Mẹ thường xuyên bổ sung vi chất mà con vẫn gầy gò - yếu ớt, bác sĩ chỉ ra 3 sai lầm cơ bản!

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

Nhiều bà mẹ thắc mắc rằng, mình vẫn luôn chú ý bổ sung vi chất cho con nhưng không hiểu sao bé vẫn gầy gò, sức đề kháng yếu!

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, tình hình trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...) đang ngày càng gia tăng.

Nhiều bà mẹ ngớ người không hiểu vì sao mình vẫn bổ sung vi chất hàng ngày cho con nhưng bé vẫn còi cọc, yếu ớt.

Dưới đây là các sai lầm thường gặp khi phụ huynh bổ sung vi chất cho con:

1. Bổ sung dưỡng chất không đúng nhu cầu của trẻ

- Nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi trẻ em đều khác nhau. Tuy nhiên, đa số các gia đình bổ sung vi chất cho con đều theo kinh nghiệm, truyền tai nhau giữa các mẹ. Cách bổ sung như vậy không có tác dụng gì, thậm chí có trẻ còn bị biếng ăn hơn trước, do bổ sung không đúng loại chất dinh dưỡng trẻ bị thiếu.

"Việc tự ý bổ sung các chất dinh dưỡng không phù hợp cho trẻ có thể không đem lại lợi ích mà còn gây hại cho trẻ. Chẳng hạn nếu bổ sung không đúng loại vi chất trẻ đang thiếu thì sẽ không có hiệu quả cải thiện ăn uống và sức khỏe mà còn có thể bị dư thừa, nếu không thải được ra ngoài mà tích lũy nhiều trong cơ thể thì có thể gây ngộ độc (ví dụ vitamin tan trong chất béo A, D, E, K, ...). Việc bổ sung các chất dinh dưỡng không cân đối, năng lượng rỗng có thể gây dư năng lượng dẫn đến béo phì nhưng vẫn bị thiếu vi chất dinh dưỡng" - bác sĩ BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ.

Mẹ thường xuyên bổ sung vi chất mà con vẫn gầy gò - yếu ớt, bác sĩ chỉ ra 3 sai lầm cơ bản! - Ảnh 1.

Muốn bổ sung vi chất cho con, cha mẹ nên có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên môn. (Ảnh minh họa)

- Phụ huynh nên xem con mình thiếu chất gì thì bổ sung chất đó cho phù hợp và giúp bé hấp thu hoàn toàn những chất tư vấn.

Ví dụ: Đối với trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chúng cần được ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D, A, photpho,... trong khi những trẻ có hệ miễn dịch yếu cần được bổ sung thêm vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng trước bệnh tật.

Trẻ sinh non sức khỏe yếu, vấn đề dinh dưỡng càng phải được chú trọng. Ngoài sữa mẹ, trẻ cần được cung cấp đủ canxi, kẽm, sắt, vitamin E... để tránh tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, tăng khả năng hấp thụ chất béo,...

- Một số trường hợp cha mẹ muốn con cao lớn nên thường xuyên cho bé uống canxi. Nhưng phụ huynh không biết rằng canxi không phải cứ uống là cơ thể hấp thụ được. Để hấp thu canxi thì vai trò của vitamin D rất quan trọng. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ ba nguồn là thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và vitamin D uống trực tiếp.

Mẹ thường xuyên bổ sung vi chất mà con vẫn gầy gò - yếu ớt, bác sĩ chỉ ra 3 sai lầm cơ bản! - Ảnh 2.

Không nên ép trẻ ăn những món chúng không thích. (Ảnh minh họa)

2. Chọn thực phẩm chưa phù hợp

- Các mẹ thường nghĩ rằng, cho con ăn nhiều bí đỏ, cà rốt... sẽ có nhiều vitamin A. Tuy nhiên nếu trẻ ăn quá nhiều, liều lượng beta caroteen vượt ngưỡng cho phép sẽ dẫn đến trẻ dễ bị vàng da. Trong củ dền không có sắt, nên ăn củ dền để bổ sung sắt cho con là sai trái.

- Một số trẻ bị dạ dày yếu nhưng mẹ lại thường xuyên bổ sung vitamin C cho con bằng cách cho uống nước cam mỗi ngày. Điều này khiến hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày bé nói riêng rất dễ tổn thương. Đối với những loại trái cây chua, cần dùng sau bữa ăn và chia nhỏ với lượng vừa phải phù hợp với nhu cầu của bé.

- Các phụ huynh không nên ép con ăn những thứ chúng không thích, chỉ vì nghĩ món đó cung cấp đầy đủ vi chất cho con. Bởi cách làm này chỉ khiến con sợ và trở nên biếng ăn. Thay vì dùng những thực phẩm con ghét, cha mẹ hãy thử đổi sang những thực phẩm khác mà bé thích hơn. Ví dụ như thay vì cho con uống nước cam, cha mẹ có thể cho con ăn cải bó xôi, rau ngót, súp lơ. Các thực phẩm như trứng, bơ, ngũ cốc,... thì giàu axit folic còn rau cải ngọt, rau dền, đậu phụ, yến mạch,... lại chứa hàm lượng canxi rất cao.

Một vấn đề nữa cha mẹ hay mắc phải đó là cho con ăn thực phẩm không đúng độ tuổi. Ví dụ như mật ong, trứng... không được khuyến khích cho trẻ dưới 1 tuổi.

3. Chế biến sai cách

- Chế biến thực phẩm sai phương pháp không chỉ ảnh hưởng đến hương vị mà còn làm hao hụt, biến chất những chất dinh dưỡng sẵn có trong thực phẩm. Phần lớn vitamin rất nhạy cảm với nhiệt, dễ mất đi trong quá trình sơ chế, nấu nướng. Trong khi đó, một số mẹ lại ngâm rửa hay hầm nấu thực phẩm quá lâu, mở vung nhiều lần khi nấu khiến vi chất hao hụt. Nấu nướng không đúng cách có thể khiến vitamin C hao hụt 50%; vitamin B1 giảm 30%; 20% caroten. Cắt rau củ thành miếng quá nhỏ, băm rau, thịt để sẵn trước khi chế biến còn làm mất đi lượng dinh dưỡng. Đối với các thực phẩm giàu đạm và protein như thịt cá, phải nấu ở nhiệt độ từ 70-100 độ C.

Chia sẻ