Chỉ cần bé mắc 1 trong 6 dấu hiệu này, cha mẹ cần cho con đi khám ngay để sớm điều trị bệnh chậm phát triển trí tuệ
Những thông tin dưới đây sẽ giúp cha mẹ nhận biết biểu hiện của bệnh chậm phát triển trí tuệ ở trẻ để sớm can thiệp biện pháp điều trị.
Chậm phát triển trí tuệ là sự khiếm khuyết trong việc phát triển trí não và thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Những đứa bé này thường học chậm hơn so với những đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi và trải qua rất nhiều khó khăn khi học các kỹ năng cần thiết để đối thoại, sinh tồn và làm việc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ có IQ thấp, thường không kiểm soát được hành vi của mình. Chúng dễ bị kích động trước những tình huống đơn giản.
Chậm phát triển trí tuệ được chia ra làm 4 cấp:
- Ở mức nhẹ: Khoảng 80% bé bị chậm trí tuệ rơi vào loại này. Chỉ số IQ của trẻ thường dao động từ 50 - 75 và bé có thể theo học tiểu học. Những bé ở tình trạng này thường mất nhiều thời gian học kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên tình trạng này có thể khắc phục và bé có thể giao tiếp tốt với người khác.
- Ở mức trung bình: Có khoảng 10% trẻ chậm trí thuộc loại này. IQ của trẻ là từ 35 – 55. Trẻ có thể thực hiện được những công việc cá nhân như tắm, ăn và đi vệ sinh. Bé có thể đọc và đếm các con số cơ bản.
- Ở mức nặng: Khoảng 3 – 5% trẻ bị khuyết tật trí tuệ rơi vào nhóm này với IQ từ 20 – 40. Trẻ có thể học được một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc bản thân và kỹ năng giao tiếp.
- Ở mức đặc biệt nặng: Chỉ 1 – 2% trẻ chậm phát triển trí tuệ rơi vào nhóm này. IQ của trẻ nằm dưới 20 – 25. Trẻ có thể học các kỹ năng giao tiếp cơ bản và kỹ năng tự chăm sóc bản thân với sự hỗ trợ của người lớn. Trẻ bị tổn thương thần kinh và cần sự theo dõi, giúp đỡ thường xuyên.
Nguyên nhân của bệnh chậm phát triển trí tuệ:
- Khoảng 30% là do di truyền. Trong trường hợp này, những dị thể bất thường từ bố mẹ truyền sang con và gây ra khuyết tật. Bệnh Phenylceton niệu (một chứng rối loạn chuyển hóa) cũng gây ra khuyết tật về trí tuệ.
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: Sinh non, chấn thương khi sinh hoặc tai biến sản khoa, các khiếm khuyết về thính giác như điếc bẩm sinh hoặc thị lực kém, suy dinh dưỡng, bệnh lý di truyền và rối loạn chuyển hóa như suy chức năng tuyến giáp bẩm sinh, mẹ mang thai tiếp xúc với một số loại thuốc, chất kích thích trước khi sinh (ví dụ như rượu, thuốc an thần). Các bệnh liên quan đến nhiễm trùng não như viêm màng não hoặc viêm não cũng có thể khiến não bị tổn thương, gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ...
Nếu con có 1 trong 6 biểu hiện dưới đây, ba mẹ cần cho con đi khám ngay để can thiệp điều trị bệnh chậm phát triển trí tuệ kịp thời:
1. Không đạt cột mốc phát triển bình thường
Trẻ em phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng hầu hết đều tuân theo một mốc thời gian chung. Mặc dù trẻ sinh non có thể có sự phát triển chậm hơn vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, nếu trẻ dường như không đạt được các mốc quan trọng trong vòng vài tuần so với mức trung bình thì cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được khám, can thiệp điều trị khi cần thiết.
Những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ thường biết ngồi, đứng, bò, đi muộn hơn so với trẻ cùng tuổi. Đặc biệt, khi đến 3 - 4 tuổi thì trẻ mới có thể tự đi được và đi vẫn chưa vững. Ngoài ra, nếu trẻ 10 tháng tuổi vẫn chưa bập bẹ được từ nào, bố mẹ cũng cần đặc biệt chú ý.
2. Trẻ hiếu động quá mức
Nhiều cha mẹ thấy con nghịch ngợm thì cho rằng trẻ con hiếu động và lơ là. Tuy nhiên sau 3 - 5 tuổi, chứng tăng động giảm chú ý sẽ bộc lộ rõ ràng và bộc phát mạnh mẽ ở tuổi vị thành niên.
Tăng động khác với việc trẻ hoạt bát. Một đứa trẻ tăng động chúng sẽ nghịch không có mục đích cụ thể, không kìm nén được sự thích thú. Dù hoạt động đó có thể khiến chúng bị tổn thương. Ở biểu hiện này cha mẹ cần quan sát kĩ để có những phán đoán chính xác hơn.
3. Suy giảm thị lực, thính giác
Thị lực và thính giác ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ nhận thức của trẻ. Nếu gặp trở ngại về 2 giác quan này, lâu ngày trẻ sẽ gặp trở ngại lớn trong giao tiếp, không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển trí tuệ sau này.
4. Thờ ơ với môi trường xung quanh
Trẻ con thường hiếu động và rất tò mò về mọi vật, sự việc cũng như môi trường sống xung quanh. Khi mới chào đời, thị giác của chúng vẫn chưa rõ ràng. Thế nhưng khi trẻ được 8 tháng tuổi, thị giác của chúng đã phát triển nhìn rõ được mọi vật xung quanh. Đối với những trẻ phát triển bình thường, khi được bố mẹ trêu ghẹo, chúng có phản ứng nhanh và tương tác lại. Nhưng ở đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thì ngược lại. Dường như chúng thờ ơ với tất cả, kể cả khi được cha mẹ gọi. Ngoài ra còn 1 số biểu hiện như: Các phản ứng của trẻ với tiếng động rất chậm, hoặc dường như không có phản ứng. Nhiều khi hiện tượng này làm cho chẩn đoán nhầm là trẻ bị điếc.
Tóm lại sự quan tâm của trẻ đối với các sự việc xảy ra chung quanh bị giảm sút hoặc hầu như không có. Trẻ chậm cười, chậm có sự chú ý tới những kích thích chung quanh.
5. Ngoại hình bất thường
Trẻ em chậm phát triển trí tuệ thường có ngoại hình khác hơn so với trẻ bình thường. Ví dụ như lưỡi bị kéo dài ra bên ngoài, thường xuyên bị chảy nước dãi... Ngoài ra trông chúng lù đù, kém nhanh nhạy hơn. Trên khuôn mặt thể hiện sự ngờ nghệch và không tinh anh bằng đứa trẻ bình thường...
6. Dễ bị kích động, sửng cồ
Trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thường có những hành vi có tính chất bốc đồng, dễ bị kích động bởi những thứ nhỏ nhặt và có thể có những hành vi lặp lại.
Chậm phát triển trí tuệ có chữa được không?
Chậm phát triển trí tuệ không phải là bệnh và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời thì tình trạng của trẻ có thể được cải thiện.
Khi trẻ chậm phát triển, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, vai trò của cha mẹ luôn được đặt lên hàng đầu trong việc chữa trị. Việc nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ này đòi hỏi các bậc phụ huynh có sự kiên trì, nhẫn nại và sức mạnh tình cảm to lớn. Bởi con cần phải được chú ý nhiều hơn đến các nhu cầu cơ bản. Ngoài ra phụ huynh có thể đưa con em mình đến các trường đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Giáo viên ở đây có nhiều chuyên môn để chăm sóc và hỗ trợ các bé vốn đã thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa.