trẻ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thất bại.
 

"Vì thế khi gặp trở ngại trẻ rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo lắng, tâm trạng tụt dốc. Với những trẻ khác, đó có thể chỉ là chuyện bình thường nhưng với những trẻ chưa bao giờ gặp thất bại thì đó lại là một cú sốc lớn về tinh thần", tiến sĩ Bưởi nói.

Cũng theo bà, những lúc như thế, sự quan tâm, hỗ trợ từ phía người thân là rất quan trọng. Đáng lý, gia đình chị Như cần có sự can thiệp ngay khi trẻ gặp thất bại đầu tiên. Chị có thể đưa trẻ đến gặp nhà tâm lý hoặc cùng thảo luận với trẻ để tìm ra nguyên nhân thất bại, từ đó rút kinh nghiệm, tránh việc để tự trẻ cố gắng nhưng lại càng bế tắc.

Ngoài ra, một số cha mẹ lại tỏ ra quá quan trọng hóa, mất bình tĩnh khi con không làm được cái này cái kia. Khi thấy con thi trượt, bài kiểm tra bị điểm kém, ngay lập tức nhiều phụ huynh đã lên án, thậm chí kết luận về nhân cách của con "Sao mày ngu thế", "Sao mày dốt thế", hay so sánh với bạn bè của trẻ "Mày học hành thế nào mà để đến mức cô giáo gọi điện cho bố mẹ vậy hả con? Chả như con của bà..."

Chuyên gia tâm lý cho biết nếu ngay từ đầu cha mẹ đã phủ đầu bằng việc phán xét, kết tội thì sau đó có nói gì trẻ cũng sẽ không nghe, thậm chí tỏ thái độ ghét bố mẹ. Ngoài ra, một số người thay vì dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn bằng cách rút kinh nghiệm thì lại cấm con không cho làm việc đó nữa hoặc tìm cách đổ lỗi thất bại cho ngoại cảnh hay một ai khác... Đây đều không phải là cách xử lý phù hợp, tiến sĩ Bưởi lý giải.

Ở một thái cực khác, một số cha mẹ lại chấp nhận chuyện thất bại của con là việc đương nhiên, khiến trẻ cũng có tâm lý như vậy, ỷ lại, không chịu cố gắng, nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna cũng cho biết thêm.

Trường hợp của gia đình Liên, 16 tuổi, ở Hà Nội là một ví dụ. Học lớp 11 nhưng cô bé rất ngô nghê, vô tư, hồn nhiên như trẻ con, kể chuyện linh tinh, không biết cái gì nên nói, cái gì không nên.

Trò chuyện với nhà tâm lý, cô bé luôn cười nói vui vẻ: "Chắc tại vì em yêu thằng kia, bố mẹ không thích nên mới đưa em đến phòng khám. Nhưng em bỏ lâu rồi. Giờ em yêu thằng khác rồi, mẹ bán đồ ăn sáng, học đại học năm thứ nhất", lúc sau lại bảo "À không nó đang học lớp 12, nhưng nó bảo không thích học, nó dốt lắm, em toàn phải dạy nó", hay "Em toàn nói dối bố mẹ nghỉ học, bảo học đấy nhưng em ngồi chơi"...

Khi được hỏi học bài chưa thì cô bé bảo học trong 10-15 phút là xong vì "có làm được đâu mà học". Trong trường hợp này, theo nhà tâm lý, cô bé không hề có kỹ năng, có tư duy giải quyết vấn đề, vì không giải quyết cũng chẳng sao.

"Trẻ không hề biết mình có điểm mạnh, điểm yếu gì", chị Linh Nga cho biết.

Cũng theo nhà tâm lý, ngoài miệng bố mẹ cô bé này luôn nói là muốn con tốt nghiệp cấp 3, muốn con vào đại học nhưng trong thâm tâm họ lại nghĩ "Ờ, khả năng của nó chỉ có thế thôi. Thất bại là chuyện đương nhiên". Họ luôn tâm niệm con mình là đứa kém cỏi vì thế khi trẻ gặp khó khăn, thất bại không giải quyết được thì thôi, không mong đợi gì ở con vì "biết sức của nó chỉ có thế". Lúc nào cũng cho rằng con mình hết cách không dạy được, nói ngọt, đánh đòn cũng không ăn thua.

"Trẻ chưa bao giờ được khen, toàn chê, việc đó khiến trẻ hình thành thái độ ỷ lại, không làm được thì thôi để đấy, không cần phải cố gắng, động não để làm. Trong khi đó, có những bài nếu biết cách hướng dẫn, giúp đỡ thì Liên hoàn toàn có thể làm được", chị Nga nói.

Chị Nga cho biết, trước hết cha mẹ cần đánh giá đúng năng lực của con, không quá kỳ vọng nhưng cũng không nên đánh giá thấp khả năng của trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần tạo cho trẻ niềm tin vào bản thân cho trẻ niềm tin. Bản thân trẻ cũng phải biết cách chia sẻ, tự tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn của mình.

Đồng thời, cha mẹ cần dạy con biết chịu đựng và vượt qua những thất bại. Thất bại không phải là điều tồi tệ. Con người ta khi thành công không học được điều gì, sẽ quên ngay nhưng khi gặp thấp bại họ lại nghiền ngẫm nó và từ đó rút ra được những bài học từ chính thất bại của mình. Từ đó, giúp trẻ có cái nhìn tích cực hơn.

Bố mẹ cần tỏ bình tĩnh trước thất bại của con, không nên quát mắng hay đánh đập trẻ mà trước hết cần chăm chú lắng nghe tâm sự của con. Sau đó cùng trẻ phân tích điều kiện khách quan, chủ quan, dưới nhiều góc độ để trẻ có thể biết được thất bại của mình là do đâu: "Có thể con chưa cố gắng", "Có thể con hơi chủ quan", "Bố (mẹ) biết nếu đặt trong tình huống khác con sẽ làm tốt hơn"...
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ