Mẹ thiên vị em hơn, bé gái nói 2 câu khiến người lớn bàng hoàng, hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này

San San,
Chia sẻ

Những câu nói của bé gái dành cho mẹ khiến không ít phụ huynh xúc động.

Trong gia đình có nhiều con, việc các anh chị em tỏ ra đố kị, mâu thuẫn với nhau là chuyện thường thấy, song cách cư xử của bố mẹ mới chính là mấu chốt quyết định xem tính cách tương lai của các con sẽ như thế nào. Nếu phụ huynh đối xử công bằng thì các bé sẽ biết yêu thương nhau hơn, tuy nhiên nếu cha mẹ thiên vị, yêu em hơn chị... sẽ khiến mọi chuyện ngày một xấu đi. 

Mới đây, trong chương trình “Camera on” với chủ đề ''Anh em như thể chân tay'', một thử thách đã được đặt ra với gia đình có 2 chị em gái là Tuệ Nhi và Gạo. Cô bé Nhi lớn hơn nên hay được mẹ là chị Thu Trang giao nhiệm vụ trông em bé. Tuy nhiên hôm nay, chị Trang sẽ tạo ra một thử thách, đó là thiên vị em gái hơn để xem phản ứng của Tuệ Nhi sẽ như thế nào. 

Con sẽ thế nào nếu mẹ thiên vị. Nguồn: VTV

Cụ thể, từ sáng, Tuệ Nhi đã được giao cho em uống sữa, trông em, cho em ăn từ loại bánh này sang loại kẹo kia trong khi bản thân không được ăn gì. Sau đó, mẹ Trang đưa bánh cho em, còn dặn thêm cho mỗi mình Gạo thôi đấy, khi Tuệ Nhi hỏi vì sao thì chị Trang thẳng thừng ''vì con béo rồi''. Điều này đã khiến cô bé Nhi rất buồn, bức xúc hỏi ngay lại mẹ: ''Sao mẹ cho mỗi mình em, mẹ đã cho em ăn cái này rồi còn gì, cái gì chị cũng cho em, con đã cố gắng nhịn từ hồi trước rồi''.

Sau đó, chị Trang dự định sẽ cho Gạo xuống sân chơi, còn Tuệ Nhi phải ở nhà ôn bài, lúc này cô bé buồn thiu, giọng ấm ức: ''Lúc nào cũng phải ở nhà một mình, lúc nào mẹ cũng chiều em, con cũng nhịn em từ lâu lắm rồi. Mẹ đang yêu em hơn con, sao mẹ bảo yêu bằng nhau''.

Mẹ thiên vị em hơn, bé gái nói 2 câu khiến người lớn bàng hoàng, hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này - Ảnh 2.

Cô bé Tuệ Nhi vẫn yêu thương và chăm sóc em. Ảnh chụp màn hình.

Cuối cùng, cô bé thét lên: ''MẸ CHỈ YÊU EM THÔI À, CON CŨNG LÀ CON CỦA MẸ MÀ''.

Thế nhưng, dù giận dỗi và không hài lòng với sự thiên vị từ mẹ, bé Nhi cũng vẫn dịu dàng với em, ôm em, cho em uống sữa, ăn bánh chứ không hề đánh hay tỏ ra cáu giận với em, bé thừa nhận: ''Con không bao giờ bớt yêu em nhưng con thấy mẹ không yêu con''.

Chị Trang, mẹ của 2 em bé khẳng định: ''Bất ngờ lắm, sâu thẳm trong con là con rất yêu em, chỉ cáu gắt với mẹ chứ không làm tổn thương em''. 

Rất nhiều phụ huynh xem xong đoạn clip trên đều nhận ra bản thân mình trong đó. Vì nhiều lý do như em bé hơn, đáng yêu hơn, con lớn thì hay cãi, lớn rồi phải biết giúp đỡ bố mẹ... mà người lớn đã vô tình làm tổn thương trẻ. Dù tình yêu dành cho các con là như nhau nhưng cách đối xử của bố mẹ không khéo léo cũng sẽ khiến trẻ bị tổn thương rất nhiều.

Mẹ thiên vị em hơn, bé gái nói 2 câu khiến người lớn bàng hoàng, hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này - Ảnh 3.

Tuệ Nhi và mẹ tâm sự với nhau. Ảnh chụp màn hình.

Người xem cũng khẳng định cô bé Tuệ Nhi rất ngoan, chỉ là 1 lần bị mẹ thiên vị nên như vậy, và cũng rất may mắn khi con biết nói ra suy nghĩ của bản thân và cuối cùng lại ôm mẹ, yêu mẹ và em chứ không còn giận dỗi. Nhiều người cũng nhận định: ''Hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này, đó chính là tình yêu dành cho mẹ và em''.

Trên thực tế, việc thiên vị xảy ra ở rất nhiều gia đình, bố mẹ thường xuyên có cách nói chuyện và hành động phân biệt đối xử giữa các con khiến bé tổn thương, ảnh hưởng tới tính cách trong tương lai. Không chỉ vậy, suy nghĩ và thái độ của các bé cũng có ít nhiều thay đổi, tiêu cực hơn so với những em bé được bố mẹ yêu thương và đối xử công bằng. 

Con sẽ tổn thương như thế nào nếu cha mẹ thiên vị?

Trẻ em luôn cần nhận được sự thương yêu, quan tâm, tôn trọng và cần được đối xử như các anh chị em của mình. Dù con có thế nào thì bố mẹ cũng cần công bằng trong việc dạy dỗ và chăm sóc chúng chu đáo. Các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ không được yêu thương sẽ dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm. 

Chính sự ghen tị với tình yêu thương của bố mẹ sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ của các anh chị em trong nhà. Và đôi lúc sự ganh ghét này sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành, nhất là trong các tình huống mâu thuẫn giữa các con mà không được cha mẹ giải quyết công bằng. 

Sự không công bằng của cha mẹ cũng ảnh hưởng lớn đến hành trình phát triển của những đứa trẻ. Theo đó, khi đứa con cảm thấy không nhận được nhiều sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương của cha mẹ bằng những đứa trẻ còn lại sẽ có nhiều xu hướng tìm đến thuốc lá, bia rượu, cách chất kích thích, nhất là trong độ tuổi vị thành niên. Điều này gây nên nhiều tổn thương tâm lý đối với trẻ nhỏ. 

Mẹ thiên vị em hơn, bé gái nói 2 câu khiến người lớn bàng hoàng, hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó quên được. Trẻ sẽ nhớ mãi về những lời nói hay hành động thể hiện sự phân biệt của cha mẹ với mình, thậm chí điều này còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại.

Không chỉ vậy, nếu bị bố mẹ đối xử không công bằng, sau này khi trưởng thành, con cũng sẽ có xu hướng đối xử với anh chị em và con cái như vậy. Bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chúng sẽ học theo hành động từ bố mẹ, chính vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng và tinh tế trong việc đối xử với các con của mình. 

Không để trẻ thành người bị ''ra rìa''

Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân chính khiến trẻ ghét em là bởi bố mẹ đã vô tình khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi. Từ việc đang được mọi người yêu chiều nhất bỗng trở thành người bị cho ''ra rìa'' khiến trẻ tủi thân, dẫn đến tâm lý muốn được làm em bé để được ôm, được bế và được chiều nhiều hơn.

Vì vậy, bố mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình để tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.

Mẹ thiên vị em hơn, bé gái nói 2 câu khiến người lớn bàng hoàng, hoá ra dù có tổn thương tới mức nào thì trong lòng con vẫn nguyên vẹn điều này - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho ''anh cả'' hoặc ''chị cả'' bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình. Đừng để con phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì bố mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/ chị/ em của bé hơn. 

Chia sẻ